Multimedia Đọc Báo in

Mỹ xác nhận trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên

08:27, 02/10/2014
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 30-9 xác nhận: một người đàn ông tại bang Texas vừa trở về từ Tây Phi đã bị nhiễm virus Ebola và đây là ca mắc đầu tiên được chẩn đoán trên lãnh thổ Mỹ.  
 
Bệnh nhân đã được đưa vào phòng cách ly đặc biệt và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Theo các bác sĩ, người đàn ông ở Texas này không xuất hiện các triệu chứng cho tới khi về nước. Người này từ Liberia về Mỹ hôm 20-9 nhưng đến 24-9 mới có dấu hiệu mắc dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ đã cử một phái đoàn đến Texas để xem xét bệnh nhân này đã tiếp xúc với những ai kể từ khi trở về Mỹ. Trước đó, 4 nhân viên cứu trợ Mỹ bị nhiễm Ebola ở Tây Phi đã được đưa về Mỹ để điều trị từ cuối tháng 7. Ba bệnh nhân trong số này đã xuất viện sau khi bình phục hoàn toàn.
 
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi, chính quyền Mỹ cũng đã lên kế hoạch triển khai hơn 1.000 binh sĩ tới Liberia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh chết người nguy hiểm này.  
Các nhân viên Y tế đang chuẩn bị chôn cất 1 người chết vì Ebola ở khu vực Liberia (ảnh: EPA)
Các nhân viên y tế đang chuẩn bị chôn cất 1 người chết vì Ebola ở khu vực Liberia (ảnh: EPA)
Phát biểu trước báo giới ngày 30-9, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Hải quân John Kirby, cho biết khoảng 700 binh sĩ thuộc sư đoàn không vận số 101 và 700 kỹ sư quân sự sẽ được điều động tới thủ đô Monrovia của Liberia vào cuối tháng 10. Lực lượng này do Thiếu tướng Gary Volesky đứng đầu và có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan dân sự Mỹ đang làm nhiệm vụ tại nước sở tại. 
 
Theo kế hoạch, các binh sĩ sẽ cùng 200 quân nhân Mỹ trong nhóm 3.000 người được triển khai trước đó thực thi nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nhân viên y tế và thành lập các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh tại Liberia. Trong khi đó, các kỹ sư quân sự có nhiệm vụ giúp đỡ xây dựng các trung tâm điều trị Ebola tại các khu vực chịu ảnh hưởng. 
 
Cùng ngày, Phái bộ phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh Ebola của Liên hiệp quốc (UNMEER) tái khẳng định nhiệm vụ thiết lập cơ sở hậu cần cho chiến dịch chống dịch Ebola đang lan rộng. Theo người đứng đầu UNMEER Anthony Banbury, phái bộ sẽ thành lập các trung tâm y tế, cung cấp phương tiện đi lại và trang thiết bị cần thiết cho những cộng đồng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời thúc đẩy sự phối hợp hành động của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 
 
Kể từ khi bùng phát ở Tây Phi tháng 12 năm ngoái, dịch bệnh Ebola đã khiến hơn 3.000 người tử vong trong tổng số hơn 6.000 ca nhiễm bệnh ở 5 quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh hoành hành gồm Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria. Theo báo cáo công bố ngày 30-9 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), ít nhất 3.700 trẻ em ở Guinea, Liberia và Sierra Leone đang lâm vào cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì Ebola. Nhiều em phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng do lo ngại bị nhiễm bệnh từ cha mẹ. 
 
Trước thực trạng này, UNICEF đang thực thi nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em. Đơn cử tại Liberia, UNICEF hỗ trợ chính phủ huấn luyện 400 nhân viên y tế để tăng cường chăm sóc những em bị cộng đồng kỳ thị. Tại Sierra Leone, UNICEF có kế hoạch huấn luyện hơn 2.500 người được chữa khỏi Ebola để làm công tác chăm sóc trẻ em tại các trung tâm y tế. Trong khi đó tại Guinea, UNICEF đang chăm sóc cho khoảng 60.000 trẻ em mồ côi.
 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.