Chưa có dấu hiệu lạc quan về khả năng đạt thỏa thuật hạt nhân Iran
09:31, 03/07/2015
Theo Reuters, AFP, AP và Tân hoa xã, ngày 2-7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói với báo giới rằng hiện vẫn chưa rõ liệu tất cả các bên đang đàm phán về thỏa thuận cuối cùng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran có đủ can đảm thực hiện điều này hay không.
Ông Steinmeier nêu rõ: "Nỗ lực của tất cả các bên nhằm đạt được thành công là thật... nhưng vấn đề liệu tất cả các bên có còn đủ ý chí và can đảm vào thời điểm cuối cùng hay không thì đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammon cho hay dù đã bước sang ngày thứ 6 song cuộc đàm phán hạt nhân Iran vẫn chưa có bước đột phá nào. Tuy nhiên, ông khẳng định các bên vẫn nỗ lực hướng tới một thỏa thuận.
Cũng trong ngày 2-7, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini dự kiến trở lại Vienna để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đang tiến hành một loạt cuộc gặp với các đối tác của Mỹ trước thềm vòng đàm phán với Iran vào tối cùng ngày.
Trong bối cảnh đàm phán về thỏa thuận hạt nhân cuối cùng vẫn tiếp tục bế tắc khi chưa thể thu hẹp được một số bất đồng quan trọng thì các bên lại liên tiếp đưa ra các tuyên bố cứng rắn. Trong tuyên bố đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Iran không được thay đổi các thỏa thuận về nguyên tắc ký tại Lausanne Thụy Sỹ. “Nếu họ không thực hiện, đây sẽ là vấn đề lớn vì tôi đã nói từ ban đầu: Tôi sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán nếu trên thực tế đây là một thỏa thuận tồi. Nếu tôi không thể đảm bảo đóng chặt tất cả các con đường mà Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu tôi không thể kiểm chứng được, nếu cơ chế kiểm tra, xác minh không đầy đủ thì sẽ không có một thỏa thuận nào hết. Chúng tôi đã nói rõ với chính phủ Iran về vấn đề này”. Ông Obama nói.
Đổi lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thẳng thừng khẳng định nếu không có một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, nước này sẽ khôi phục chương trình hạt nhân của mình theo cách thức mà phương Tây không thể tưởng tượng được.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại cuộc gặp ở Vienna (Áo), trước khi bắt đầu vòng đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chính vì vậy, tất cả mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn về chuyến thăm của Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Iran ngày 2-7. Hội đàm với Tổng thống Iran, thảo luận với các quan chức cao cấp khác cho thấy vai trò của IAEA đang ngày càng tăng lên trong thỏa thuận hạt nhân cuối cùng.
Có thể nói rằng, không chỉ đóng vai trò then chốt trong những ngày đàm phàn căng thẳng cuối cùng trước thời hạn mới 7-7, IAEA sẽ là trụ cột chính hỗ trợ cho phương Tây ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong trường hợp một thỏa thuận cuối cùng được ký kết. Không chỉ có nhiệm vụ giám sát các địa điểm hạt nhân của Iran, IAEA còn phải bảo đảm các cơ sở này không được chuyển đổi sang chương trình vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, IAEA cũng sẽ có tiếng nói quan trọng về thời điểm dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế với báo cáo xác nhận Iran đã hoàn thành các bước đi đầu tiên tạm ngừng chương trình hạt nhân.
Liên quan đến chuyến thăm của ông Yukiya Amano, Ngoại trưởng Iran hôm 1-7 cũng cho biết quan điểm của IAEA và nước này đang tiến đến rất gần. Iran và các cường quốc sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới thỏa thuận cuối cùng. “Tôi không đặt ra hạn chót. Chúng tôi sẽ tiếp tục và chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ. Chúng tôi đã đạt được tiến bộ, sẽ đạt được tiến bộ và sẽ tận dụng mọi cơ hội để phá vỡ bế tắc”. Ngoại trưởng Iran nói.
Cho đến nay, nội dung chuyến thăm của lãnh đạo IAEA đến Iran chưa được công bố, tuy nhiên, báo cáo mới nhất của tổ chức này đang làm dấy lên hy vọng cho các bên. Trong báo cáo được tiết lộ hôm 1-7, IAEA xác nhận Iran đang giảm quy mô kho nhiên liệu hạt nhân, một phần trong thỏa thuận với các cường quốc phương Tây. Theo đó, khoảng hơn 4 tấn urani đã làm giàu đã được đưa xuống một đường ống, khó có thể sử dụng cho vũ khí hạt nhân. Đồng thời, kho nhiên liệu urani đã làm giàu cấp độ thấp của nước này giảm xuống còn 7,6 tấn, phù hợp với mức quy định trong thỏa thuận ký cuối năm 2013.
Giới quan sát cho rằng, với việc các bên đều đưa ra những quan điểm cứng rắn nhằm trấn an dư luận trong nước và đồng minh thì cú hích cuối cùng cho thỏa thuận hạt nhân đang nằm ở tiếng nói của IAEA.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc