Cầu thủ đồng ý cắt giảm lương, sẻ chia khó khăn cùng đội bóng
Tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Ý (Serie A), Câu lạc bộ giàu thành tích có biệt danh “Bà đầm già” Juventus là đội bóng đầu tiên nhận được sự đồng thuận của các cầu thủ về việc cắt giảm lương. Đội bóng thành Turin đang sở hữu một dàn sao, gồm những cầu thủ tài năng bậc nhất trong làng túc cầu hiện nay, như: Cristiano Ronaldo, Pauro Bruno Dybala, Gianluigi Buffon, Alex Sandro… có thể tiết kiệm được một khoản tiền lên đến 90 triệu Euro nhờ việc các cầu thủ đồng ý cắt giảm lương liên tục, từ tháng 3 đến tháng 6-2020. Chắc chắn trước khi đặt bút ký cam kết cắt giảm lương, các cầu thủ Juventus đã đứng trước những lựa chọn hết sức khó khăn, bởi nó đồng nghĩa với nguồn thu nhập giảm sút đi rất nhiều.
Đơn cử như siêu sao Cristiano Ronaldo, người hiện đang nhận mức lương “khủng", khoảng 31 triệu euro/năm, nếu cắt giảm lương thì anh phải mất đi khoảng 10,32 triệu euro, tương đương khoảng 267 tỷ đồng. Tương tự, những đồng đội của anh, vốn cũng được hưởng các mức lương cao ngất, tương xứng với tài năng, sự cống hiến cho câu lạc bộ cũng sẽ mất đi một khoản thu không hề nhỏ. Tuy nhiên, với thái độ rất chuyên nghiệp, trách nhiệm cao với câu lạc bộ, 100% cầu thủ đã chấp nhận cắt giảm lương để duy trì đội bóng. Tấm gương biết hy sinh, “đồng cam cộng khổ” với câu lạc bộ mình gắn bó của các cầu thủ Juventus đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của giới truyền thông và tạo một hiệu ứng bất ngờ: cầu thủ của 19/20 câu lạc bộ đang thi đấu tại Serie A đồng ý cắt giảm lương. Nhờ vậy mà theo ước tính, các câu lạc bộ có thể tiết kiệm từ 260 triệu - 520 triệu euro. Serie A trở thành giải đấu đầu tiên trong số 5 giải bóng đá hàng đầu châu Âu đạt được thỏa thuận giảm lương gần như đồng bộ với các đội bóng.
Cristiano Ronaldo (giữa) "hy sinh" khoảng 10,32 triệu euro sau khi đồng ý cắt giảm lương. Ảnh: Internet |
Không diễn ra suôn sẻ như ở Italia, tại Anh, những tranh cãi về chuyện cắt giảm lương ở Giải bóng đá ngoại hạng Anh diễn ra khá căng thẳng khi một số cầu thủ và cả Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) đều lên tiếng phản đối chuyện này. Các câu lạc bộ đang chơi tại giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh này vẫn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán giảm 30% lương của các cầu thủ trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn về mặt tài chính. Bộ trưởng Y tế Anh - ông Matt Hancook cũng vừa lên tiếng kêu gọi toàn bộ cầu thủ "giảm thu nhập và đóng góp vai trò" trong cuộc chiến chống đại dịch. Cuộc đàm phán chưa tìm được tiếng nói chung, song một tín hiệu lạc quan là các ngôi sao của đội bóng Manchester United đã tiên phong, tự nguyện cắt giảm 30% lương, trong lúc nhiều cầu thủ của các câu lạc bộ khác tuy chưa đồng tình về mức cắt giảm, song đã cùng nhau đóng góp, lập quỹ ủng hộ cho lực lượng y tế chống dịch Covid-19. Đến nay số tiền các cầu thủ đóng góp đã lên đến 4 triệu bảng Anh.
Tại Tây Ban Nha, các cầu thủ Câu lạc bộ Barca đã đồng tình cắt giảm mức lương cao kỷ lục, lên đến 70%. Việc đội bóng do Lionel Messi nắm băng đội trưởng đồng ý cắt giảm lương giúp cho Barca giảm bớt gánh nặng tài chính mùa dịch Covid-19 khi mọi hoạt động bóng đá ngưng trệ mà theo tính toán, tổng tiền lương của Barca phải chi trả khoảng 592 triệu USD, tương đương 53% ngân sách đội bóng.
Đội bóng đại kình địch của Barca là Real Madrid cũng nhận được sự sẻ chia khi các cầu thủ con cưng của mình chấp nhận mức giảm lương 10% và có thể tăng lên 20% nếu mùa giải 2019-2020 không thể hoàn tất. Việc các ngôi sao chấp nhận giảm lương sẽ giúp đội chủ sân Bernabeu tiết kiệm được 50-100 triệu euro. Trong khi đó, đội bóng cùng thành phố của “Kền kền trắng” là Atletico Madrid cũng có thông báo sẽ cắt giảm lương của toàn bộ hơn 500 nhân viên , bao gồm cả các cầu thủ và ban huấn luyện. Chắc chắn, sau khi cầu thủ ở các câu lạc bộ hàng đầu này chấp nhận giảm lương thì các đội bóng khác cũng không thể dửng dưng, đứng ngoài cuộc.
Tại Bundesliga (Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức), các cầu thủ của hai đội bóng hàng đầu là Bayern Munich và Borussia Dortmund đã đồng ý cắt giảm 20% lương để giúp đội bóng giảm bớt khó khăn về tài chính do Bundesliga bị tạm hoãn. Theo tờ Bild, cầu thủ của Schalke 04 và nhiều đội bóng khác cũng sẽ làm điều tương tự trong những ngày tới để chia sẻ khó khăn với đội bóng của họ.
Tương tự, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến Ligue 1 (Giải bóng đá vô địch quốc gia Pháp) bị đóng băng hoàn toàn, các đội bóng hứng chịu nhiều thiệt hại về mặt tài chính khi trận bóng đá không diễn ra. Tuy nhiên sau các cuộc thảo luận giữa Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Pháp (UNFP) và Bộ Kinh tế và Tài chính, một thỏa thuận đã được đưa ra: những cầu thủ kiếm được từ 10.000 - 20.000 euro mỗi tháng sẽ giảm 20% tiền lương, những người có mức từ 20.000 - 50.000 euro giảm 30%.
Còn tại Việt Nam, sau khi V-League buộc phải tạm hoãn, Câu lạc bộ Nam Định là một trong những đội bóng đầu tiên chấp nhận cắt giảm 25% lương của tháng 4-2020. Tiếp đến đội Thanh Hóa cũng đồng ý cũng giảm 30% lương trong tháng 3; 40% trong tháng 4 và 50% trong tháng 5, nếu các hoạt động vẫn bị “đóng băng". Trong khi đó các cầu thủ đội bóng Sài Gòn chấp nhận giảm 20% lương tháng 4 và đội TP. Hồ Chí Minh cũng giảm 30% lương tháng 4; 40% lương tháng 5 và 50% lương tháng 6 nếu V-League vẫn chưa thể diễn ra.
Có thể nói, việc đồng ý cắt giảm lương, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới nói chung, câu lạc bộ mình đang thi đấu nói riêng đang oằn mình chống dịch, hứng chịu những thiệt hại to lớn về kinh tế cho thấy trình độ chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm cao của các cầu thủ đối với xã hội.
Đăng Triều (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc