Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị thượng đỉnh G-7 thảo luận nhiều vấn đề "nóng"

08:31, 11/06/2015
Ngày 7-6, Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) đã khai mạc tại thành phố Garmisch-Partenkirchen, cực Nam của nước Đức.
 
Để bảo vệ hội nghị, giới chức Đức đã huy động 23.000 nhân viên cảnh sát từ khắp các bang ở Đức và Áo, với nhiều lớp chặn xung quanh lâu đài Elmau, nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh. Đức cũng triển khai chiến dịch bảo vệ không phận để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị.
 
Diễn ra trong hai ngày 7 và 8-6, Hội nghị G7 là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới đề cập các hồ sơ quốc tế lớn hiện nay. Tuy nhiên, điều hiếm hoi từ nhiều năm nay là không phải các vấn đề kinh tế hay trốn thuế, mà cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo mới là những nội dung chiếm phần lớn thời gian các cuộc tranh luận. Ngoài ra là các vấn đề như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hồ sơ Hy Lạp. Đây là lần thứ 2 Nga không tham dự hội nghị mà cho đến năm ngoái vẫn được gọi là nhóm G8 do những bất đồng lập trường liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Song chính điều này lại khiến cho hồ sơ Ukraine tiếp tục trở nên bế tắc. 
 
Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại Hội nghị ngày 7-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại Hội nghị ngày 7-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong ngày họp đầu tiên (7-6) của Hội nghị G7 tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, các nhà lãnh đạo G7 đã tiến hành thảo luận một số chủ đề bao gồm kinh tế; thương mại và các tiêu chuẩn; chính sách an ninh và đối ngoại. Hai nội dung khủng hoảng nợ của Hy Lạp và vấn đề Ukraine, tuy không phải là nội dung chính, song được hầu hết các nhà lãnh đạo G7 đề cập đến trong các phát biểu của mình.

Các nhà lãnh đạo G7 đã đạt được nhất trí về việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Việc đàm phán sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới để có thể đạt được một kết quả cụ thể vào cuối năm nay.
 
Về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng đưa ra những đề xuất cải cách mới, đồng thời cho biết ông sẽ gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vào giữa tuần tới để thảo luận về khủng hoảng nợ của Athens. Liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Obama cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Moskva nếu Thỏa thuận hòa bình Minsk được triển khai theo đúng kế hoạch. Ngược lại, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Donald Tusk ám chỉ có thể siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.
 
Một sự kiện bên lề nhưng thu hút được nhiều chú ý là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm. Tại cuộc gặp, người đứng đầu Nhà Trắng đã đề nghị Anh tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU), bởi điều đó sẽ có tác động tích cực tới EU cũng như cả thế giới. Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng Cameron cho biết Anh sẽ cử thêm 125 chuyên gia huấn luyện quân sự tới Iraq, nâng tổng số quân nhân Anh tại nước này lên 900 người. Phần lớn các chuyên gia mới sẽ tham gia huấn luyện cho quân đội Iraq, hướng dẫn việc phát hiện và rà phá bom, chất nổ do các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cài đặt. 
 
Trước khi khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chủ đề bao trùm cuộc gặp là quan hệ song phương và chính sách với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như các chủ đề được các nhà lãnh đạo G7 bàn thảo trong hai ngày làm việc ở Elmau.
 
Ngày 8-6, Hội nghị thượng đỉnh G7 bước sang ngày họp thứ 2 và cũng là ngày họp cuối cùng. Vấn đề biến đổi khí hậu là nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo G7 tại ngày họp thứ 2. Bên cạnh đó, ngày 8-6, lãnh đạo G7 cũng  tiến hành đối thoại mở rộng với các đại diện đến từ châu Phi và Arab, trong đó có nội dung về y tế và chống khủng bố.  
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trước Hội nghị G7 (ảnh: DPA)
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trước Hội nghị G7 (ảnh: DPA)

Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết thắt chặt các tiêu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại ngày họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ hi vọng sẽ làm sống lại các tiêu chí xanh thông qua việc thúc giục các quốc gia công nghiệp G7 nhất trí với các mục tiêu phát thải cụ thể, trước Hội nghị khí hậu của Liên hiệp quốc, dự kiến diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.

Tổng thống Pháp  Francois Hollande, người sẽ chủ trì Hội nghị về khí hậu của Liên hiệp quốc vào cuối năm nay cũng đang tìm kiếm một cam kết đầy tham vọng từ các nước G7 nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Ông Hollande cũng muốn thúc đẩy một cam kết tài chính nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo chuyển đối lĩnh vực năng lượng, góp phần làm giảm lượng khí thải cácbon. Trước đó, Nhật Bản cũng cho biết sẽ ủng hộ các nước G7 trong việc thiết lập mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Thủ tướng Cadana Stephen Harper có chấp nhận các mục tiêu về khí hậu mà các nhà lãnh đạo Đức và Pháp mong muốn hay không. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Thủ tướng Cadana, ông Stephen Lecce cho biết, nước này ủng hộ một thỏa thuận tại Paris, song thỏa thuận này cần phải bao gồm cam kết cắt giảm khí thải từ tất cả các nước.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.