Chính quyền Mỹ quyết tâm siết chặt việc kiểm soát súng đạn
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5-1 đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát súng đạn.
Ông Obama cho rằng, những lý do biện minh cho việc không hành động để kiểm soát súng tốt hơn đã không còn phù hợp. Tổng thống Mỹ khẳng định, quy định mới về súng đạn không nhằm tước đi vũ khí tự vệ của người dân. Phát biểu tại Nhà Trắng trước những người có thân nhân thiệt mạng vì bạo lực súng đạn, ông Obama nhấn mạnh: “Chúng ta ở đây hôm nay không phải để thảo luận về những vụ xả súng gần đây mà để làm gì đó ngăn chặn những vụ việc tiếp theo. Tôi tin rằng, chúng ta có thể tìm được cách giảm số vụ bạo lực súng đạn mà vẫn phù hợp với Hiến pháp sửa đổi lần thứ hai của Mỹ”.
Trước đó, ngày 4-1, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát súng đạn mới, cụ thể tăng cường các quy định kiểm tra đối với cả người bán và mua súng. Tổng thống Obama tin tưởng các biện pháp hành chính này có thể đứng vững trước bất kỳ thách thức pháp lý nào. Ông cũng nêu rõ các biện pháp này có thể không ngăn chặn được tất cả các vụ xả súng hay hành động bạo lực nhưng sẽ bảo vệ được tính mạng của nhiều người.
Theo các biện pháp hành chính này, Cục Quản lý rượu bia, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF) - cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động kiểm soát súng đạn, sẽ được quyền kiểm tra giấy phép đăng ký của những người bán súng tại cửa hàng, nơi triển lãm hay trên mạng Internet. ATF cũng đã hoàn thành quy định liên quan đến việc kiểm tra lý lịch của những đối tượng mua vũ khí nguy hiểm, không phân biệt cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp, các thực thể...
Phe Cộng hòa ngay lập tức đã lên tiếng cáo buộc ông Obama đã vượt quá quyền hạn. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã chỉ trích việc Nhà Trắng không tham vấn Quốc hội về vấn đề này và khẳng định Tổng thống sẽ không thể thuyết phục Quốc hội ủng hộ nếu các nghị sỹ Mỹ không biết chi tiết về kế hoạch kiểm soát súng đạn của chính quyền.
Kiểm soát súng đạn cũng là vấn đề quan tâm của các ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của hai đảng. Tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa, chỉ trích kế hoạch của chính quyền là một bước trong lộ trình không cho phép mua bán súng. Trong khi đó, ứng cử viên nặng ký nhất của đảng Dân chủ Hillary Clinton mặc dù ủng hộ quyết định của Tổng thống Obama, nhưng cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp hành chính nào cũng có thể dẫn đến tác động xấu đối với sự cải tổ toàn diện trong đảng Dân chủ hiện nay.
Bạo lực liên quan tới súng đạn và kiểm soát súng đạn vẫn là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa Chính quyền Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa toàn quyền chi phối. Nhà Trắng muốn ban hành một đạo luật siết chặt quản lý súng đạn, song đề xuất này vấp phải sự phản đối của đa số nghị sỹ Cộng hòa.
Năm 2015, nước Mỹ nhiều lần chứng kiến các vụ bạo lực súng đạn nhằm vào người vô tội. Theo trang mạng chuyên theo dõi các vụ xả súng shootingtracker.com, tính đến ngày 2-12-2015, tại Mỹ đã xảy ra tổng cộng 353 vụ xả súng lớn tại 220 địa điểm, cướp đi sinh mạng của 462 người và làm 1.317 người bị thương. Như vậy, trung bình mỗi ngày có ít nhất một vụ xả súng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động bạo lực bằng súng đạn như phân biệt chủng tộc, tư thù cá nhân hay do hung thủ mắc bệnh tâm lý, bị tiêm nhiễm những tư tưởng Hồi giáo cực đoan thánh chiến.
Dân số Mỹ ở mức khoảng 315 triệu người, song có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà không được kiểm soát. Các vụ xả súng liên tiếp tại Mỹ trong năm qua khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của giới chức và các nhà lập pháp Mỹ trong việc kiểm soát súng đạn. Những gì đang diễn ra phản ánh một thực tế đáng lo ngại là xả súng đã trở thành hiện tượng dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách và nạn nhân là những người vô tội.
Trên thực tế, ngay sau vụ thảm sát tại trường tiểu học ở bang Connecticut năm 2012 làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đề xuất dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn - căn nguyên dẫn tới việc liên tục xảy ra các vụ xả súng giết người vô tội ở Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua được dự luật về vấn đề này.
Sơ tán các con tin khỏi trung tâm kế hoạch hóa gia đình ở Colorado Springs sau vụ xả súng. (Anh: AFP/TTXVN) |
Lần đầu tiên kể từ năm 1920, tờ New York Times (Thời báo New York) của Mỹ số ra ngày 5-12-2015 đã đăng trên trang nhất bài xã luận với nội dung kêu gọi kiểm soát súng đạn. Bài viết chỉ trích giới lập pháp chưa có giải pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng buôn bán và sở hữu súng đạn, đồng thời kêu gọi nhà chức trách mạnh tay hơn trong vấn đề này. Động thái trên của tờ báo có tiếng của Mỹ đã phần nào cho thấy tính cấp bách của một cơ chế cứng rắn hơn để ngăn chặn các hành vi bạo lực súng đạn.
Theo các chuyên gia phân tích, súng đạn được coi là một phần của lịch sử và "văn hóa" Mỹ - đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới. Tuy nhiên, nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua và quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác. Việc dễ dàng sở hữu vũ khí cá nhân tại Mỹ khiến súng đạn trở thành phương tiện phạm tội của những phần tử cực đoan và vụ thảm sát ở San Bernardino là hệ quả mới nhất của tình trạng trên.
Ngoài ra, các thống kê của báo USA Today (Nước Mỹ ngày nay) cho thấy cứ sau mỗi vụ xả súng và những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn là doanh số bán súng ở Mỹ tăng vọt vì người dân lo ngại nguy cơ chính quyền cấm bán súng. Thế nên, trong bối cảnh súng đạn tràn lan, càng chậm trễ trong việc cải cách Luật Sở hữu súng đạn, nước Mỹ càng phải chứng kiến nhiều hơn các vụ xả súng đẫm máu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, không dễ dàng để giới lập pháp Mỹ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát súng đạn do ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp súng đạn ở nước này vẫn rất lớn. Với doanh thu bán súng đạn lên tới khoảng 3,5 tỷ USD/năm thì các nhóm này khó có thể ủng hộ cho dự luật kiểm soát súng đạn. Kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ và đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sỹ để bảo vệ lợi ích nhóm của họ.
An Nhiên (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc