Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine sau vụ lãnh sự quán Nga bị tấn công

10:52, 16/06/2015
Ngày 13-6, Ukraine đã có phản ứng kịch liệt sau khi một đám đông phá hoại Đại sứ quán nước này ở Moscow và Lãnh sự quán ở Rostov-on-Don (Nga), một ngày sau khi Lãnh sự quán Nga ở Kharkov bị tấn công.
 
Phương tiện truyền thông Nga đưa tin, khoảng 100 người đã ném trứng vào Đại sứ quán Ukraine ở Moscow, phá vỡ cửa kính của Lãnh sự quán Ukraine tại Rostov-on-Don bằng gạch đá và gậy bóng chày. Hãng RIA Novosti dẫn lời lãnh sự Ukraine ở Rostov thông báo, có thể trong nhiều ngày tới, Lãnh sự quán sẽ đóng cửa vì nhiều cửa kính đã vỡ, thiết bị văn phòng bị phá hỏng. Trong một tuyên bố, phía Ukraine cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách Nga mở một cuộc điều tra toàn diện, trừng phạt nghiêm khắc những người tấn công và bồi thường thiệt hại vật chất”. 
Đoàn xe chở binh sĩ Ukraine tiến vào Donetsk (Ảnh Reuters)
Đoàn xe chở binh sĩ Ukraine tiến vào Donetsk (Ảnh Reuters)
Trước đó, ngày 12-6, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã gửi công điện yêu cầu phía Ukraine điều tra các hoạt động phá hoại đối với Lãnh sự quán Nga ở Kharkov sau khi những kẻ lạ mặt đã ném trứng và sơn lên tường tòa nhà này vào ngày 11-6. Được biết, ngày 12-6 là một ngày nghỉ lễ của Nga, truyền thông Nga cho hay có tới 450.000 người tại Moscow xuống đường tham gia các sự kiện lớn đánh dấu ngày lễ này.
 
Trong một diễn biến liên quan, báo Vesti ngày 15-6 dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên đã tiết lộ về nội dung phương án thỏa hiệp mới cho cuộc khủng hoảng tại Donbass (Đông Nam Ukraine) mà đại diện Nga trao cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
 
Theo phương án trên, quy chế đặc biệt dành cho chính quyền địa phương sẽ được mở rộng ra toàn bộ lãnh thổ các tỉnh Lugansk và Donetsk (kể cả những khu vực do Ukraine kiểm soát), tuy nhiên “lãnh đạo nắm giữ quyền tự trị mở rộng này phải là những người được cả Ukraine, Nga cũng như các thành viên khác của tiến trình Minsk (là Đức và Pháp) nhất trí". Ngoài ra, tất cả thành viên các lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng đều được ân xá, một số được chuyển đổi thành "công an nhân dân", những người còn lại phải giải giáp.
 
Nguồn tin cho biết các đề xuất đã được chuyển cho Tổng thống Poroshenko. Tuy nhiên về mặt chính thức, Phủ Tổng thống Ukraine đã bác bỏ cuộc đàm phán với Nga về phiên bản thỏa hiệp mới ở Donbass. Người đứng đầu Cơ quan phân quyền và tự quản địa phương trực thuộc Phủ Tổng thống Ukraine, Vladimir Kurennoj tuyên bố "đây là điều ảo tưởng".
 
Trong khi đó, tình hình đặc biệt căng thẳng ở khu vực xung quanh sân bay gần thành phố Donetsk, nơi phe đối lập kiểm soát.
 
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn có được 4 tháng nay, trong ngày 12-6, các cuộc giao tranh của cả hai phía quân đội chính phủ và lực lượng đối lập tại khu vực miền Đông Ukraine đã khiến hàng chục người thương vong. Điều này đang đặt Ukraine trước một tương lai bất ổn.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 13-6, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết, trong 24 giờ qua, các cuộc giao tranh tại vùng lãnh thổ lực lượng đối lập kiểm soát ở miền Đông đã làm  6 binh sĩ nước này thiệt mạng và 14 người bị thương. Tình hình đặc biệt căng thẳng ở khu vực xung quanh sân bay gần thành phố Donetsk, nơi phe đối lập kiểm soát. Theo ông Lysenko, những thương vong trên là do trúng đạn pháo của lực lượng đối lập cũng như trúng phải mìn ở khu vực này.
 
Trong khi đó, lực lượng đối lập cáo buộc quân Chính phủ Ukraine đã bắn vào làng Oktyabrsky gần Donetsk, làm 2 dân thường bị thương.
 
Như vậy, mặc dù hiệp định ngừng bắn trên diện rộng đã được ký kết vào tháng 2, nhưng những cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn diễn ra hằng ngày, làm thiệt mạng binh sĩ của cả bên chính phủ và lực lượng miền Đông. Theo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cả phía quân đội Kiev và phe đối lập đều chưa hoàn thành việc rút vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới chiến tuyến ở miền Đông như trong thỏa thuận ngừng bắn. Giới quan sát quốc tế đã cảnh báo về nguy cơ của một cuộc xung đột lớn hơn.
 
Liên quan đến tình hình tại Ukraine, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, nếu cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine diễn ra vào thời điểm này thì đương kim Tổng thống Petro Poroshenko sẽ chỉ nhận được lá phiếu ủng hộ của 13,6% cử tri thay vì 54,7% số phiếu mà ông này giành được hồi tháng 5 năm ngoái. Con số này cho thấy, sự ủng hộ của người dân Ukraine dành cho Tổng thống của họ đang sụt giảm nghiêm trọng sau những bất ổn tại Ukraine không được cải thiện. Đây là cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) thực hiện.  
Binh sỹ Ukraine chất vũ khí lên tàu hỏa để chuyển khỏi thành phố Artemivsk thuộc khu vực Donetsk ở miền đông ngày 6-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Ukraine chất vũ khí lên tàu hỏa để chuyển khỏi thành phố Artemivsk thuộc khu vực Donetsk ở miền đông ngày 6-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Việc tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Poroshenko giảm sút một cách nghiêm trọng hoàn toàn dễ hiểu bởi sau hơn một năm cầm quyền, ông này đã chưa đem lại được những thay đổi thực sự đáng hy vọng cho người dân Ukraine như lời ông hứa. Không những thế, tình hình đất nước Ukraine mỗi lúc một trở nên tồi tệ hơn về mọi mặt. Nền kinh tế đang ở bờ vực của sự sụp đổ khi tiến ngày một gần đến việc bị phá sản, vỡ nợ. Tỉ lệ thất nghiệp cao, người dân sống trong thiếu thốn, khó khăn và bất an. Cuộc chiến ở miền đông Ukraine vẫn chưa tìm được lối thoát và viễn cảnh hòa bình, đoàn kết đất nước vẫn còn ở đâu đó rất xa.
 
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Sofia, hơn 61,8% người Ukraine khi được hỏi cho biết họ sẵn sàng từ bỏ các khu vực do dân quân ly khai kiểm soát ở Donbass (miền Đông Ukraine) để chấm dứt nội chiến. Kết quả khảo sát cụ thể cho thấy gần 23% số người được hỏi cho rằng chính quyền Ukraine phải giành lại toàn quyền kiểm soát tại các khu vực ở tỉnh Donetsk và Lugansk do dân quân kiểm soát và hơn 15% chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
 
Theo cuộc khảo sát trên, gần một nửa số người Ukraine (48,5%) cho rằng nhiệm vụ chính của tổng thống và chính phủ đương nhiệm là chấm dứt chiến tranh ở Donbass, cải thiện tình hình kinh tế. Ngoài ra, 15,6% số người được hỏi xác định tạo việc làm là nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ. 80% số người được hỏi cho rằng chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm để ngăn chặn chiến tranh. Khoảng hơn 45% số người được hỏi cho rằng để ngừng cuộc chiến ở Donbass và bình thường hóa quan hệ với Nga có thể cần có một số nhượng bộ. 
 
Về việc từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ở các mức độ khác nhau, khoảng 35% số người được hỏi đồng ý và cũng có một tỷ lệ tương tự sẵn sàng xem xét lại thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Gần 30% số người được hỏi sẵn sàng công nhận tiếng Nga là quốc ngữ để chấm dứt chiến tranh; gần 11% chấp nhận chính thức công nhận Crimea thuộc Nga và hơn 12% chút ít công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa ly khai ở Donbass để kết thúc chiến tranh.
 
Cuộc khảo sát trên được tiến hành từ ngày 6 đến 18-5 ở các vùng lãnh thổ do lực lượng Kiev kiểm soát tại các tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông, với sự tham gia của 3.609 người.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.