Scotland bắt đầu bỏ phiếu trưng cầu dân ý về nền độc lập
10:09, 19/09/2014
Ngày 18-9, các điểm bỏ phiếu ở Scotland đã mở cửa để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc vùng đất này có nên tách khỏi Vương quốc Anh trở thành một quốc gia độc lập hay không.
Khi tham gia bỏ phiếu, người dân Scotland từ quần đảo Atlantic xa xôi đến thành phố Glasgow, những người tham gia trưng cầu ý dân sẽ phải trả lời có hoặc không cho câu hỏi “Liệu Scotland có thể trở thành một nước độc lập hay không?”. Bốn cuộc thăm dò dư luận ngay trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý cho thấy tỷ lệ ủng hộ Scotland trở thành một quốc gia độc lập là 48%, trong khi 52% người dân vẫn muốn Scotland tiếp tục nằm trong Vương quốc Anh. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy có tới 600.000 người trong số gần 4,3 triệu cử tri Scotland vẫn do dự chỉ vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa. Hơn 2.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Scotland mở cửa từ 6 giờ sáng 18-9 (theo giờ GMT) và đóng cửa lúc 21 giờ.
Người dân Scotland. (Nguồn: Getty Images) |
Trong phe phản đối độc lập, nhiều nhân vật vẫn tích cực đi gặp người lao động trong đêm 17-9 để bảo vệ lập luận của họ về tài trợ cho vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất là dịch vụ y tế. Ba chính đảng lớn ở Anh hứa duy trì "công thức Barnett", một phương thức phân bổ lợi tức vốn luôn đảm bảo người Scotland được hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế cho dù đề nghị này đã gây phản ứng trong Nghị viện Anh với nhiều người cho rằng cái giá để giữ chân Scotland quá cao. Họ kêu gọi trong trường hợp phe nói "không" thắng thế vẫn cần thành lập một Nghị viện thuần Anh.
Nếu cử tri Scotland chọn độc lập, hầu như chắc chắn Thủ tướng David Cameron sẽ từ chức và sức mạnh quốc phòng của Anh sẽ suy giảm nghiêm trọng. Mặc dù việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Anh có thể đe dọa đến khả năng tại vị của mình, Thủ tướng Cameron đã thừa nhận rằng, nền tảng gia đình gốc Anh cũng như việc là thành viên của Đảng Bảo thủ sẽ khiến ông khó lòng thuyết phục được người Scotland không tách khỏi Anh. Trong trường hợp bị chia tách, Edinburgh và London sẽ phải dành 18 tháng đàm phán để giải quyết những vấn đề chung như sử dụng đồng bảng Anh, chia sẻ nguồn tài nguyên dầu ở Biển Bắc, kiểm soát biên giới. Một Scotland độc lập sẽ phải đàm phán lại để gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), sự kiện này có thể ảnh hưởng tới cả quan hệ an ninh Mỹ-Anh và Anh-NATO tại thời điểm NATO và Mỹ đang đau đầu đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Liệu lá cờ Scotland (phải) có còn bay cùng lá cờ Anh trên nóc tòa nhà Chính phủ tại Anh? (Ảnh AP) |
Việc Vương quốc Liên hiệp Anh, nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và là nước có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, có khả năng bị tan vỡ, sẽ khiến cho người dân nước này và các đồng minh trên thế giới trở nên hết sức lo ngại về tương lai phía trước trong khi nhiều nhà tài chính tại Lodon đã cảnh báo về việc thị trường tài chính tại đây có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo Anh cũng chấp nhận rằng, ngay cả khi người dân Scotland bỏ phiếu phản đối việc tách khỏi Anh, cơ cấu của Vương quốc Liên hiệp Anh cũng phải tay đổi bởi việc gia tăng quyền lực cho Scotland cũng đồng nghĩa với việc những cử tri tại xứ Wales và Bắc Ireland cũng sẽ đòi hỏi thêm nhiều quyền lợi hơn nữa.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc