Multimedia Đọc Báo in

Liên hiệp quốc cáo buộc cả Chính phủ Syria và IS phạm tội ác chiến tranh

06:21, 28/08/2014
Theo Reuters, trong báo cáo dày 45 trang công bố ngày 27-8 tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhà điều tra của Liên hiệp quốc khẳng định cả Chính phủ Syria và các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
 
Theo báo cáo trên, các lực lượng của IS hoạt động tại miền Bắc Syria đang phát động một chiến dịch gieo rắc nỗi sợ hãi, gồm các vụ chặt chân tay, tra tấn và hành quyết công khai. Trong khi đó, quân đội của Chính phủ Syria hồi tháng 4 vừa qua đã tám lần thả bom thùng xuống các khu dân cư, trong đó một số quả bom được cho là chứa chất clo. 
Quang cảnh đổ nát của một chung cư 5 tầng tại phía Đông tỉnh Deir Ezzor (Syria) sau khi bị ném bom. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quang cảnh đổ nát của một chung cư 5 tầng tại phía Đông tỉnh Deir Ezzor (Syria) sau khi bị ném bom. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bên cạnh đó, báo cáo còn cáo buộc quân chính phủ phạm các tội ác chiến tranh khác có thể bị đưa ra xét xử. Báo cáo có đoạn: "Bạo lực đã gây ra tình trạng đổ máu trên khắp các đường biên giới của Cộng hòa Arập Syria, trong khi chủ nghĩa cực đoan làm gia tăng tính hung bạo của cuộc xung đột này". Các nhà điều tra trên một lần nữa kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa các vụ vi phạm ở Syria lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) để xét xử. 
 
Trong khi đó, giới chức Mỹ ngày 26-8 khẳng định Washington không có kế hoạch hợp tác với Damascus chống lại lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, bất chấp cảnh báo của Syria rằng mọi hành động quân sự trên lãnh thổ nước này phải được sắp xếp phối hợp trước. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết không có kế hoạch hợp tác với chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad vì "Mỹ coi đây chính là mối đe dọa khủng bố". 
 
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Syria lần đầu tiên bày tỏ sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Anh, để đẩy lùi các tay súng cực đoan IS. Trước đó, máy bay Mỹ đã bắt đầu do thám trên bầu trời Syria sau khi chiến dịch này được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn. Đây có thể là bước đi mở đường cho các cuộc không kích nhằm vào các tay súng IS tại Syria, tương tự như những gì Mỹ đang tiến hành tại Iraq từ ngày 8-8. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Obama chưa đưa ra quyết định nào về việc không kích Syria. Trong một phản ứng của Damascus, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nhấn mạnh rằng Syria sẽ không chấp nhận các cuộc tấn công quân sự đơn phương của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Ông cảnh báo: "Mọi hành động vi phạm chủ quyền của Syria sẽ bị coi là xâm lược". 
Các tay súng IS. (Nguồn: Reuters)
Các tay súng IS. (Nguồn: Reuters)
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo ngại về mối đe dọa IS sau các cuộc tấn công của nhóm này khắp Iraq và đặc biệt là vụ IS sát hại nhà báo Mỹ James Foley tại Syria. Liên hiệp quốc cáo buộc các hành động của IS và các nhóm có liên hệ với IS tại Iraq có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Có ít dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế muốn phối hợp công khai với chính quyền của Tống thống Assad. Tuy nhiên, các nguồn tin từ Damascus ngày 26-8 cho biết Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo thu thập được từ các máy bay do thám trên với Damascus thông qua các kênh Iraq và Nga.
 
Ngày 24-8, lực lượng IS tại Syria đã lần đầu tiên củng cố sự kiểm soát của mình đối với toàn bộ tỉnh miền Bắc Raqqa, sau khi chiếm căn cứ không quân chiến lược al-Tabaqa trong một cuộc giao tranh đẫm máu làm hàng trăm người thiệt mạng. Những ngày gần đây, nhóm này cũng đã tiến đến tỉnh Aleppo và kiểm soát tỉnh Deir Ezzor, miền Đông nhiều dầu mỏ. Ngày 26-8, máy bay chiến đấu của Syria đã thực hiện ít nhất 12 vụ không kích sử dụng rocket có độ chính xác cao chống lại các vị trí có IS tại Deir Ezzor.
 
Dự kiến, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (UNHRC) sẽ tổ chức một phiên họp khẩn tại Geneva vào ngày 1-9 để bàn về các hành vi tàn bạo của IS và các nhóm phiến quân khác ở Iraq. Tuyên bố của Liên hiệp quốc cho biết yêu cầu họp khẩn này do Chính phủ Iraq đưa ra và nhận được sự ủng hộ từ các nước như Ai Cập (đại diện cho các nước Arab), Iran, Mỹ và các thành viên Liên minh châu Âu (EU). 
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc