Multimedia Đọc Báo in

Năm bận rộn của thể thao Đắk Lắk

09:38, 16/02/2020

Năm 2020, tỉnh Đắk Lắk được tín nhiệm chọn làm địa điểm đăng cai nhiều giải thể thao quy mô toàn quốc và quốc tế. Đây là dịp để Đắk Lắk khẳng định năng lực tổ chức cũng như quảng bá hình ảnh đến với bạn bè trong nước, quốc tế.

Theo kế hoạch, năm 2020 Đắk Lắk đăng cai các giải trong nước, quốc tế, gồm: Yoga; Hội khỏe toàn quốc khu vực IV; Bóng chuyền VTV - Cúp Bình Điền; Hội thao Công đoàn ngành Công thương toàn quốc; Võ cổ truyền; Đua xe đạp HTV; Đẩy gậy; Kéo co; Bóng bàn các gia đình toàn quốc và vòng 2 Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia. Trong số này có những môn lần đầu tiên Đắk Lắk đăng cai là yoga, đẩy gậy và kéo co. Có thể nói đây là sự tín nhiệm rất lớn của các liên đoàn thể thao đối với Đắk Lắk xét trên cả hai phương diện về năng lực tổ chức và cơ sở vật chất của địa phương.

Đông đảo khán giả đến theo dõi các cầu thủ tranh tài tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2018 được tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột).
Đông đảo khán giả đến theo dõi các cầu thủ tranh tài tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2018 được tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột).

Đơn cử như Giải bóng chuyền nữ quốc tế - Cúp VTV Bình Điền lần thứ 14 năm 2020 (diễn ra vào trung tuần tháng 5), sự kiện thể thao có quy mô quốc tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới hâm mộ bóng chuyền Việt Nam, bởi sự góp mặt tranh tài của những câu lạc bộ mạnh đến từ các nước châu Á cùng các đội bóng hàng đầu Việt Nam.

Để đưa một giải bóng chuyền uy tín hàng đầu về phục vụ người hâm mộ tỉnh nhà, trong bối cảnh cạnh tranh "khốc liệt" của nhiều địa phương khác, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiên trì, nỗ lực thuyết phục Ban tổ chức với những cứ liệu thuyết phục. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà khẳng định: “Từng đăng cai nhiều sự kiện thể thao lớn trong nước lẫn quốc tế, với những giải đấu tên tuổi như VTV Cup, Giải bóng chuyền vô địch quốc gia…, Đắk Lắk tự tin đủ kinh nghiệm tổ chức thành công giải đấu quan trọng nhất này”.

Đi đôi với lời cam kết, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đang khẩn trương phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phục vụ giải đấu tốt nhất. Trong chuyến thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị của địa phương, ông Nguyễn Bá Nghị (cố vấn chuyên môn của giải) tỏ vẻ hết sức hài lòng, tin tưởng Ban tổ chức đã không lầm khi “chọn mặt gửi vàng” để Đắk Lắk đăng cai giải.

 Khán đài Nhà thi đấu tỉnh  chật kín khán giả khi Đắk Lắk đăng cai Giải bóng chuyền  vô địch  quốc gia 2018.
Khán đài Nhà thi đấu tỉnh chật kín khán giả khi Đắk Lắk đăng cai Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2018.

 

Trong năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức 19 giải thể thao ở quy mô cấp tỉnh. Như vậy đây là năm mà Đắk Lắk có số  lượng giải thể thao nhiều nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra các giải đấu như: Hội thao Công đoàn ngành Công thương toàn quốc, Đua xe đạp HTV, vòng 2 Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia và Giải yoga toàn quốc cũng là những giải đấu tầm cỡ, quy mô. Thông qua các sự kiện thể thao trong nước, quốc tế là cơ hội quý giá để Đắk Lắk giới thiệu và quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước, quốc tế, thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Thực tế, với Giải bóng chuyền nữ quốc tế - Cúp VTV Bình Điền hoặc vòng 2 Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia, thời gian diễn ra hơn một tuần, có nhiều đội bóng tham dự, kèm theo êkíp phục vụ hùng hậu, thời gian lưu trú lâu dài, sẽ tạo doanh thu lớn cho ngành du lịch; không những vậy sau khi kết thúc giải, các đội bóng đều tranh thủ cơ hội tham quan, khám phá những địa điểm, sản phẩm du lịch của Đắk Lắk. Vì vậy, để tạo dựng một hình ảnh Đắk Lắk thân thiện và mến khách trong lòng du khách, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu hệ thống khách sạn, nhà nghỉ cam kết không tăng giá phòng trong quá trình các vận động viên về tranh tài; đồng thời phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động quảng bá các địa điểm tham quan du lịch, giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương để du khách chọn lựa.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.