Multimedia Đọc Báo in

Đội tuyển bóng đá Quốc gia sử dụng cầu thủ nhập tịch: Nên chăng?

12:20, 25/06/2017

Những ngày gần đây, vấn đề sử dụng cầu thủ nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam cho Đội tuyển quốc gia đang nhận được sự quan tâm của dư luận và có thể nói, chưa bao giờ vấn đề này lại trở nên "nóng" như hiện nay.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch được bàn thảo nhiều trong giai đoạn hiện nay là do sự thiếu hụt nhân sự chất lượng ở đội tuyển Quốc gia. Kể từ sau khi tiền đạo Lê Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra người thay thế phù hợp. Khoảng trống bao la trong khâu ghi bàn mà Công Vinh để lại là rất lớn. Điều này thể hiện rất rõ trong những trận đấu gần đây của Đội tuyển Quốc gia, mà mới nhất là cuộc tiếp đón Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019 trên Sân vận động Thống Nhất. Ở trận đấu đó, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chiếm lĩnh thế trận, làm chủ hoàn toàn trận đấu, nhưng điều quan trọng nhất là ghi bàn thắng vào lưới đối phương lại không thực hiện được và đành chấp nhận một trận đấu hòa không bàn thắng. Trước đó, cũng trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2019, trận đấu với Afghanistan dù chúng ta đã ghi được 1 bàn thắng, nhưng so với số cơ hội có được bị bỏ lỡ thì đây là con số rất khiêm tốn và các học trò HLV cũng đã phải trả giá khi để đối phương cầm hòa 1-1.

Đội tuyển  Quốc gia  Việt Nam  chưa tìm  được tiền đạo  cắm đúng nghĩa sau khi  Công Vinh  giải nghệ.   Ảnh tư liệu
Đội tuyển Quốc gia Việt Nam chưa tìm được tiền đạo cắm đúng nghĩa sau khi Công Vinh giải nghệ. Ảnh tư liệu

Không phải đến 2 trận đấu trên, vấn đề ghi bàn thắng của Đội tuyển Việt Nam mới được nói đến. Sau khi Lê Công Vinh giải nghệ, vị trí tiền đạo cắm của đội tuyển được kỳ vọng vào những gương mặt trẻ như Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T), Nguyễn Văn Toàn (Hoàng Anh Gia Lai) và sau này là Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng).

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những cầu thủ này không đáp ứng được kỳ vọng. Và để giải quyết vấn đề này, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch lại được tính đến. Hiện nay, hai cầu thủ nhập tịch có khả năng đáp ứng được vị trí tiền đạo cắm ở Đội tuyển Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất là Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC, gốc Nigeria), Đỗ Merlo (SHB Đà Nẵng, gốc Argentina).

So với các tiền đạo Việt Nam, hai cầu thủ này rõ ràng có chất lượng cao hơn hẳn nhờ thể hình, thể lực và tư duy chơi bóng. Trong khi chân sút gốc Nigeria là tiền đạo ghi nhiều bàn nhất lịch sử Giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League), bản thân Samson cũng nhiều lần khẳng định khát khao được khoác áo Đội tuyển Việt Nam, thì tiền đạo người Argentina là chân sút ngoại thành công thứ hai trong lịch sử V-League với bốn lần giành danh hiệu Vua phá lưới, quan trọng hơn, lối chơi của Merlo chính là thứ tuyển Việt Nam vẫn đang tìm kiếm.

Rõ ràng, nếu bổ sung Hoàng Vũ Samson và Đỗ Merlo vào đội hình hiện tại của Đội tuyển Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả tức thì. Thế nhưng đây có thể xem là cách làm “ăn xổi”, mang lại hậu quả lâu dài cho cả nền bóng đá Việt Nam. Bởi một khi có tiền lệ và chỉ chăm chăm vào hiệu quả trước mắt, thì cứ mỗi khi thiếu hụt lực lượng ở vị trí nào, chúng ta lại bổ sung vào vị trí đó một cầu thủ nhập tịch. Như vậy, hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng đi xuống, cầu thủ Việt Nam sẽ mất hết động lực phấn đấu. Đó là chưa kể các cầu thủ nhập tịch chưa phù hợp về văn hóa, màu da, ngôn ngữ... đứng trong đội hình đội tuyển dễ bị coi là phản cảm.

Cần nhắc lại một điều, Đội tuyển Quốc gia nếu không có bản sắc sẽ không còn là Đội tuyển Quốc gia đúng nghĩa. Thế nhưng để có được những tiền đạo tốt, bóng đá Việt Nam phải thay đổi tư duy mang nặng tính thành tích như hiện nay của các câu lạc bộ. Thay vì sử dụng cầu thủ ngoại một cách tràn lan để có kết quả tốt như hiện nay, các đội bóng cần tạo cơ hội cọ xát cho các cầu thủ nội để họ nâng cao trình độ thi đấu của mình.

Cùng với đó, cần có sự công bằng trong chế độ đãi ngộ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cầu thủ. Có như vậy bóng đá Việt Nam mới mong có được những cầu thủ chất lượng do chính mình tạo ra, tránh tình trạng thiếu hụt lực lượng chất lượng cao như hiện nay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.