Multimedia Đọc Báo in

Ukraine chật vật tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng

20:41, 28/08/2014
Ukraine sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm một “lối thoát chiến lược” khỏi cuộc xung đột ở miền Đông Nam đất nước cũng như cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Nga.
 
Đó là cam kết mà Tổng thống Petro Poroshenko đưa ra sau các cuộc gặp song phương với Nga cũng như cuộc gặp 3 bên với các nước trong Liên minh thuế quan và đại diện Liên minh châu Âu ở Thủ đô Minsk của Belarus ngày 26-8. Các bên đã nhất trí hợp tác vì một lệnh ngừng bắn song giới quan sát nhận định cuộc gặp thực chất chưa đem lại đột phá nào. 
 
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thừa nhận, cuộc đối thoại kéo dài 6 tiếng đồng hồ giữa nguyên thủ các nước thuộc Liên minh thuế quan với Ukraine và đại diện Liên minh châu Âu tại thành phố Minsk đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào. Ông Lukashenko nêu rõ: “Sẽ không có bất cứ biện pháp thiết thực hay thỏa thuận nào về mặt kỹ thuật để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. 
 
Tuy nhiên, bất chấp những bất đồng, các bên đã nhất trí sẽ chấm dứt đổ máu ở Ukraine, thiết lập một lệnh ngừng bắn và khởi động đàm phán chính trị bao gồm tất cả các bên có liên quan. Tổng thống Belarus cho biết: “Tất nhiên họ vẫn còn nhiều khác biệt và quan điểm chia rẽ sâu sắc nhưng điều quan trọng là tất cả các bên tin rằng chúng ta cần phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp để giải quyết tình hình hiện nay”.
 
Sau cuộc gặp 3 bên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc gặp song phương đầu tiên kể từ khi ông Poroshenko nhậm chức hồi tháng 5. Tổng thống Ukraine cho rằng cuộc gặp riêng kéo dài 2 tiếng đồng hồ với người đồng cấp Nga này là “rất khó khăn và phức tạp”. Tuy nhiên, ông đã cam kết sẽ hợp tác xây dựng một kế hoạch ngừng bắn khẩn cấp để hạ nhiệt những xung đột với phe đối lập ở miền Đông Ukraine. Ông Poroshenko cho biết: “Ukraine cần hòa bình ngay lập tức. Mọi người đã quá mệt mỏi vì phải sống trong 1 đất nước vẫn còn chiến tranh trong thế kỷ 21. Tôi có thể khẳng định rằng ý tưởng về kế hoạch hòa bình cuối cùng cũng được sự ủng hộ của tất cả các nguyên thủ quốc gia mà không có ngoại lệ nào. Một lộ trình sẽ được vạch ra dựa trên cơ sở kế hoạch hòa bình và chúng tôi sẽ cố gắng tham vấn qua nhóm tiếp xúc 3 bên để đạt được một lệnh ngừng bắn sớm nhất có thể, đảm bảo sự hiện diện của phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát lệnh ngừng bắn này đối với cả 2 bên”. Về phần mình, Tổng thống Putin cho rằng, cuộc đàm phán song phương với ông Poroshenko đã đem lại những tín hiệu tích cực. Hai bên đã thảo luận về việc cần thiết phải chấm dứt đổ máu sớm nhất có thể và hướng tới một sự hòa giải chính trị bao gồm tất cả những vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt ở miền Đông Nam nước này.   
Từ trái sang: Tổng thống Nga Valdimir Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (ảnh: Reuters)
Từ trái sang: Tổng thống Nga Valdimir Putin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (ảnh: Reuters)
Tổng thống 2 nước thậm chí đã đề cập và đồng ý sẽ đàm phán về việc nối lại cung cấp khí gas từ Nga sang Ukraine sau khi bị gián đoạn vì những bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh rằng Nga không liên quan đến những chi tiết trong điều kiện ngừng bắn giữa Chính phủ ở Kiev và phe đối lập ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Putin nêu rõ: “Nga không thể đối thoại về bất cứ điều kiện ngừng bắn nào vì thỏa thuận này là giữa các chính quyền ở Kiev, Donetsk và Lugansk. Đây không phải là vấn đề của chúng tôi mà là vấn đề nội bộ của Ukraine. Chúng tôi chỉ có thể đóng góp cho việc tạo môi trường lòng tin trong suốt tiến trình đàm phán”. Với việc Nga và Ukraine nhất trí hợp tác vì một lệnh ngừng bắn ở miền Đông, mọi con mắt giờ đây đổ dồn về phía phe đối lập Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ phe đối lập sẽ phản ứng như thế nào về ý tưởng ngừng bắn này cũng như bao giờ họ sẽ nhất trí lệnh ngừng bắn này và sẽ tuân thủ trong bao lâu.
 
Trong khi đó, số người thiệt mạng tăng lên nhanh chóng trong vòng 1 tháng qua do giao tranh ở miền Đông Ukraine. Theo báo cáo thứ 5 của Liên hiệp quốc về tình hình nhân quyền ở miền Đông Ukraine, trung bình mỗi ngày có đến 36 người thiệt mạng vì giao tranh ở khu vực này.
 
Trong vòng 1 tháng qua, quân đội Ukraine đã đẩy mạnh tấn công thành trì của phe đối lập ở miền Đông và giành lại quyền kiểm soát một số thị trấn, cô lập và thắt chặt vòng vây đối với phe đối lập. Báo cáo dài 39 trang của Liên hiệp quốc cho rằng, hậu quả của xung đột leo thang là số lượng thương vong tăng gấp đôi so với báo cáo hồi tháng 7 của cơ quan này. Chỉ trong vòng 4 tuần, tính từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, ít nhất 1.200 người đã thiệt mạng, trong đó chưa bao gồm 298 người thiệt mạng vì vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaixia hôm 17-7. Tính kể từ khi cuộc xung đột bùng phát hồi tháng 4 đến nay đã có 2.220 người thiệt mạng, trong đó có 23 trẻ em.
 
Liên hiệp quốc cáo buộc phe đối lập dàn dựng các vụ tấn công từ những khu vực đông dân cư, đặt dân thường vào nguy cơ thiệt mạng. Báo cáo cũng cho biết,  phe đối lập Ukraine “giờ đây đã được trang bị chuyên nghiệp hơn” với các loại vũ khí đạn dược “tinh vi” có thể cho phép họ bắn rơi các máy bay tiêm kích, trực thăng chiến đấu và máy bay vận chuyển của quân đội chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, trách nhiệm của một số vụ tấn công gây thương vong và thiệt hại thuộc về phía quân đội chính phủ Ukraine vì đã nã pháo vào những địa điểm của phe đối lập trong thành phố.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc