Multimedia Đọc Báo in

Bế tắc trong việc chọn lãnh đạo, Quốc hội Iraq hoãn họp

21:15, 08/07/2014
Quốc hội mới được bầu của Iraq đã hoãn phiên họp dự kiến vào ngày 8-7, trong bối cảnh nước này đang lâm vào bế tắc trong việc lựa chọn các lãnh đạo cấp cao nhất.
 
Kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 4, Quốc hội Iraq mới nhóm họp một lần vào đầu tuần trước và dự kiến họp lại vào ngày 8-7. Tuy nhiên, phiên họp này đã bị hoãn, dự kiến sẽ lùi đến ngày 12-8.
 
Trước đó, phiên họp Quốc hội Iraq ngày 1-7 đã kết thúc trong hỗn loạn, các phái trong Quốc hội đã không nhất trí được về việc bầu Chủ tịch cùng 2 Phó Chủ tịch Quốc hội khóa mới. Theo Hiến pháp Iraq, sau khi bầu được chủ tịch và 2 phó chủ tịch, trong vòng 30 ngày tiếp đó Quốc hội phải lựa chọn được người nắm giữ vị trí tổng thống. Tiếp đó, tổng thống sẽ có 15 ngày để yêu cầu Quốc hội chỉ định Thủ tướng - người chịu trách nhiệm thành lập một chính phủ mới. Thời gian thủ tướng được chỉ định lựa chọn thành viên nội các và trình lên cơ quan lập pháp là 30 ngày.
 
Cùng ngày 7-7 tại phía Tây thủ đô Baghdad đã xảy ra vụ pháo kích làm một tướng cấp cao trong quân đội Iraq thiệt mạng. Theo người phát ngôn quân đội, Thiếu tướng Najm Abdullah Sudan đã bị tử thương trong vụ pháo kích ở khu vực Abu Ghraib, phía Tây thủ đô Baghdad, gần thành phố Fallujah bị phiến quân chiếm giữ. 
Một chiến binh của nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) (Ảnh Reuters)
Một chiến binh của nhóm phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) (Ảnh Reuters)

Những diễn biến mới nhất này cho thấy việc tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Iraq trong nhiều năm qua xem ra càng xa vời. Làn sóng tấn công của phiến quân đang lan rộng và vượt ra bên ngoài lãnh thổ nước này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị vẫn không thể giải quyết được những bất đồng mặc dù đã đưa ra lời kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để đối phó với phiến quân. Tình trạng bạo lực hiện nay ở Iraq khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và làm gia tăng sức ép lên Thủ tướng đương nhiệm Nuri al-Maliki khi ông tuyên bố sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 7-7 Thứ trưởng ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chung tay hành động trong việc ngăn chặn sự sụp đổ chính quyền ở Iraq và Syria. Phát biểu với báo giới, ông Bogdanov cho rằng, xuất phát từ thực tế rằng Iraq đã và đang  là một nhà nước duy nhất, Nga hi vọng rằng phương Tây và các đối tác trong khu vực giúp Iraq và Syria bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Ông Bogdanov cảnh báo, nếu chính phủ Iraq và Syria thất bại trong việc chống lại những hành động cực đoan thì những thế lực khủng bố mới ở Trung Đông sẽ dễ bề tạo ra những "thực thể Nhà nước mới", cai trị người Hồi giáo bằng những luật lệ vô cùng hà khắc. Ông Mikhai hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập và Saudi Arabia tích cực tham gia cùng Nga và Mỹ trong các cuộc đàm phán Geneva để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc