Ô nhiễm môi trường ở Bắc Kinh vượt xa tiêu chuẩn
Cục bảo vệ môi trường Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 10-4 công bố chỉ số về ô nhiễm môi trường ở Bắc Kinh trong năm 2013 vượt xa chỉ số môi trường cho phép.
Theo báo cáo, chỉ số PM 2.5 (chỉ số biểu thị hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt bụi đường kính 2,5 micron trong một mét khối không khí) của năm 2013 trung bình ở thủ đô Bắc Kinh là 89,5 microgram/m3, vượt quá tiêu chuẩn của Trung Quốc về không khí sạch là 156%.
Ô nhiễm không khí tiếp tục là mối đe dọa đối với thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc |
Chỉ số trung bình của chất nitrogen dioxide và PM 10 (chỉ số biểu thị hàm lượng tiêu chuẩn của hạt bụi đường kính 10 micron trong một mét khối không khí) là 56 và 108,1 microgram/m3, vượt xa tiêu chuẩn Trung Quốc lần lượt là 40 và 54%. Nồng độ ozone tối đa trong 8 giờ cao điểm hàng ngày vượt tiêu chuẩn 14,6%. Trong tất cả 6 chất gây ô nhiễm không khí, chỉ có chỉ số của sulfur dioxide và carbon monoxide là đạt chuẩn.
Ông Lưu Hiện Thụ, phụ trách Phòng giám sát môi trường thuộc Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kinh cho biết khoảng cách về chất lượng không khí giữa khu vực phía Nam và phía Bắc Bắc Kinh là khá lớn. Chỉ số PM 2.5 ở phía Nam Bắc Kinh là 116,3 microgram/m3, gần gấp đôi chỉ số này ở phía Nam (60,3 microgram/m3).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh đã thất bại trong việc xử lý tình trạng thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu các con sông chảy vào Bắc Kinh.
Năm 2013 Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Tháng 9-2013, chính quyền Bắc Kinh đã công bố kế hoạch 5 năm (2013-2017) để cải thiện chất lượng không khí, với việc cắt giảm lượng tiêu thụ than, tăng cường sử dụng năng lượng sạch. Trước đó là kế hoạch 3 năm (2013-2015) đưa ra tháng 5-2013 nhằm cải thiện chất lượng nước, xử lý và tái chế nước thải.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kinh, năm 2013 có 44.000 hộ gia đình ở Bắc Kinh đã từ bỏ sử dụng bếp than. Thành phố cũng thay thế 366.000 ôtô có lượng xả thải ô nhiễm cao; đồng thời cấm hoạt động đối với gần 290 nhà máy, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc