Brazil hứng chịu cơn địa chấn chính trị mới
Ủy ban Đạo đức Quốc hội Brazil hôm 15-6 đã bỏ phiếu quyết định cách chức Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha vì tội gian dối về nhiều tài khoản bí mật tại ngân hàng Thụy Sĩ. Đây là cơn địa chấn mới nhất trong hàng loạt vụ bê bối chính trị làm chấn động nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin.
Ủy ban Đạo đức Quốc hội Brazil quyết định cách chức ông Cunha sau khi phát hiện ông này nói dối về nhiều tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ mà ông cùng với vợ đứng tên. Bản thân vợ ông Cunha cũng chính thức bị buộc tội nhận hối lộ trong thương vụ mua một giếng dầu tại Benin của Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil - Petrobras.
Ông Cunha. (Ảnh: opiniaoenoticia.com.br). |
Chủ tịch Uỷ ban Đạo đức Quốc hội, Jose Carlos Araujo tuyên bố: “Kết quả cuộc bỏ phiếu như sau, có 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 11 phiếu quyết định cắt chức Chủ tịch Hạ viện Cunha theo như đề xuất của ông Marcos Rogerio. Như vậy, kết quả chính thức là Ủy ban Đạo đức Quốc hội Brazil quyết định, ông Cunha phải rời khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện”. Tuy nhiên, ông Cunha liên tục khẳng định mình vô tội và tuyên bố sẽ nộp đơn kháng cáo quyết định trên tới một ủy ban khác của Quốc hội. Để cách chức ông Cunha, Ủy ban Đạo đức Quốc hội cần phải nhận được sự tán thành của đa số nhà lập pháp tại Hạ viện.
Ông Cunha đối mặt với việc bị xét xử trong cuộc điều tra tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil - Petrobras. Chủ tịch hạ viện Brazil đã chính thức bị kết tội nhận 5 triệu đô la tiền hối lộ liên quan đến hợp đồng mua bán tàu khoan thăm dò dầu khí. Công tố viên liên bang Brazil đã ra lệnh đóng băng tài sản của ông Cunha. Họ cũng kêu gọi cấm ông này tham gia chính trường trong 10 năm và truy thu 5,7 triệu USD tiền tham nhũng từ ông Cunha và vợ ông này. Ông Cunha phủ nhận thông tin ông có tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ và cho biết, đó là những quỹ tín thác không thuộc quyền kiểm soát của ông này, bất chấp giới công tố Thụy Sĩ khẳng định chủ tịch hạ viện Brazil có liên quan đến những tài khoản này.
Chủ tịch Hạ viện Brazil đe dọa, nếu bị bắt, ông sẽ kéo nhiều chính trị gia đi xuống cùng với mình. Đây là tín hiệu nguy hiểm gửi đến quyền Tổng thống Brazil Michel Temer bởi lời đe dọa này có thể mang ẩn ý rằng nhiều thành viên khác trong chính phủ của ông Temer và Đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền cũng dính chàm.
Việc ông Cunha bị Ủy ban Đạo đức Quốc hội Brazil quyết định cách chức càng làm cho tình hình biến động trên chính trường Brazil thêm phức tạp. Quốc gia này đang vất vả giải quyết vụ bê bối tham nhũng lớn chưa từng có tại Petrobras, vụ luận tội Tổng thống Dilma Rousseff vì cáo buộc gian lận sổ sách chính phủ nhằm che đậy thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và tình hình suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hàng chục năm gần đây.
Vụ bê bối Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 đã gây chấn động chính trường Brazil. Hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras.
Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer cũng bị tố cáo đã nhận tiền tham ô trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras trong chiến dịch tranh cử năm 2014.
Ông Sergio Machado, nguyên Chủ tịch công ty vận tải Transpetro, một công ty con của Petrobras, đã khai với cơ quan điều tra về việc ông Temer đã yêu cầu ông này nộp tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử. Ông Machado cũng đã cung cấp các đoạn băng ghi âm cho thấy bằng chứng về những lời khai nói trên. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch Transpetro, khai rằng đã ủng hộ "phi pháp" hơn 20 chính trị gia khác thuộc đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer. Trong vụ bê bối Petrobras, PMDB, chính đảng lớn nhất ở Brazil, có nhiều thành viên bị dính líu nhất.
Ít ngày trước, ông Machado, người đang bị bắt giữ để phục vụ điều tra vụ Petrobras, cũng tiết lộ đã hối lộ ba thủ lĩnh PMDB số tiền lên tới 20 triệu USD. Ông Machado, người đã đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra để được giảm án, khai nhận hối lộ ông Renan Calheiros 8,6 triệu USD, cựu Tổng thống José Sarney và cựu Bộ trưởng Kế hoạch Romero Jucá, mỗi người 5,7 triệu USD. Theo ông Machado, với số tiền hối lộ trên, các quan chức của PMDB đã giúp ông này giữ chức Chủ tịch Transpetro, công ty trực thuộc Petrobras chuyên vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu khí, trong suốt 13 năm từ năm 2003, khi Tổng thống khi đó Lula da Silva bắt đầu cầm quyền. Cựu Chủ tịch Transpetro cho biết đây là số tiền thu được từ chênh lệch giá trong các hợp đồng vận chuyển dầu cho Petrobras mà Transpetro đã thắng thầu.
Các đoạn băng video được báo chí Brazil đăng tải trong những ngày qua cho thấy dường như âm mưu lật đổ Tổng thống Dilma Rousseff, người đang bị Quốc hội bãi miễn chức vụ, là nhằm ngăn cản quá trình điều tra vụ Petrobras.
Ảnh minh họa. (Nguồn: brics-info.org) |
Trong một diễn biến khác, ngày 15-6, Chính phủ lâm thời Brazil đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp cho phép cắt giảm chi tiêu công trong 20 năm tới và giới hạn mức chi tiêu hằng năm tương đương tỷ lệ phạm phát của năm trước đó.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Henrique Meirelles khẳng định Brazil không thể tiếp tục chi tiêu quá khả năng chi trả. Bước đi này có thể giúp Brazil khôi phục lòng tin của giới đầu tư và khoảng thời gian 20 năm là đủ để thay đổi mức nợ công hiện tại. Ông nhận định sửa đổi này đòi hỏi phải có thời gian, song mục tiêu là để tăng tiềm lực phát triển của Brazil.
Chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer đang tập trung đưa nền kinh tế Brazil ra khỏi cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng với một loạt vấn đề bao gồm tăng trưởng âm, thâm hụt ngân sách cao, sức tiêu dùng sụt giảm, đồng real mất giá, lạm phát ở mức 2 con số. Theo số liệu chính thức, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh suy giảm 3,8% trong năm ngoái. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời đang phải đối diện với sự phản đối của đông đảo cử tri Brazil kể từ khi lên cầm quyền. Các kết quả thăm dò gần đây cho thấy, ít nhất 25% người dân Brazil phản đối chính phủ của ông Temer do không có uy tín và đa phần cử tri ủng hộ tổng tuyển cử trước hạn bởi chỉ trong vòng một tháng sau khi tạm lên nắm quyền, đã có hai bộ trưởng trong thành phần nội các của Tổng thống lâm thời Temer phải từ chức do bị cáo buộc dính líu tới vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Bản thân ông Temer cũng bị tố cáo đã nhận tiền tham ô trong vụ bê bối của Petrobras trong chiến dịch tranh cử năm 2014.
Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc