Multimedia Đọc Báo in

Quốc tế hoan nghênh Scotland lựa chọn ở lại Liên hiệp Anh

19:46, 20/09/2014
Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng công bố ngày 19-9, Scotland đã bác bỏ việc tách khỏi Vương quốc Anh với 55,3% cử tri nói "không" so với 44,7% cử tri nói "có”. 
 
Theo AFP, số liệu chính thức cho thấy có 2.001.926 cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại Vương quốc Anh, trong khi có 1.617.989 cử tri muốn tách khỏi Vương quốc này. Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là 84,6%, vượt qua kỷ lục 84% được ghi nhận trong cuộc tổng tuyển cử Anh năm 1950.
 
Hầu hết các thể chế và thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều hoan nghênh quyết định của người dân Scotland bác bỏ kế hoạch độc lập của vùng đất phương Bắc Liên hiệp Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu ý dân vừa diễn ra ngày 18-9. 
Những người ủng hộ Scotland không tách khỏi liên hiệp Vương quốc Anh vui mừng khi kết quả sơ bộ được công bố, tại Edinburgh ngày 19-9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người ủng hộ Scotland không tách khỏi liên hiệp Vương quốc Anh vui mừng khi kết quả sơ bộ được công bố, tại Edinburgh ngày 19-9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thông báo đưa ra ngày 19-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã đánh giá cao lựa chọn đúng đắn của cử tri Scotland duy trì thống nhất cho Vương quốc Anh, nhấn mạnh kết quả này đặc biệt có ý nghĩa và giúp thúc đẩy một EU đoàn kết, cởi mở và phát triển mạnh mẽ hơn. Theo ông, EU sẽ tiến hành một cuộc "đối thoại mang tính xây dựng" với Scotland, trong đó thảo luận về việc làm, tăng trưởng, năng lượng, biến đổi khí hậu và môi trường cũng như những sắp xếp hợp lý hơn. Trong khi đó, phát biểu trên một đài phát thanh của Đức về việc Scotland bác bỏ việc tách khỏi Vương quốc Anh, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz cho biết ông cảm thấy "nhẹ nhõm" về kết quả cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Scotland. Ông khẳng định mong muốn về một Liên hiệp Vương quốc Anh tồn tại trong một châu Âu đoàn kết thống nhất. Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht, trong bài trả lời phỏng vấn đài phát thanh VTR của Bỉ, nhấn mạnh nếu Scotland tách khỏi Vương quốc Anh, đó sẽ là biến cố chính trị và là trận đại hồng thủy đối với châu Âu. Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cũng hoan nghênh tuyên bố cùng ngày của Thủ tướng Anh Cameron rằng Vương quốc Anh sẽ vẫn là một quốc gia thống nhất sau cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland. Ông Rasumssen nói: "Vương quốc Anh là thành viên sáng lập của NATO và tôi tin rằng Anh quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc giữ cho liên minh của chúng ta vững mạnh. Tôi hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Cameron rằng Vương quốc Anh sẽ tiến về phía trước với tư cách một quốc gia thống nhất". Cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha cũng hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland. Thủ tướng Mariano Rajoy nói: "Chúng tôi rất vui khi người dân Scotland đã ở lại với chúng tôi và kết quả tích cực này đặc biệt có ý nghĩa cho sự thống nhất của EU".

Giới kinh tế tại xứ sở Sương mù cũng thực sự "thở phào" sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland được công bố. Các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn của Anh đã hủy bỏ kế hoạch chuyển mọi hoạt động của họ khỏi Scotland. Các nhà đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm sau khi cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland với cổ phiếu của các ngân hàng tăng mạnh trong phiên mở cửa. Cổ phiếu của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) tăng 3,5% lên 366 xu, cổ phiếu của Tập đoàn Ngân hàng Lloyds tăng 1,5% lên 772 xu và cổ phiếu của Standard Life tăng 1,7% lên 424 xu. Chỉ số FTSE 100 tăng 0,6% lên 6.858 điểm.
 
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân này cũng khơi nguồn cho một cuộc cải cách hiến pháp sâu rộng cho toàn Liên hiệp Anh gồm bốn xứ England, Wales, Scotland và Bắc Ireland. 
Người dân Scotland (Ảnh minh họa)
Người dân Scotland (Ảnh minh họa)

Phát biểu trước quốc dân bên ngoài Văn phòng Phủ Thủ tướng ở số 10 phố Downing sáng 19-9, ông Cameron nói “nguyện vọng đã được quyết định của người Scotland" là ở lại Liên hiệp Anh và ông sẽ "tôn trọng đầy đủ" cam kết dành quyền lực mới về thuế và phúc lợi xã hội cho Nghị viện Scotland. Tuy nhiên, ông Cameron cũng nói rằng những quyền lực mới cho Scotland sẽ phải đi kèm với những cải cách sâu rộng bộ máy hiến pháp trên toàn lãnh thổ, trong đó bao gồm thỏa thuận trao thêm quyền cho các nghị sĩ England trong các vấn đề riêng của xứ này. Ngoài ra, Westminster (chính phủ liên hiệp) cũng sẽ phân bổ quyền lực và tài chính nhiều hơn cho các thành phố lớn.

Trước đó, Thủ hiến Scotland Alex Salmond, thủ lĩnh đảng Dân tộc Scotland (SNP) chủ trương độc lập cho Scotland, đã thừa nhận thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân. Hoan nghênh cử tri Scotland đã thể hiện trách nhiệm của mình qua tỷ lệ đi bỏ phiếu đạt tới 86% số cử tri đăng ký, ông Salmond bày tỏ hy vọng những cam kết của giới lãnh đạo Anh trao quyền hơn nữa cho Scotland sẽ "được tôn trọng và nhanh chóng thực hiện".
 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.