Multimedia Đọc Báo in

Ngoại trưởng các nước trên thế giới họp khẩn cấp về vấn đề Iraq

18:08, 15/09/2014
Ngày 15-9, theo sáng kiến của Pháp, ngoại trưởng khoảng 30 nước trên thế giới nhóm họp khẩn cấp tại thủ đô Paris để thảo luận về tình hình Iraq, xuất phát từ quy mô những đe dọa của các phần tử cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở nước này.   
Hố sâu tạo ra trong vụ đánh bom ở Baghdad. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hố sâu tạo ra trong vụ đánh bom ở Baghdad. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo chương trình hội nghị do Tổng thống Pháp Francois Hollande khai mạc, các đại biểu sẽ nghe báo cáo của đại diện 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, các nước láng giềng của Iraq, trong đó Pháp muốn nghe ý kiến của Iran, tuy nhiên Mỹ lại phản đối đề nghị này. Bộ Ngoại giao Nga hy vọng hội nghị ngoại trưởng Paris sẽ đề ra được một mô hình hữu hiệu nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của IS cũng như hỗ trợ Baghdad đấu tranh chống khủng bố và giải quyết hậu quả khủng hoảng.
 
Hội nghị tại Paris là bước đi kịp thời trong bối cảnh sau chuyến thăm Iraq 3 ngày Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc về vấn đề nhân đạo Valery Amos tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq do IS gây ra đang ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người dân nước này. Theo báo cáo của bà Amos, kể từ tháng 1 năm nay, khoảng 1,8 triệu người Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó trên 850.000 người đã tìm đến tá túc ở vùng do người Kurd kiểm soát để tránh súng đạn ở các vùng có IS hoạt động. Kể từ khi tăng cường hoạt động từ đầu tháng 3 đến nay, IS đã nổi lên là lực lượng thánh chiến có quy mô lớn và trở thành thách thức lớn về an ninh khu vực và thế giới. Tính đến nay, IS đã chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc Iraq và Syria. Các cuộc tấn công và chiếm đóng do IS tiến hành đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa, đẩy Iraq và Syria tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. Bà Amos nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hỗ trợ tài chính cho các chiến dịch nhân đạo, đặc biệt là khi mùa đông đang đến gần.
 
Trước đó, ngày 14-9, các quan chức Mỹ cho biết một số nước Arab đã đề nghị được cùng Mỹ tham gia không kích nhằm vào các mục tiêu thuộc IS, dấu hiệu cho thấy khả năng mở rộng chiến dịch trên không nhằm vào lực lượng phiến quân đã chiếm nhiều khu vực ở Iraq và Syria này. Giới chức Mỹ từ chối nêu tên các nước đưa ra đề xuất trên song cho biết những nước này đang được xem xét trong bối cảnh Mỹ bắt đầu xác định vai trò cho mỗi nước trong liên minh chống lực lượng thánh chiến Hồi giáo, vốn đã tuyên bố thành lập nhà nước khalíp giữa lòng Trung Đông. Sự bổ sung các máy bay tiêm kích Arab có thể tăng cường uy tín của chiến dịch do Mỹ đứng đầu trong một khu vực vốn hoài nghi về việc Washington sẽ cam kết tới mức nào trong cuộc xung đột liên quan đến tất cả các nước ở khu vực này.  
 Cuộc diễn tập của máy bay UH-60 thuộc lực lượng Không quân Jordani. (Ảnh: milinme.wordpress.com)
Cuộc diễn tập của máy bay UH-60 thuộc lực lượng Không quân Jordani. (Ảnh: milinme.wordpress.com)
Cùng ngày 14-9, Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố sẽ triển khai máy bay chiến đấu cùng 600 binh sĩ đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để hỗ trợ lực lượng quốc tế chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Phát biểu trên truyền hình, ông Abbott nói: “Như mọi người đã biết, nhóm Nhà nước Hồi giáo là một tổ chức khủng bố và nhóm này đã vươn tới Australia khi có ít nhất 60 người Australia làm việc và hàng trăm người khác hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố ở Trung Đông. Đây không phải là mối đe dọa đối với quốc tế mà còn đe dọa an ninh của Australia”.
 
Theo tuyên bố, Australia sẽ triển khai 8 máy bay chiến đấu, một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm, một máy bay tiếp nhiên liệu trên không cùng 400 binh sĩ làm công tác huấn luyện và 200 binh sĩ làm nhiệm vụ “cố vấn quân sự”. Tuy nhiên, việc số quân này có tham gia chiến đấu hay không vẫn chưa được quyết định. Tuyên bố được đưa ra hai ngày sau khi Australia nâng báo động khủng bố từ mức "trung bình" lên mức "cao" do mối lo ngại ngày càng tăng về việc các chiến binh Australia đang trở về nước từ các chiến trường Iraq và Syria. Thủ tướng Abbott cho biết, việc triển khai quân theo một đề nghị chính thức của Mỹ, kêu gọi Australia đóng góp vào lực lượng liên quân quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Hiện đã có gần 40 quốc gia, trong đó có 10 nước Ả rập, tham gia vào liên minh này.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc