Những thay đổi quan trọng trong chiến lược hạt nhân mới của Mỹ
Cuối cùng, vào ngày 7-4 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược hạt nhân mới của Mỹ sau nhiều lần trì hoãn kể từ tháng 12-2009. Kế hoạch này hiện đang được trình lên Quốc hội Mỹ xem xét phê chuẩn.
Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ có thể được xem là học thuyết hạt nhân Obama. Mặc dù Tổng thống Obama đã đạt được bước tiến xa hơn người tiền nhiệm George W.Bush trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân thì chiến lược hạt nhân mới của Mỹ vẫn chưa đáp ứng được đúng những gì ông Obama đã từng tuyên bố trong bài phát biểu ở thủ đô Prague (CH Séc) hôm 5-4-2009. Trong bài phát biểu này, Tổng thống Mỹ đã hứa sẽ thắt chặt việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân và thậm chí là tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tất nhiên, mọi người đều hiểu một thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục là một giấc mơ không tưởng, thậm chí là trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa.
Học thuyết hạt nhân của Obama có thể được coi là một cuộc cách mạng so với tháng 8-1945. Nếu như học thuyết này đã tồn tại từ cuối Chiến tranh thế giới thứ 2 thì Tổng thống Harry Truman đã không thể ra lệnh ném bom nguyên tử lên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Theo học thuyết mới, Washington cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân đối với những nước không sử dụng vũ khí hạt nhân với điều kiện những nước đó tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân và không phải là “một mối đe dọa nghiêm trọng” đối với nước Mỹ.
Hai điều kiện trên rõ ràng ám chỉ đến Iran và CHDCND Triều Tiên – hai nước hiện đang có chương trình hạt nhân khiến thế giới lo ngại. Như vậy, học thuyết hạt nhân mới của Mỹ quy định việc không sở hữu vũ khí hạt nhân một cách có điều kiện và Iran, CHDCND Triều Tiên tiếp tục nằm trong danh sách những mục tiêu tấn công của lực lượng hạt nhân Mỹ.
Một vụ phóng thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ (Ảnh: T.L) |
Những người ủng hộ giải trừ hạt nhân tin rằng học thuyết hạt nhân mới của Mỹ chỉ chứa rất ít những điều mà Tổng thống Obama đã đưa ra trong bài phát biểu khiến cả thế giới chú ý hồi đầu năm ngoái ở Prague. Theo quan điểm của những người này, chẳng có gì mang tính cách mạng trong chiến lược hạt nhân mới của Mỹ.
Mặc dù còn lâu mới tiến tới được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng chính sách kiểm soát hạt nhân mới của Tổng thống Obama rõ ràng đang đi đúng hướng. Trong học thuyết mới, mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và an ninh quốc tế được xác định là chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và sự phổ biến hạt nhân trên khắp thế giới chứ không phải là cuộc đối đầu hạt nhân giữa các cường quốc như học thuyết của cựu Tổng thống Bush từng xác định.
Dù có những chỉ trích nhưng cũng phải dành cho Tổng thống Obama sự công nhận mà ông xứng đáng có được qua học thuyết hạt nhân mới. Với tư cách là Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ - người vừa thành công trong việc thông qua một cuộc cải cách y tế mang tính lịch sử, Tổng thống Obama đã mạnh dạn có những thay đổi quan trọng trong chiến lược hạt nhân mới của ông.
Chính quyền Mỹ đã cam kết không sử dụng bom nguyên tử với những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân mặc dù có những điều kiện đặc biệt. Nga và Trung Quốc không còn được xem là mối đe dọa đối với Mỹ. Hơn nữa, Washington còn cam kết không phát triển các đầu đạn hạt nhân thế hệ mới mà chỉ tập trung vào việc hiện đại hóa vũ khí thông thường. Mỹ cũng sẵn sàng cấm tất cả các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và từ bỏ kế hoạch phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới được vạch ra từ thời chính quyền Bush.
Rõ ràng Tổng thống Obama đã phải rất can đảm khi “chơi” với những vấn đề nhạy cảm như an ninh quốc gia và sức mạnh của siêu cường hàng đầu thế giới trong nền chính trị Mỹ trước sự đối đầu ngày càng tăng lên từ phía đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng đã phải thỏa hiệp với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, một cựu thành viên của chính quyền Bush. Ông Gates và Lầu Năm Góc đã nhất trí không phát triển các loại đầu đạn hạt nhân mới và ngừng thử vũ khí hạt nhân chỉ sau khi Tổng thống Obama cam kết mở rộng ngân sách hạt nhân cho Bộ Quốc phòng. Số tiền này sẽ được dùng cho việc duy trì thế sẵn sàng, tính an toàn và khả năng của các đầu đạn hạt nhân mà Mỹ đang có cũng như nâng cấp những đầu đạn này.
Tổng thống Obama cũng không hoàn toàn bác bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân với những nước không có vũ khí hạt nhân. Sẽ là ngây thơ nếu mong đợi một Tổng thống Mỹ tình nguyện từ bỏ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân khi ông ta nghĩ đôi lúc điều đó là cần thiết. Hơn nữa, Lầu Năm Góc sẽ không bao giờ đồng ý với điều này.
Tuy nhiên, ông Obama cũng không dám đưa ra những thay đổi quá mạnh bạo bởi điều đó có thể phá hỏng tất cả những cơ hội phê chuẩn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới với Nga tại Thượng viện Mỹ sắp tới.
Ý kiến bạn đọc