Dịch Ebola gây tác động nặng nề ở châu Phi
18:05, 15/09/2014
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf ngày 14-9 tuyên bố, bà đã sa thải 10 quan chức cấp cao trong chính phủ của mình, do những người này không tuân lệnh trở về nước để điều hành cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola.
Theo thông báo cùng ngày của Văn phòng Tổng thống Liberia, quyết định sa thải có hiệu lực ngay lập tức đối với 10 quan chức chính phủ "vô cảm với thảm họa quốc gia và coi thường nhà cầm quyền", trong đó có hai Thứ trưởng Tư pháp Victoria Sherman-Lang và Wheatonia Dixon-Barnes. Thông báo cũng cho biết 5 quan chức rời khỏi Liberia mà không có lý do cụ thể đã bị cắt hết các khoản lương bổng cho tới khi trở về đất nước. Trước đó, Tổng thống Sirleaf đã lệnh cho 10 quan chức trên trở về Liberia trong vòng 1 tuần, một phần của thông báo tình trạng khẩn cấp quốc gia ban bố ngày 6-8.
Nhân viên Hội Chữ thập Đỏ phun thuốc khử trùng tại khu vực tìm thấy xác một nạn nhân Ebola ở Monrovia, Liberia. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trước đó, vào ngày 13-9, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola, hiện là mối đe doạ lớn nhất với sự ổn định của quốc gia này. Tổng thống Liberia nhấn mạnh nếu không có sự hỗ trợ khẩn cấp và trực tiếp của Mỹ, quốc gia Tây Phi này sẽ thất bại trong cuộc chiến chống Ebola. Trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ vào tuần qua, bà Sirleaf kêu gọi Mỹ xây dựng và điều hành ít nhất một cơ sở điều trị Ebola tại thủ đô Monrovia. Cho dù Chính phủ Liberia dự kiến mở trung tâm điều trị có sức chứa 100 giường bệnh và Tổ chức y tế từ thiện Medecins Sans Frontieres (MSF) nâng cấp trung tâm điều trị tại Monrovia lên 400 giường, Tổng thống Sirleaf cho biết hiện vẫn còn thiếu tới 1.000 giường bệnh tại thủ đô cũng như 10 trung tâm mới trên khắp cả nước. Hiện các trung tâm điều trị đều đã quá tải và buộc phải gửi trả các bệnh nhân về nhà.
Washington đã cam kết hỗ trợ khoảng 100 triệu USD cho cuộc chiến chống Ebola thông qua cung cấp các thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế, thực phẩm, nước sạch, thuốc men và thiết bị vệ sinh. Tuần qua, quân đội Mỹ cho biết sẽ xây dựng một bệnh viện dã chiến với 25 giường bệnh tại Liberia để chăm sóc cho những nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và để cho chính phủ nước này điều hành.
Không chỉ đe dọa đến tính mạng người bệnh, dịch Ebola đang gây ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế các nước Tây Phi. Kinh tế tụt dốc, lĩnh vực khai thác than và một số ngành dịch vụ trì trệ là hậu quả do dịch Ebola gây ra tại các quốc gia Tây Phi, khu vực vốn triền miên chìm trong nghèo đói và chậm phát triển.
Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Bill Murray cảnh báo nền kinh tế của Guinea, Sierra Leone, Liberia - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Ebola - có thể sụt giảm đáng kể. Cụ thể, IMF dự báo mức tăng trưởng trong năm 2014 của Sierra Leone giảm mạnh, từ 11,3% xuống còn 8%. Dịch bệnh Ebola cũng kìm hãm nền kinh tế kiệt quệ của Liberia khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm hơn một nửa, từ mức gần 6% xuống còn 2,5%. Trong khi đó, kinh tế của Guinea cũng được dự báo không khả quan trong năm nay khi mức tăng trưởng sẽ chỉ đạt 2,4% so với con số dự báo là 3,5%.
Bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân nhiễm virus Ebola. (Nguồn: AP) |
Dịch Ebola còn khiến giới doanh nghiệp nước ngoài cắt giảm sản xuất do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của dịch nguy hiểm này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp công và tư nhân trong nước cũng thu hẹp sản xuất nhằm tránh sự lây nhiễm dịch Ebola. Sự cắt giảm quy mô này đã ảnh hưởng đến năng suất của một số ngành nghề. Trước tình hình này, ông Murray nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa, ở quy mô lớn, nhằm kiểm soát dịch nguy hiểm này.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch Ebola hiện nay đã lên tới gần 2.300 người, chủ yếu tại các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone. Tính đến hiện tại, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm chủng virus chết người này đã là 4.293 người. Theo WHO, kể từ ngày 7-9, tổng cộng đã có 301 nhân viên y tế bị nhiễm Ebola tại Guinea, Liberia and Sierra Leone. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng đã khiến các quốc gia Tây Phi vốn đã ít nhân viên y tế này lại càng thiếu hụt bác sĩ và y tá trầm trọng. Cho đến thời điểm hiện tại chỉ các nhân viên cứu trợ và y tế nước ngoài mới được sơ tán khỏi Sierra Leone và Liberia để điều trị.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc