Multimedia Đọc Báo in

Cái nôi đào tạo vận động viên bóng rổ

15:34, 22/07/2017

Một trong những trường tiên phong, đưa môn bóng rổ vào giảng dạy, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) trở thành địa chỉ đào tạo, nguồn cung cấp cầu thủ cho các câu lạc bộ bóng rổ tranh tài ở những giải trong nước. 

Tuy là mùa hè, song cứ đều đặn khoảng 6 giờ 30 hằng ngày, đông đảo học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh lại tề tựu tại sân bóng rổ nhà trường, chia đội cùng nhau tranh tài. Khuôn viên nhà trường trở nên náo nhiệt bởi tiếng hò reo, cổ vũ của các vận động viên. Các em chia sẻ rằng ngày hè ở nhà buồn nên đến đây gặp gỡ bạn bè và cùng nhau tập luyện môn thể thao yêu thích nhằm cải thiện kỹ, chiến thuật cũng như rèn luyện, giữ gìn sức khỏe để có những ngày hè vui tươi, bổ ích. Cứ thế, hơn 100 học sinh đang theo đuổi môn bóng rổ miệt mài luyện tập đến trưa, sau khi kết thúc buổi tập, các em lại cùng nhau trao đổi những mặt mạnh, yếu của từng cầu thủ để rút kinh nghiệm cho buổi tập hôm sau.

Được biết ngay sau khi môn bóng rổ được đưa vào thi đấu chính thức ở Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2005, cùng với một số trường trên địa bàn tỉnh, Trường THCS Phan Chu Trinh đã mạnh dạn đưa môn thể thao mới mẻ này vào chương trình giảng dạy thể dục. Ban đầu nhiều học sinh đến với môn thể thao đòi hỏi vận động nhiều này với sự tò mò, hoặc đơn giản chỉ nhằm mục đích cải thiện chiều cao hay giảm cân, song sau khi đã làm quen, rèn luyện được những kỹ thuật cơ bản đã đam mê, yêu thích, cùng với sự hướng dẫn tận tình của các thầy giáo, huấn luyện viên, nhiều em đã dần dần bộc lộ, phát triển được năng khiếu, đầu quân cho các câu lạc bộ bóng rổ trên địa bàn thành phố.

Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh luyện tập bóng rổ trong những ngày hè.
Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh luyện tập bóng rổ trong những ngày hè.

Huấn luyện viên Bạch Sơn (Câu lạc bộ Pasan, TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên đến trường, trợ giúp các em luyện tập, qua đó tìm kiếm những vận động viên tiềm năng, bổ sung cho câu lạc bộ cho biết, gần như 100% cầu thủ tại câu lạc bộ do anh quản lý đều tuyển chọn cầu thủ của Trường THCS Phan Chu Trinh bởi các em có chiều cao, thể hình lý tưởng cùng kỹ thuật khá hoàn thiện. Cũng chính từ cái nôi đào tạo này, đã có nhiều vận động viên trưởng thành, tham gia tập luyện, thi đấu tại câu lạc bộ bóng rổ chuyên nghiệp của TP. Hồ Chí Minh như City Wings có cầu thủ Phan Khải. Còn mới đây nhất tại Giải bóng rổ trẻ quốc gia năm 2017, diễn ra vào đầu tháng 7, các vận động viên lứa tuổi THCS của Trường song được “đôn” lên thi đấu ở lứa tuổi U17 này đã thi đấu ấn tượng, khi vượt qua những đối thủ mạnh là đội bóng rổ Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ.

Thành tích lớn nhất mà các cầu thủ xuất thân từ Trường THCS Phan Chu Trinh làm nòng cốt thi đấu là tại Giải bóng rổ trẻ quốc gia 2014, CLB Pasan đã đoạt đươc huy chương Đồng.

Trong chiến lược phát triển bộ môn này, nhà trường sẽ tiếp tục khuyến khích các em tham gia tập luyện, chọn lựa, thành lập đội tuyển năng khiếu, đồng thời phối hợp tổ chức những giải đấu giữa các trường để vận động viên có cơ hội cọ sát, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, với mong muốn đưa môn thể thao này ngày càng phát triển hơn nữa.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.