Multimedia Đọc Báo in

Nga, Iran, Iraq và Syria thành lập liên minh chống IS

09:29, 29/09/2015
Nga, Iran, Iraq và Syria đã nhất trí thành lập Trung tâm cung cấp thông tin hỗn hợp nhằm chống lại phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
 
Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, Trung tâm cung cấp thông tin hỗn hợp ra đời đánh dấu bước tiến mới trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Trung tâm này được đặt tại thủ đô Baghdad, Iraq. Chức năng chính của trung tâm là thu thập, tổng hợp thông tin và đưa ra nhận định căn cứ trên tình hình chiến sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, quyết định tác chiến cuối cùng vẫn do lực lượng quân sự từng nước tự quyết định. Trung tâm cung cấp thông tin hỗn hợp sẽ hoạt động trên nguyên tắc luân phiên ba tháng đổi một lần giữa các đơn vị của Nga, Iran, Iraq và Syria. Theo thỏa thuận, đại diện Iraq sẽ chịu trách nhiệm quản lý trung tâm trong 3 tháng đầu tiên.
 
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẽ chỉ hỗ trợ quân sự cho quân đội hợp pháp của Tổng thống Syria Bashar al-Assad theo đúng nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, bao gồm cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sỹ, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria.  
Cảnh hoang tàn sau những đợt không kích vào Syria. (Nguồn: AP)
Cảnh hoang tàn sau những đợt không kích vào Syria. (Nguồn: AP)

Tổng thống Nga khẳng định Moskva hiện không có kế hoạch tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào trên mặt đất tại Syria cũng như các nước khác. Ông Putin cũng chỉ ra rằng, thực tế hiện nay chính quyền của Tổng thống Assad đang đấu tranh với các tổ chức khủng bố chứ không phải với phe đối lập như cách giải thích của một số nước, trong đó có Mỹ.

Cũng theo Tổng thống Nga, Washington đã huấn luyện và cung cấp vũ khí cho tổng cộng 60.000 binh sĩ thuộc phe đối lập Syria, tuy nhiên, chỉ khoảng 4.000-5.000 trong số đó chiến đấu chống IS, số còn lại đã mang theo vũ khí Mỹ bỏ sang hàng ngũ của tổ chức khủng bố này.
 
Trước đó, bên lề các phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở thành phố New York (Mỹ) ngày 26-9 đã diễn một chiến dịch ngoại giao lớn nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán chấm dứt nội chiến tại Syria. Điều khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là việc Mỹ và phương Tây dồn sự chú ý vào Iran và thay đổi lớn trong lập trường của những nước này đã cho thấy sự nóng lòng của những nước này muốn nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng, trong bối cảnh vấn đề Syria đã dẫn tới nhiều hệ lụy và đặt ra những vấn đề không dễ giải quyết ở quy mô toàn cầu. 
 
Một điều không khó nhận thấy là mọi sự quan tâm của các nhà lãnh đạo phương Tây đều hướng về Iran, quốc gia có ảnh hưởng chính trị tương đối rộng lớn ở Trung Đông, trong đó có Syria. Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây không ngừng có những động thái thăm dò Iran, một đồng minh lớn của chính quyền Tổng thống Syria Bachar Al Assad, thì Nga cũng đang triển khai các nỗ lực ngoại giao lớn nhằm đảm bảo vai trò của ông Al Assad trong mọi tiến trình hòa bình nếu đạt được. Nga mới đây cũng yêu cầu cho phép các lực lượng quân đội Syria tham gia một liên minh  quốc tế mới chống Nhà nước Hồi giáo. Trong bối cảnh này, nhiều nước phương Tây đã không còn tỏ ra cứng rắn như trước đây khi luôn coi sự ra đi của Tổng thống Al Assad là điều kiện tiên quyết cho mọi giải pháp. Những nước như Pháp hay Đức đã bắt đầu cân nhắc vai trò của ông Al Assad trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị.
 
Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặc biệt nhấn mạnh, phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần này có thể là sự khởi đầu cho việc tìm kiếm một giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Syria. Đây là lần đầu tiên hai người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ và Iran gặp nhau kể từ sau thỏa thuận lịch sử đạt được hôm 14-7 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. 
Binh sĩ Syria tại làng Jihar sau chiến dịch truy quét ngày 8-3. (Nguồn: AFP-TTXVN)
Binh sĩ Syria tại làng Jihar sau chiến dịch truy quét ngày 8-3. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Ông John Kerry cho biết: “Tôi coi tuần này là một cơ hội lớn cho tất cả các nước để thể hiện vai trò quan trọng trong giải quyết một loạt vấn đề gai góc tại Trung Đông. Chúng ta cần phải đạt được hòa bình và tìm ra cách thức chấm dứt khủng hoảng tại Syria, Yemen và cuộc khủng hoảng của chính khu vực. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có rất nhiều cơ hội trong tuần này, thông qua các cuộc thảo luận để tìm kiếm những bước tiến".

Cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Theo Liên minh châu Âu, tại cuộc gặp, hai bên đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ các nỗ lực do Liên hiệp quốc đứng đầu, trong bối cảnh nhà trung gian hòa giải của Liên hiệp quốc Staffan de Mistura vẫn đang tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán giữa chính quyền Syria và phe đối lập.
 
Trước đó, phát biểu với báo chí ngày 26-9, dù không rõ ràng như Đức, song Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng không còn coi sự ra đi của Tổng thống Syria Al Assad là điều kiện tiên quyết cho việc khởi động các cuộc đàm phán chính trị về Syria. “Những ngày qua đã có ý kiến về vai trò của ông Al Assad và liệu ông ấy có thể hay nên trở thành một yếu tố ổn định tại Syria hay không. Thực tế, ông ấy là một phần của cuộc khủng hoảng hiện nay và nếu chúng ta nói với người dân Syria rằng tương lai của họ là đi cùng với ông Al Assad thì đây sẽ là một thất bại. Song các cuộc đàm phán tại Syria cũng không thể coi sự ra đi của ông Al Assad là một điều kiện tiên quyết. Chúng ta cần phải tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy một tiến trình hòa bình trên cơ sở thông cáo Geneva về việc thành lập một chính phủ bao gồm cả các thành viên của chính quyền Syria và các lực lượng đối lập ôn hòa”, ông Fabius nói.
 
Hồi tuần trước, chính phủ Mỹ cũng khẳng định, cần phải khởi động đàm phán và vấn đề ra đi của ông Al Assad hoàn toàn có thể thương lượng được.
 
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc