Hội nghị Paris cam kết hỗ trợ Iraq chống Nhà nước Hồi giáo IS
15:37, 17/09/2014
Ngày 15-9, đại diện ngoại giao của 29 nước tham dự hội nghị tại Paris (Pháp) bàn về an ninh và hòa bình ở Iraq, trong đó có các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ), đã nhất trí hỗ trợ cho Iraq "bất kỳ phương tiện cần thiết nào, kể cả hỗ trợ thích hợp về quân sự" để giúp nước này đối phó với tổ chức tự xưng "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Lãnh đạo các quốc gia tham gia Hội nghị Paris (Ảnh Reuters) |
Cũng tại hội nghị trên, các bên tham gia đã cam kết hợp tác chặt chẽ để "đảm bảo rằng những thủ phạm IS sẽ bị đưa ra xét xử trước công lý", đồng thời những cam kết được đưa ra tại hội nghị sẽ được thực hiện, đặc biệt là trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc và trong các cuộc gặp cấp cao sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới ở Iraq, đại diện ngoại giao các nước châu Âu và vùng Vịnh cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Iraq, hối thúc giới chức Baghdad tăng cường luật pháp và thực hiện một chính sách công bằng với tất cả các thành phần trong xã hội để bảo đảm thành công của cuộc chiến chống IS cũng như các tổ chức khủng bố.
Kết thúc hội nghị, đáng chú ý là tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Iraq Faoud Massoum, hai vị nguyên thủ đồng chủ trì hội nghị. Tổng thống Iraq tuyên bố cần một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài vào Iraq, nhưng là can thiệp không quân chứ không cần đưa binh lính tới trận địa. Còn Pháp thì ngay lập tức tuyên bố “Không có chuyện đưa quân tới Iraq”. Trên thực tế, máy bay chiến đấu Rafal của Pháp đã có mặt cùng lúc vào sáng 15-9 và quần đảo trên bầu trời Iraq, cho thấy một sự can thiệp quân sự có sự tham gia của Pháp sẽ sớm diễn ra.
Qua kết quả hội nghị, có thể thấy rằng Pháp và Mỹ đã thành công trong việc tập hợp một lực lượng quốc tế để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Dư luận châu Âu và thế giới đều tin rằng sẽ sớm có những hành động quân sự cụ thể được triển khai ngay sau hội nghị này. Tuy nhiên, điều người ta mong đợi từ trước khi hội nghị diễn ra là một chiến lược rõ ràng đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo thì chưa được nêu sau 1 ngày hội nghị. Thêm nữa câu hỏi liên minh quốc tế có hành động hay không tại Syria cũng bị treo lửng lơ không lời đáp. Ngoài ra, cũng có ý kiến đặt câu hỏi về vai trò của Iran, nước láng giềng quan trọng có nhiều hỗ trợ cho Iraq, nhưng không được mời tham dự hội nghị, do bất đồng với Mỹ và phương Tây trong vấn đề quan hệ với Syria. Mỹ thì tuyên bố không hợp tác với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, người không được mời tham dự hội nghị quốc tế lần này. Tuy nhiên, Mỹ cũng nhắm tới việc tiến hành tấn công vào khu vực lãnh thổ Syria có lực lượng Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng.
Máy bay chiến đấu F18 của Mỹ tham gia không kích IS ở miền Bắc Iraq tháng trước |
Cũng trong ngày 15-9, Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành một đợt không kích nhằm vào mục tiêu của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS ở gần thủ đô Baghdad của Iraq. Đợt không kích này diễn ra sau khi Hội nghị quốc tế ở Paris cam kết ủng hộ Iraq trong cuộc chiến chống lại IS. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các máy bay Mỹ đã không kích gần Baghdad và một địa điểm khác ở gần dãy Sinjar ở miền Bắc Iraq trong vòng 24 giờ qua. Theo Reuters, tuyên bố của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nêu rõ: “Cuộc không kích ở phía Tây Nam Baghdad là cuộc không kích đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ nỗ lực mở rộng của chúng tôi ra ngoài phạm vi bảo vệ người dân (Mỹ) và các phái bộ nhân đạo để tấn công các mục tiêu (IS) khi các lực lượng Iraq mở các cuộc tấn công”.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc