IS liên tiếp bị đánh bật khỏi các vị trí chiến lược ở Iraq và Syria
08:33, 11/06/2015
Ngày 7-6, quân đội Iraq và lực lượng dân quân đã giành lại quyền kiểm soát 7 thị trấn chiến lược tại khu vực al-Karama thuộc tỉnh Anbar, miền Tây nước này, từ nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trung tâm Chỉ huy tác chiến Baghdad cho biết Lữ đoàn 59 thuộc quân đội chính quy Iraq đã nắm giữ 5 thị trấn al-Hamra, Ma'askar al-Hamra, al-Bodlov, al-Bu Issa và al-Malali tại khu vực al-Karama. Trong khi đó, Lữ đoàn 1 thuộc Lực lượng phản ứng nhanh của quân đội Iraq cũng giành lại hai thị trấn al-Zajalieh và al-Maqala nằm gần khu vực al-Karama.
Lực lượng ủng hộ Chính phủ Iraq giành lại quyền kiểm soát làng Sayed Ghareeb, gần Dujail, cách thủ đô Baghdad 70km về phía bắc từ phiến quân IS ngày 2-6. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cũng trong ngày 7-6, Chỉ huy Lực lượng phản ứng nhanh thuộc Bộ Nội vụ Iraq, Tướng Nassir al-Fartousi cho biết quân đội nước này đã giành lại quyền kiểm soát tỉnh Baiji, trung tâm lọc dầu trọng yếu ở miền Bắc, cách thủ đô Baghdad 250 km về phía Bắc. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq Saad Maan Ibrahim cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định bước tiến này sẽ giúp quân đội Iraq bảo đảm an toàn cho những nhà máy lọc dầu lớn nhất, chuyên phục vụ cho nhu cầu trong nước, được đặt tại đây.
Tỉnh Baiji rơi vào tay IS trong thời gian lực lượng này mở rộng ảnh hưởng cách đây 1 năm, song quân đội chính phủ đẩy mạnh tấn công nhằm giành kiểm soát các cơ sở lọc dầu tại đây. Baiji cũng là khu vực có vị trí chiến lược do nằm trên tuyến đường đến thành phố Mosul lớn thứ hai của Iraq và hiện do IS kiểm soát.
Cùng ngày 7-6, quân đội Chính phủ Syria đã đẩy lùi các tay súng IS trong cuộc tấn công nhằm đánh chiếm thành phố Hasaka, thủ phủ của tỉnh cùng tên ở phía Tây Bắc Syria. Truyền thông khu vực cho biết quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát 3 ngôi làng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía Nam, cùng một trạm điện và một nhà tù vốn rơi vào tay IS trong cuộc tấn công nhằm vào Hasaka ngày 30-5 vừa qua. Quân đội Syria cũng đẩy lùi hơn 200 tay súng IS tham gia vào một chiến dịch lớn nhằm đánh chiếm sân bay quân sự Deir Ezzur.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), đêm 6-6, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành ít nhất 4 cuộc không kích nhằm vào các vị trí của IS ở thị trấn Suran, phía Bắc tỉnh Aleppo. Đợt không kích đã tiêu diệt ít nhất 8 tay súng phiến quân và làm bị thương 20 tên khác, đồng thời phá hủy một khẩu pháo phòng không và một vị trí chiến đấu của IS.
Cùng ngày 7-6, IS đã lên tiếng thừa nhận đứng đằng sau vụ đánh bom xe đẫm máu cuối tuần qua tại miền Đông Iraq, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, 37 người bị thương.
Trong một tuyên bố đăng tải trên các diễn đàn của lực lượng thánh chiến ngày ngày 7-6, các phiến quân IS đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công chết người này, đồng thời tiết lộ thêm rằng một trong số những người bị sát hại là thành viên của một đơn vị chống khủng bố thuộc lực lượng cảnh sát Iraq. Vụ tấn công còn phá hủy một số nhà hàng bên đường tại lối dẫn vào thị trấn Balad Ruz cách thủ đô Baghdad khoảng 65 km về phía Đông Bắc, thuộc địa phận tỉnh Diyala.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu Elmar Brok tại thủ đô Tehran ngày 7-6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ trích việc một số quốc gia trong khu vực đang tiếp tục hậu thuẫn tài chính cho tổ chức IS. Ông Javad Zarif đồng thời khẳng định chủ nghĩa khủng bố và cực đoan là mối đe dọa của cả Trung Đông lẫn các nước Phương Tây. Ông Zarif cũng kêu gọi các nỗ lực chung trong việc ngăn chặn sự bành trướng của mạng lưới IS và cho rằng sự bất ổn của bất cứ quốc gia nào cũng sẽ ảnh hưởng và đe dọa an ninh cũng như sự ổn định của các quốc gia còn lại trong khu vực.
Liên quan đến tiến trình đàm phán hạt nhân gây tranh cãi của nước này, ông Zarif nói rằng Tehran sẵn sàng theo đuổi các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới trên tinh thần thiện chí và xây dựng. Tuy nhiên, lãnh đạo này khẳng định bất cứ sức ép hay lệnh cấm vận nào đối với Iran cũng sẽ làm thất bại mọi thành quả trong tương lai.
Về phần mình, ông Brok khẳng định Iran và EU có thể hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề quan trọng của khu vực, đồng thời hy vọng rằng Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng cho vấn đề hạt nhân vào cuối tháng này, qua đó mở ra một tương lai mới cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Trong một động thái khẳng định thái độ cứng rắn với chủ nghĩa khủng bố, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã tuyên bố một loạt biện pháp nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc bạo lực thánh chiến. Các biện pháp mới bao gồm bổ sung kinh phí cho cơ quan tình báo Canada và mở rộng theo dõi du khách nước ngoài. Thủ tướng Harper khẳng định Canada sẽ tăng cường khả năng phát hiện những phần tử và âm mưu khủng bố, phong tỏa nguồn tài chính của các lực lượng này và đảm bảo ngăn chặn những đối tượng khủng bố cũng như những người trong diện tình nghi ngay tại biên giới.
Thủ tướng Harper nhấn mạnh cơ quan thuế của Canada sẽ chú trọng hơn vào việc phát hiện các khoản tài trợ liên quan khủng bố cũng như các hoạt động và tổ chức núp bóng nhân đạo để huy động và chuyển tiền. Theo các biện pháp mới, chính phủ liên bang cam kết cấp bổ sung cho Cơ quan tình báo và an ninh Canada (CSIS) 178 triệu USD trong 6 năm.
Lực lượng an ninh Iraq đã được điều động đến hiện trường sau vụ bom xe (ảnh: CNN) |
Trong khi đó, vào ngày 7-6, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết Anh sẽ bổ sung thêm 125 binh sĩ đến Iraq giúp nước này trong cuộc chiến chống IS. Thủ tướng Anh nhấn mạnh, quyết định điều thêm quân sang hỗ trợ Iraq là “một điều đúng đắn” mà nước Anh cần làm, bởi chủ nghĩa khủng bố giờ không chỉ là mối đe dọa của Iraq, Syria hay của Trung Đông mà của toàn thế giới. Và nước Anh cũng đang góp phần trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Với việc triển khai thêm 125 binh sĩ, Anh đã đóng góp vào Liên minh quốc tế chống IS là 275 quân. Thủ tướng Cameron cho biết, các binh sĩ sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu mà thực hiện đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ hậu cần, xây dựng cho lực lượng an ninh Iraq. Trong số 60 nước tham gia Liên quân chống IS, Anh là quốc gia có mức đóng góp lực lượng và tài chính nhiều thứ hai sau Mỹ.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc