Multimedia Đọc Báo in

Di cư: Nguy cơ một thế hệ không được hưởng quyền công dân

17:20, 22/09/2015
Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu có nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ em không có quyền công dân, nếu các quốc gia không thu hẹp sự khác biệt về luật pháp liên quan tới vấn đề này.
 
Cảnh báo trên được Mạng lưới châu Âu về vấn đề những người không có quyền công dân (ENS) đưa ra khi mở một cuộc vận động nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em lớn lên không có quyền công dân tại châu Âu, nơi ước tính 600.000 người không có quốc tịch. ENS nhấn mạnh những đứa trẻ không có tư cách công dân bị từ chối những quyền cơ bản rất dễ bị lạm dụng, chúng thường phải sống trong cảnh nghèo túng mà không được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục.
 
Một báo cáo của ENS phân tích luật pháp của 47 nước châu Âu cho rằng các đạo luật và thủ tục đăng ký khai sinh còn khiếm khuyết sẽ khiến hàng nghìn trẻ em trên khắp châu Âu lớn lên không có quyền công dân. 
Người di cư tại khu vực biên giới Hungary-Serbia, gần thị trấn Horgos của Serbia ngày 14-9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư tại khu vực biên giới Hungary-Serbia, gần thị trấn Horgos của Serbia ngày 14-9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo nhấn mạnh tới những quan ngại gia tăng về nguy cơ một số trẻ em sinh ra không có quyền công dân ở gia đình những người di cư Syria. Theo đó, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay làm nổi lên yêu cầu cấp bách đối với các nước châu Âu phải cải cách luật pháp và thủ tục khai sinh để đảm bảo trẻ em có quyền công dân. 

Hơn 470.000 người tị nạn và di cư từ Trung Đông, châu Phi và châu Á đã tới châu Âu trong năm 2015. Khoảng một nửa trong số đó chạy trốn cuộc chiến tranh ở Syria. Nhiều gia đình mất giấy tờ tùy thân trong chiến tranh, làm tăng khó khăn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trong những gia đình di cư, đặc biệt tại các nước láng giềng với Syria. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong các trường hợp người cha vắng mặt hoặc bị chết do luật pháp Syria không cho phép người mẹ chuyển quốc tịch của mình cho con cái.
 
Khoảng 60.000 trẻ em đã sinh ra trong các gia đình di cư tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước hiện đang cưu mang khoảng 2 triệu người tị nạn Syria.
 
ENS kêu gọi tất cả các nước châu Âu lấp các kẽ hở trong luật pháp để mọi trẻ em sinh ra tại đây đều có quyền công dân. Báo cáo cho biết mặc dù tất cả các nước châu Âu đều ký một số hiệp ước quốc tế quy định mọi trẻ em đều có quyền có quốc tịch, tuy nhiên chỉ một nửa trong số đó đưa quy định này vào luật trong nước.
 
Cuộc vận động nhằm chấm dứt tình trạng trẻ em không có quyền công dân là sự hưởng ứng sáng kiến quan trọng của Liên hiệp quốc đưa ra năm 2014 nhằm chấm dứt tình trạng không quyền công dân trong vòng 1 thập kỷ. Trên toàn thế giới, Liên hiệp quốc ước tính có 10 triệu người không có quốc tịch và cứ mỗi 10 phút lại có 1 trẻ em sinh ra không có quyền công dân.
 
Trong một diễn biến liên quan về vấn đề người nhập cư tại châu Âu, lãnh đạo Áo, Đức và Thụy Điển ngày 19-9 đã nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo giữa lúc bất đồng gia tăng về giải quyết khủng hoảng tị nạn.
 
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Áo Werner Faymann, người đồng cấp Thụy Điển Stefan Loefven và Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đều nhất trí nhiệm vụ hiện nay của các nước châu Âu là kiểm soát dòng người tị nạn, hỗ trợ cuộc sống cho họ cũng như đảm bảo an ninh trong thị trường lao động khi các nước này tiếp nhận những người di cư. Các lãnh đạo đều kết luận rằng, cần phải có sự hợp tác giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
 
Thủ tướng Áo Faymann nêu rõ nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác. Theo ông Faymann, châu Âu có một chính sách đối ngoại nhất quán với các nước đang rơi vào xung đột như Syria: “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư. Chỉ có thể giải quyết được khủng hoảng này cùng với một chính sách ngoại giao chung của châu Âu về Syria”. Về việc hỗ trợ người tị nạn, nhà lãnh đạo Áo cho rằng cần phải có khoản viện trợ tài chính đáng kể, ít nhất là 5 tỷ euro để đảm bảo giải quyết các vấn đề nhân đạo và giúp những người di cư không phải tiếp tục cuộc sống phiêu bạt. 
Người nhập cư bị kẹt lại biên giới Hungary- Serbia. Ảnh AP
Người nhập cư bị kẹt lại biên giới Hungary- Serbia. Ảnh AP

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Loefven khẳng định quan điểm ủng hộ một châu Âu đoàn kết và cho rằng một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư lúc này là hết sức cần thiết. Theo ông, châu Âu không chỉ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tị nạn trên thế giới, mà còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng về trách nhiệm. “Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước cần đoàn kết với nhau. Không chỉ một vài nước thành viên Liên minh châu Âu mới có thể làm được điều này mà cần có sự đóng góp của tất cả các nước thành viên. Một giải pháp của cả châu Âu cho vấn đề người nhập cư là hết sức cần thiết vào lúc này. Chúng ta không chỉ có cuộc khủng hoảng nhập cư trên thế giới mà chúng ta còn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trách nhiệm của châu Âu, của Liên minh châu Âu và giờ đã đến lúc tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm đối với vấn đề này”.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel thậm chí còn kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ và các quốc gia khu vực vùng Vịnh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu được xem là tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay: “Châu Âu phải làm nhiệm vụ của mình và Mỹ cũng vậy. Không phải là Mỹ không có phần trách nhiệm đẩy người di cư phải rời bỏ nhà cửa của họ để đi lánh nạn như ở Iraq hay sao? Cả các quốc gia vùng Vịnh cũng có phần trách nhiệm”.
 
Cuộc họp của ba lãnh đạo châu Âu diễn ra trong bối cảnh tình hình khủng hoảng di cư đang diễn biến hết sức phức tạp, khi nhiều người tị nạn vẫn đang tập trung ở biên giới các quốc gia cửa ngõ châu Âu với hy vọng tìm được vào “miền đất hứa”.
 
Cuộc khủng hoảng đang khiến lãnh đạo EU chia rẽ sâu sắc. Hungary mới đây buộc tội Croatia “vi phạm chủ quyền” khi cho người tị nạn vượt qua biên giới 2 nước. Hungary còn dọa sẽ ngăn chặn việc Croatia gia nhập khối Schengen.
 
Dự kiến, trong ngày 23-9, các lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích thảo luận về các biện pháp chung để giải quyết khủng hoảng di cư, trong đó có kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc