Multimedia Đọc Báo in

Bộ trưởng Tài chính EU họp trong nỗi lo về nguy cơ Brexit

20:42, 19/06/2016

Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ngày 17-6 trong nỗi lo về khả năng Anh rời khỏi EU.

Thỏa thuận sơ bộ được các bộ trưởng Tài chính đánh giá là một bước đột phá của khối 28 nước thành viên, sau nhiều năm nỗ lực nhằm đạt sự đồng thuận trong cuộc chiến chống trốn thuế. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem gọi thỏa thuận này là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của khối để đối phó với việc chống trốn thuế.

Dự kiến thỏa thuận sẽ được ký kết chính thức vào đầu tuần tới, sau khi khi Bộ trưởng Tài chính Bỉ và Cộng hòa Séc, xác nhận thỏa thuận với Thủ tướng - một thủ tục được coi chỉ là hình thức. Hầu hết các quy tắc này sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2019.

Nguy cơ Brexit phủ bóng xuống cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính EU. Ảnh Reuters
Nguy cơ Brexit phủ bóng xuống cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính EU. Ảnh Reuters

Mặc dù không phải là nội dung chính của cuộc họp Bộ trưởng Tài chính EU nhưng nỗi lo về khả năng Anh có thể rời khỏi khối trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23-6 tới vẫn bao trùm hội nghị. Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi một Nghị sĩ Quốc hội Anh, bà Jo Cox- một người có quan điểm ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu- bị thiệt mạng trong một vụ tấn công.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, sự không chắc chắn của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đang gây gánh nặng cho các ngành tài chính và ngân hàng của khối: “Hội đồng châu Âu, đặc biệt là nước chủ tịch Hà Lan, đang tích cực làm việc để tìm ra biện pháp giúp tăng cường Liên minh Ngân hàng. Chúng tôi đã thảo ra các kế hoạch và sớm hoàn chỉnh dự thảo này. Chúng ta đang trong ở trong tình trạng mà ngành ngân hàng và tài chính đang bị ảnh hưởng đặc biệt bởi kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh”.

Cao ủy châu Âu về Dịch vụ Tài chính Jonathan Hill cũng hối thúc người dân Anh cần cân nhắc lá phiếu của mình: “Từ quan điểm của tôi - một người chịu trách nhiệm cho các dịch vụ tài chính châu Âu - tôi có thể nhìn thấy rõ ràng những lợi ích mà Anh có được khi là một phần trong thị trường chung với tư cách thành viên EU. Tôi cũng cho rằng sẽ có rất nhiều nguy cơ đối với ngành dịch vụ tài chính Anh nếu nước này rời khỏi EU”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn phương án Brexit tức là nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý vào tuần tới sẽ tác động "tiêu cực và mạnh mẽ" tới nền kinh tế Anh. Theo phân tích của IMF, nếu nước Anh rời khỏi EU, GDP của nước này sẽ giảm 0,8% trong năm 2017. Ngược lại nếu vẫn là thành viên EU kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 2,2%. Không những thế khi chia tay EU, Anh sẽ phải thương lượng các điều khoản rời khỏi EU và mối quan hệ mới với EU. Tất nhiên các tiến trình này đòi hỏi phải mất nhiều năm mới giải quyết được, qua đó tác động mạnh tới hoạt động đầu tư và kinh tế.

Về lâu dài, kinh tế Anh cũng sẽ chứng kiến sự sụt giảm về thương mại, đầu tư, năng suất bởi lẽ các rào cản đối với thương mại và đầu tư sẽ gia tăng sau khi Anh ra khỏi EU. Brexit cũng tác động mạnh tới các thành viên EU, nhất là Ireland, Cộng hòa Cyprus, Malta, Hà Lan và Bỉ vì các nước này có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Anh. Ngoài ra, IMF cũng cảnh báo Brexit sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu mối quan hệ gắn kết trong Khu vực đồng Eurozone. Theo IMF, Brexit sẽ khiến những thách thức gây chia rẽ từ trong nội khối liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư và những căng thẳng về tài chính mà Eurozone đang phải đối mặt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu Brexit xảy ra.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagard đã kêu gọi cử tri Anh bỏ phiếu ở lại EU và nói rằng Anh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi ở lại "mái nhà chung EU".

Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr)

Các cuộc khảo sát mới đây của Hãng NBC News/SurveyMonkey tại Anh cho thấy, 48% những người được hỏi sẽ chọn rời khỏi EU và 48% những người lựa chọn ở lại khối. Có khoảng 4% chưa quyết định khi còn không đầy 1 tuần nữa là diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Mặc dù các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách và chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đều cảnh báo về nguy cơ kinh tế với Anh khi rời khỏi EU, nhưng tỉ lệ ủng hộ Anh ra khỏi khối vẫn rất cao. Hãng tin Reuters cùng ngày có bài nhận định “Tại sao tôi nên bỏ phiếu rời EU?”. Theo bài báo, các nguy cơ kinh tế đối với Anh mà các chuyên gia đưa ra thiếu mức độ tin cậy. Trước đây cũng có nhiều chính trị gia và chuyên gia kinh tế cho rằng, Anh sẽ  bỏ lỡ cơ hội nếu nước này không tham gia thị trường tiền tệ chung châu Âu. Tuy nhiên bây giờ người dân Anh đều cho rằng, sẽ là thảm họa nếu họ tham gia vào Eurozone. Bài báo cũng nhận định, một trong những nguy cơ kinh tế lớn nhất với Anh đó chính là từ các mối đe dọa trả đũa của các “đối tác cũ châu Âu”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị mọi kịch bản cho việc Anh rời khỏi khối, nhấn mạnh EU sẽ vượt qua được khủng hoảng song cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc