Multimedia Đọc Báo in

Hoàn tất Hiệp định TPP: Tương lai của thương mại toàn cầu

11:05, 09/10/2015
Sáng 5-10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tối 5-10 theo giờ Việt Nam), tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
 
Trước đó cùng ngày, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới. Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực. 
 
TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Đàm phán TPP hiện là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Tuyên bố của các bộ trưởng khẳng định sau hơn 5 năm đàm phán sâu rộng, "chúng tôi đã đạt được thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường phát triển hòa nhập và khuyến khích sáng tạo trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước chúng ta". 
Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán hiệp định TPP tại Atlanta (Mỹ).
Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán hiệp định TPP tại Atlanta (Mỹ).

Ngày 6-10, một ngày sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận giữa 12 nước tham gia, nhiều nước đã hoan nghên hiệp định được xem là “của thế kỷ 21” này. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố, đây là một thắng lợi lớn đối với Australia. Các rào cản thuế quan được khai thông với việc giảm hơn 98% thuế xuất nhập khẩu đối với các nước tham gia TPP và có thêm nhiều thị trường mới mở cửa. Nông dân sẽ được cắt giảm mạnh thuế trong các lĩnh vực như thịt bò, các sản phẩm sữa, rượu vang, đường, gạo, rau quả và hải sản ở một số thị trường. Các nhà sản xuất thịt bò sẽ được hưởng lợi khi thuế cắt giảm thêm 9% và lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ các nhà sản xuất lúa gạo sẽ có thể tăng sản lượng bán tại Nhật Bản. Những người trồng mía sẽ tăng gấp đôi sản lượng đường xuất đi thị trường Mỹ…

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6-10 cũng đánh giá việc đạt được đồng thuận về TPP là một thành công. Chính phủ và liên minh cầm quyền Nhật Bản đã lập tức bắt tay vào công tác chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua TPP. Tuy nhiên, báo chí Nhật Bản nhận định, do đàm phán hiệp định kéo dài hơn dự kiến, cùng với tình hình phức tạp hiện nay trên chính trường Nhật Bản, nhiều khả năng Quốc hội nước này chỉ có thời gian xem xét TPP từ tháng 4-2016. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed đã bày tỏ tin tưởng rằng TPP sẽ giúp Malaysia thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời giảm nhẹ các thách thức khi hội nhập thị trường kinh tế thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã hoan nghênh việc 12 nước đạt được thỏa thuận về TPP, đồng thời tuyên bố Seoul sẽ nỗ lực tham gia hiệp định này ngay khi nào có thể. Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định, TPP là một trong những thỏa thuận thương mại tự do chủ chốt đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc hy vọng TPP cũng như các thỏa thuận thương mại tự do khác có thể thúc đẩy lẫn nhau và góp phần vào sự tăng trưởng thương mại, đầu tư và kinh tế của khu vực này.
 
TPP được kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới với những quy định mới về thương mại toàn cầu trong thế kỷ 21. Hiệp định TPP sẽ bao gồm những quy chuẩn về lao động mà các nước thành viên phải tuân thủ cũng như những quy định về môi trường, trong đó, những quốc gia không hành động quyết liệt trong việc chống lại nạn buôn bán động vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa sẽ phải đối mặt với những án phạt về thương mại. TPP cũng bao gồm những quy định về hoạt động của các tập đoàn nhà nước và cấm việc cản trở tự do trao đổi thông tin xuyên biên giới. Tuy nhiên, TPP vẫn chưa thể chấm dứt được việc các ngân hàng bị buộc phải lưu giữ các giao dịch và thông tin của khách hàng tại quốc gia họ sinh sống.
 
Trên bình diện toàn cầu, việc hoàn tất đàm phán TPP sẽ tạo ra những áp lực mới cho Liên minh châu Âu (EU) trong việc hoàn tất Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương với Mỹ trước khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở trong vòng 15 tháng tới. Ngoài ra, điều này cũng khiến các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ phải nhanh chóng thông qua các thỏa thuận về thương mại trong khu vực.
 
TPP cũng được kỳ vọng sẽ báo hiệu một kỷ nguyên mới về tự do thương mại trên toàn cầu. Với việc vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu đang bị đình trệ, các nền kinh tế như Mỹ và EU đang hướng mục tiêu của mình vào những “Hiệp định xuyên khu vực” như TPP và TTIP như một sự thay thế với kỳ vọng một ngày nào đó, những hiệp định này sẽ trở thành Hiệp định thương mại toàn cầu.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV, SGGP)
 

Ý kiến bạn đọc