Vụ IS sát hại nhà báo Mỹ sẽ tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố?
15:51, 22/08/2014
Hôm 19-8 vừa qua, các thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã cho đăng tải một đoạn video với tựa đề “Thông điệp gửi đến Mỹ” lên YouTube, quay lại cảnh hành hình nhà báo Mỹ James Foley – người bị bắt cóc ở Syria gần 2 năm trước.
Đoạn băng hình dài gần 5 phút chiếu hình ảnh nhà báo Mỹ James Foley bị hành quyết giữa sa mạc. IS tuyên bố nhóm này sát hại nhà báo Mỹ để trả thù vụ các máy bay Mỹ tấn công các tay súng IS ở miền Bắc Iraq. Trong đoạn băng, tổ chức trên đồng thời cảnh báo đang giữ nhà báo Mỹ Steven Sotloff và số phận của người này phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Iraq. James Foley, 40 tuổi, là một nhà báo giàu kinh nghiệm từng bám sát mảng tin về tình hình chiến sự tại Trung Đông trong 5 năm qua. Ông là cộng tác viên cho trang tin GlobalPost, hãng tin Pháp AFP và nhiều đài phát thanh khác. Theo các nhân chứng, Foley bị IS bắt giữ tại tỉnh Idlib ở miền Bắc Syria ngày 22-11-2012.
Hình ảnh nhà báo James Foley bị hành quyết trong đoạn Video do IS đăng tải trên Youtube. |
Ngày 21-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "bày tỏ sự ghê tởm" đối với hành động chặt đầu nhà báo Mỹ của các chiến binh Hồi giáo và tuyên bố, Mỹ sẽ làm tất cả những gì cần làm để bảo vệ công dân của mình. Phát biểu tại buổi họp báo từ bang Massachusetts, Tổng thống Obama cực lực lên án vụ giết hại nhà báo James Foley. Ông Obama mô tả IS như một khối u đang đe dọa toàn bộ khu vực và nhấn mạnh: “Toàn thế giới kinh hoàng trước vụ giết hại tàn bạo nhà báo James Foley của nhóm khủng bố IS. James Foley là một nhà báo, một người con, một người anh và một người bạn. James Foley bị bắt làm con tin cách đây gần hai năm ở Syria, khi ông đang can đảm đưa tin vào thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại đó. Vụ giết hại nhà báo là một hành động động bạo lực gây sốc đối với những người có lương tâm trên toàn thế giới”.
Không lâu sau tuyên bố của Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc cho biết máy bay Mỹ đã tiến hành 14 cuộc không kích trong vùng lân cận, phá hủy hoặc làm hư hại các thiết bị quân sự của phiến quân IS. Động thái này của Mỹ diễn ra hoàn toàn phù hợp với nhận định của giới phân tích khi cho rằng, vụ bắt cóc và hành hình nhà báo Foley sẽ không khiến Mỹ “chùn tay” trong việc thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào các căn cứ của IS tại Syria và Iraq. Chính sách của Mỹ từ lâu đã không có chỗ cho sự trao đổi bởi Washington cho rằng, hành động này sẽ tạo ra động lực cho các nhóm cực đoan thực hiện thêm những vụ bắt cóc tương tự hòng gây sức ép lên chính quyền Mỹ.
Nhà báo James Foley trước khi bị bắt (ảnh: Daily Mail) |
Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là liệu Mỹ có nâng cấp độ can thiệp nhằm truy quét các phần tử Hồi giáo cực đoan – những kẻ vốn từ lâu đã trở thành kẻ thù của nước Mỹ ở Syria và Iraq hay không? Dù đây không phải là câu hỏi dễ trả lời nhưng chắc chắn, sau vụ Foley, Chính quyền Mỹ sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực bởi cuộc chiến chống khủng bố do Washington phát động cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc