Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị cấp cao Eurozone khó đạt thỏa thuận về nợ Hy Lạp

08:23, 23/06/2015
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây tuyên bố, hội nghị cấp cao Eurozone diễn ra tại Luxembourg khó đạt thỏa thuận về nợ Hy Lạp.
 
Trước đó, tối 21-6, chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gửi tới các chủ nợ những đề xuất cải cách cơ cấu mới, với những cam kết cụ thể hơn để đổi lấy nhận được khoản giải ngân cuối cùng trong gói cứu trợ thứ 2 dành cho nước này. 
 
Ông Tsipras có cuộc gặp với các chủ nợ quốc tế (gồm Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu) trước thềm Hội nghị cấp cao Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo Thủ tướng Đức Merkel, nếu các chủ nợ không thông qua những đề xuất cải cách mới nhất của Hy Lạp thì hội nghị cấp cao sẽ trở nên vô nghĩa và sẽ chỉ là một cuộc gặp mang tính chất tham vấn. “Việc xem xét những đề xuất này trước tiên là trách nhiệm của các chủ nợ. Chỉ khi những thể chế này đưa ra khuyến nghị cuối cùng, thì lãnh đạo các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu mới có thể đưa ra quyết định. Điều này có nghĩa là nếu không một khuyến nghị nào được đưa ra thì hội nghị cấp cao hôm nay cũng giống như những cuộc họp trước đó, tức sẽ chỉ là một cuộc gặp mang tính chất tham vấn và chúng ta vẫn còn một tuần để đưa ra quyết định”, Thủ tướng Đức, Merkel nói.
 
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến thời hạn Hy Lạp phải thanh toán cho Quỹ tiền tệ 1,6 tỷ Euro nếu không muốn vỡ nợ, song tới nay nước này vẫn không chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc của các chủ nợ và cho rằng, 5 năm "khắc khổ" trước đó đã không ổn định được nền kinh tế và đưa đất nước trở lại thị trường vốn mà chỉ tăng nợ nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ của Hy Lạp lâm vào bế tắc.
 
Dự kiến giữa tuần này (25-6) tại thủ đô Brussels, Bỉ sẽ diễn ra một hội nghị cấp cao thường kỳ của Liên minh châu Âu và Hy Lạp sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm.
 
Theo báo “Tấm gương” của Đức, nhiều chính trị gia hàng đầu của nước này đang yêu cầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lập tức ngừng cứu trợ cho Hy Lạp. Nhiều chính trị gia trong liên minh cầm quyền ở Đức cho rằng việc cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp sẽ chỉ khiến nước này tiếp tục chơi trò “câu giờ” với các đối tác đàm phán. 
 
Đây là lý do để không tiếp tục hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Athens. Theo ông Wolfgang Bosbach, nghị sĩ hàng đầu của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), chừng nào Hy Lạp còn được tiếp tục hỗ trợ về tài chính, thì tinh thần “sẵn sàng thoả hiệp” của chính phủ Hy Lạp chưa tăng lên. 
 
Điều đó sẽ càng gây khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận.
 
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cảnh báo ngân hàng này sẽ lâm vào tình trạng khó khăn từ ngày 23-6 nếu các nhà lãnh đạo Eurozone không đạt được giải pháp về vấn đề Hy Lạp. Vào 30-6 tới, nếu Hy Lạp và các chủ nợ không đạt được đồng thuận để giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro, Athens có nguy cơ phá sản. 
 
Trong bối cảnh Hy Lạp đang tạo ra các “cú sốc” mới đối với Eurozone, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và một số quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) đã hoạch định một “tầm nhìn mới” cho liên minh tiền tệ này. 
 
Cụ thể, báo cáo của các quan chức cấp cao này khuyến nghị các chính phủ Eurozone ủng hộ sự thay đổi về quy định hai năm tới, đồng thời vạch ra các ý tưởng dài hạn có thể được áp dụng trong các nguyên tắc mới trong vòng 10 năm tới. 
 
Bất chấp khủng hoảng trong những năm qua, khi chính phủ các nước Eurozone không thể hạ giá đồng nội tệ, báo cáo vẫn cho rằng euro là một đồng tiền ổn định và thành công. Tuy nhiên, những điều chỉnh nhanh chóng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, đặc biệt trong vấn đề thất nghiệp, nhằm bảo đảm đồng euro giữ vai trò không chỉ là đơn vị tiền tệ mà còn là một “dự án kinh tế và chính trị” trên nền tảng “cân bằng, lâu dài và hợp pháp".
 
Các quan điểm về báo cáo này có thể nhận được các đánh giá khác biệt, cho dù nó chứa đựng một số yếu tố liên quan tới nhiều bên khác nhau. Báo cáo có thể khiến Đức cảm thấy hài lòng khi kêu gọi các nguyên tắc ngân sách chặt chẽ hơn, song cũng kêu gọi chính Berlin chia sẻ nguồn lực tài chính từ sự thặng dư thương mại trong nhiều năm qua của mình, để trợ giúp một số quốc gia gặp khó khăn trong khối - điều mà Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn bày tỏ quan điểm “thận trọng."
 
Báo cáo cũng vạch ra một số mốc thời gian để Eurozone hướng tới như: Giai đoạn từ tháng 7-2015 đến tháng 6-2017, khu vực liên minh tiền tệ này cần xây dựng hệ thống tiền tệ cạnh tranh, củng cố thực hiện nguyên tắc ngân sách, tập trung lớn hơn vào thị trường việc làm và xã hội, cải thiện quá trình tái cấp vốn ngân hàng trực tiếp trong Cơ chế bình ổn châu Âu hay triển khai liên minh các thị trường vốn. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2025 sẽ tập trung vào xây dựng sự ổn định kinh tế vĩ mô cho Eurozone và hợp nhất cơ chế bình ổn châu Âu vào khuôn khổ luật của EU.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.