09:03, 15/07/2014
Bê bối do thám mới nhất giữa Mỹ và Đức bắt đầu từ tuần trước khi Văn phòng Công tố liên bang Đức xác nhận một người đàn ông Đức 31 tuổi - nhân viên Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND)- bị bắt giữ ngày 2-7 vì nghi ngờ làm gián điệp cho cơ quan tình báo nước ngoài.
Truyền thông Đức dẫn thông tin từ giới chức an ninh cho hay đối tượng bị coi là "gián điệp hai mang" này làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và đã chuyển giao hơn 200 tài liệu để đổi lấy số tiền 34.000 USD. Vụ việc đã đẩy quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Đức đứng trước những thách thức mới trong bối cảnh Berlin vẫn chưa quên những tiết lộ động trời của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, phơi bày chương trình do thám khổng lồ của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) nhằm vào các công dân Đức, và nghiêm trọng hơn, Thủ tướng Merkel cũng là một mục tiêu do thám.
Vụ việc đã gây tức giận trong chính giới Đức và buộc nước này phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng "gián điệp hai mang", trong đó có việc Berlin trục xuất đại diện tình báo cấp cao nhất của Mỹ tại Đức.
|
Phát Ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest. (Nguồn: AP) |
Mỹ đã thể hiện thái độ bất bình trước cách hành xử của Đức trong vụ bê bối "gián điệp hai mang" song vẫn cho rằng những tranh cãi hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 11-7 cho rằng giữa các quốc gia đồng minh có hệ thống tình báo phức tạp như Mỹ và Đức có sự hiểu biết ở một mức độ nhất định về tính chất các mối quan hệ và hoạt động tình báo. Những bất đồng trong lĩnh vực này được giải quyết hiệu quả qua các kênh riêng đã được thiết lập chứ không phải qua con đường truyền thông. Tuy nhiên, ông Earnest cũng nhấn mạnh những tranh cãi gián điệp hiện nay không nên trở thành rào cản đối với sự hợp tác giữa hai nước, chẳng hạn như hoạt động phối hợp ở Ukraine.
Cho tới nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa trao đổi trực tiếp về vụ bê bối này. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ có cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ John Kerry tại thủ đô Vienna (Áo) bên lề cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran vào cuối tuần này. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi vụ việc nổ ra.
Trước đó, quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Đức cũng đã có phen sóng gió khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ những thông tin tình báo động trời, phơi bày chương trình do thám khổng lồ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nhằm vào hàng triệu người dân và lãnh đạo của nhiều quốc gia, kể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau sự kiện này, Berlin đề nghị Washington ký thỏa thuận ràng buộc không do thám lẫn nhau nhưng đã bị từ chối. Những vụ bê bối do thám liên tục nổ ra khiến người dân Đức ngày càng hoài nghi về mối quan hệ với Mỹ. Theo một điều tra hồi đầu tháng 6, có 69% người Đức cho biết họ bị suy giảm lòng tin đối với Mỹ và 57% ủng hộ giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc