Quốc hội Đức bỏ phiếu siết chặt chính sách nhận tị nạn
14:06, 04/07/2014
Đài truyền hình ARD (Đức) đưa tin, ngày 3-7, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu siết chặt luật tị nạn của nước này nhằm ngăn chặn dòng người xin tị nạn từ các nước khu vực Balkan.
Luật mới này tuyên bố các nước Serbia, Macedonia và Bosnia-Herzegovina là “những nước nguồn gốc an toàn hơn” - nơi không có những lo ngại về sự bức hại chính trị. Do đó, những người nộp đơn xin tị nạn từ những nước này có thể được cho hồi hương nhanh chóng hơn. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết việc áp dụng các quy định tị nạn trước đây đã làm tổn hại những người thực sự cần được bảo vệ, ví dụ những người đến từ Syria, đất nước bị chiến tranh tàn phá. Ngoài ra, ông Maiziere cũng đề cập đến tình trạng số người xin tị nạn từ 3 nước Balkan tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ 1/% số người nộp đơn được chấp nhận. Hiện phần lớn những người xin tị nạn được coi là người di cư vì lý do kinh tế và theo như báo chí đưa tin thì tình trạng thiếu hiểu biết lẫn nhau trong dân cư Đức đang ngày một gia tăng.
Theo số liệu thống kê của cảnh sát liên bang Đức, số người nhập cư bất hợp pháp vào nước này trong năm 2013 đã tăng 1/4, lên 32.533 trường hợp. Trong đó, đa số các trường hợp nhập cư bất hợp pháp vào Đức được các tổ chức và đối tượng đưa người lậu hoạt động chuyên nghiệp ''dẫn lối'' và số lượng các đối tượng này cũng tăng 2/3. Đa số người tị nạn đến từ Syria (3.528 người), tiếp đến là Nga (3.453 người) và Afghanistan (2.368 người). Số lượng đơn đăng ký xin tị nạn ở Đức cũng tăng khoảng 70% trong năm 2013.
Người tị nạn Nam Sudan tại Trung tâm luân chuyển ở Adjumani, Uganda ngày 24-1. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trước đó, Liên hiệp quốc đã công bố một báo cáo cho biết lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, số người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột hoặc khủng hoảng trên toàn thế giới đã vượt qua ngưỡng 50 triệu người. Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong năm 2013, 51,2 triệu người trên thế giới phải rời bỏ quê hương, bản quán để chạy trốn xung đột, nhiều hơn 6 triệu người so với năm trước đó.
Trung Đông là điểm nóng về tình hình tị nạn trong năm qua khi số người tị nạn Syria đang tạm trú tại nước láng giềng Liban hiện chiếm tới 25% dân số nước sở tại. Cơ quan trên cho biết 86% số người tị nạn thuộc các nước đang phát triển. Tính theo khu vực, châu Á-Thái Bình Dương có số người tị nạn cao nhất trên thế giới, khoảng 3,5 triệu người. Tiếp theo là vùng châu Phi - phía Nam sa mạc Sahara - 2,9 triệu người, các khu vực Bắc Phi và Trung Đông - 2,6 triệu người.
Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến các cuộc xung đột gia tăng tại nhiều nơi và xu hướng này chưa có dấu hiệu đảo chiều. Các điểm nóng chiến sự mới là Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Ukraine và Iraq. Song hành cùng với đó là một số cuộc xung đột kéo dài trong nhiều thập niên như tại Somali và Afghanistan. Trước thực tế này, UNHCR kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác, nhanh chóng tìm giải pháp cho các cuộc xung đột để gây dựng hòa bình và ổn định.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc