14:38, 17/06/2014
Ngày 16-6, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatsenyuk đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với lĩnh vực năng lượng của nước này sau khi Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt cho Ukraine.
Thủ tướng Yatsenyuk đã chỉ thị Bộ Năng lượng và Bộ Tư pháp Ukraine chuẩn bị một dự luật về tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng, dự luật thu hút đầu tư từ Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm hiện đại hóa mạng lưới vận chuyển khí đốt của Ukraine. Ông Yatsenyuk cũng yêu cầu Ủy ban điều phối năng lượng quốc gia ban hành thuế đối với việc vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine.
Cùng ngày, Tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom của Nga cho biết đã gửi đơn kiện Công ty dầu khí quốc gia Naftogaz của Ukraine lên Tòa án trọng tài quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển) nhằm đòi 4,5 tỷ USD tiền nợ khí đốt. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc Gazprom, ông Alexei Miller cho biết: “Ngay sau khi thực hiện chế độ trả tiền trước khi cung cấp khí đốt, chúng tôi đã lập tức nộp đơn kiện lên tòa án trọng tài ở Stockholm để yêu cầu Ukraine trả khoản nợ 4,5 tỷ USD. Chúng tôi cũng không loại trừ nộp thêm các đơn kiện khác”.
Đến thời hạn chót là ngày 16-6 mà Ukraine vẫn chưa thanh toán một phần khoản tiền nợ khí đốt hơn 4,5 tỷ USD nói trên, bao gồm tiền mua khí đốt của tháng 11, tháng 12-2013 và tháng 4, tháng 5-2014. Gazprom đã chuyển sang cơ chế trả trước trong hợp đồng khí đốt với Naftogaz. Gazprom cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp đủ lượng khí đốt cho các khách hàng châu Âu và Naftogaz phải đảm bảo khí đốt được trung chuyển qua Ukraine.
|
Công nhân của Gazprom vận hành đường ống cấp khí đốt cho Ukraine (Ảnh: AFP) |
Trước đó, vào đêm 15-6, Nga và Ukraine đã kết thúc cuộc đàm phán khí đốt mà không đạt được bất cứ kết quả nào. Hai bên cũng không nhắc đến khả năng sẽ gặp lại nhau. Cuộc đàm phán khí đốt thâu đêm giữa Nga và Ukraine do EU làm trung gian đã kết thúc thất bại. Nga đã để ngỏ khả năng chuyển sang hình thức trả trước trong hợp đồng khí đốt với Ukraine. Nga giữ nguyên điều kiện tiên quyết là cho đến thời hạn chót lúc 10 giờ ngày 16-6 ( khoảng 13 giờ Hà Nội), Ukraine phải thanh toán gần 2 tỷ USD nợ khí đốt năm 2013 theo mức giá mà Kiev đã nhất trí. Đây là thời hạn chót sau 3 lần Nga hoãn cho Ukraine. Và Nga không có ý định tiếp tục nhượng bộ, trong trường hợp không nhận được khoản thanh toán Nga sẽ chuyển sang hình thức trả trước. Đàm phán bế tắc khi Kiev muốn dùng việc thanh toán nợ làm điều kiện để Nga phải đồng ý về mức giá khí đốt cho thời gian tới, bắt đầu từ tháng 6-2014, ở mức 326 USD/1.000 m3. Đây là mức thấp hơn giá của Nga đưa ra và được Ủy ban châu Âu nhất trí là 385 USD/1.000 m3.
Trong một tuyên bố sau đàm phán, EU cũng cho rằng vẫn có khả năng đạt được thỏa hiệp giữa các bên liên quan trong vấn đề này. Tuy nhiên, các bên không xác nhận có tiếp tục gặp nhau nữa hay không. Phát biểu với báo giới, Cao ủy phụ trách Năng lượng Liên minh châu Âu Guenther Oettinger nói: “Đề xuất của tôi tập trung vào kế hoạch trả nợ khí đốt, theo đó là khoản thanh toán ngay lập tức 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Nga hiện không chấp nhận đề xuất này, thay vào đó họ muốn nhận được khoản tiền 1,9 tỷ USD và mức giá 385 USD/1.000 m3 khí đốt”
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, đàm phán khí đốt thất bại sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, khi Ukraine tăng cường chiến dịch quân sự tại miền Đông trong những ngày qua, với những cuộc pháo kích ác liệt nhằm vào thành phố Slavyansk và Kramatorsk. Về phía châu Âu, các nước này vẫn coi cuộc đàm phán khí đốt là lúc để Tổng thống Nga Putin thể hiện thiện chí nhằm xoa dịu khủng hoảng Ukraine, cũng như hạ nhiệt đối đầu Đông-Tây đang ở giai đoạn căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, thay vào những diễn biến tích cực mà các bên luôn mong đợi, việc Ukraine cáo buộc Nga hậu thuẫn lực lượng đòi ly khai ở miền Đông và việc người biểu tình tấn công Đại sứ quán Nga tại Kiev đang khiến cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục sa lầy, kéo theo đó là những ràng buộc chồng chéo về lợi ích giữa các bên.
Khủng hoảng khí đốt lặp lại sẽ là cơn ác mộng với châu Âu, khi các nước này đang mua gần 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga thông qua các đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ Ukraine.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc