Multimedia Đọc Báo in

CSIS: Tòa án Trọng tài sẽ bác bỏ "đường chín đoạn" của Trung Quốc

07:57, 22/06/2016

Ngày 20-6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) đã tổ chức cuộc hội thảo về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm cung cấp một cái nhìn toàn cảnh nhất về vụ kiện này.

Cuộc hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thuộc CSIS cùng đông đảo chuyên gia-học giả của Mỹ và các nước.

Các diễn giả chính tại cuộc hội thảo với chủ đề “Phân xử Biển Đông: Dự đoán các bước đi và biện pháp đối phó tiếp theo” ngày 20-6 gồm có ông Gregory Poling, Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạc Hàng hải châu Á thuộc CSIS; ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS; bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao Chương trình trình Đông Nam Á của CSIS và ông Andrew Shearer, Cố vấn cấp cao về An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc CSIS.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Tuấn/Vietnam+)
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia đã đưa ra các phân tích và dự báo về phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) đối với đơn kiện của Philippines nhằm vào tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo các chuyên gia CSIS, kịch bản dễ xảy ra nhất là PCA sẽ ra phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) đầy phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Ernest Bower, Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa án và đây là cách phản ứng rất nguy hiểm vì điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phủ nhận luật pháp quốc tế và từ chối giải quyết các tranh chấp hàng hải ở châu Á bằng biện pháp pháp lý. Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng trong tương lai.

Trong khi đó, bà Amy Searight cho rằng dù tòa án ra phán quyết như thế nào, thì căng thẳng vẫn sẽ leo thang ở Biển Đông chứ không giúp “hạ nhiệt”.
Theo bà Searight, Bắc Kinh đã có các bước chuẩn bị cho việc không tuân thủ phán quyết của tòa, như lôi kéo sự ủng hộ của một số quốc gia. Chuyên gia này dự đoán Mỹ cũng sẽ gia tăng áp lực nhằm buộc các bên phải tôn trọng phán quyết của PCA.

Các học giả CSIS dự đoán 5 kịch bản Trung Quốc có thể hành động ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực, trong đó có khởi động hoạt động bồi đắp đất đá trên bãi cạn Scarborough, phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và triển khai trái phép các máy bay tiêm kích tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong cuộc thăm dò tiến hành ngay tại cuộc hội thảo, có tới hơn 56% chuyên gia-học giả dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng lại phán quyết của tòa và “trả đũa” Philippines bằng cách thiết lập một vùng ADIZ ở Biển Đông. Ông Bower cho rằng nếu lập ADIZ, Trung Quốc sẽ lập tức đối mặt với sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Gregory Poling cho biết Trung Quốc đã thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi năm 2013 bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có hành động tương tự ở Biển Đông. Theo ông Poling, Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ để chứng tỏ nước này không chấp nhận phán quyết của tòa án, đồng thời để “dằn mặt” Philippines vì đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Trong khi đó, học giả Andrew Shearer nhận định nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng lại phán quyết của tòa án bằng cách tiến hành bồi đắp đất đá trên bãi cạn Scarborough nhằm mục đích phục vụ lợi ích lâu dài về quân sự tại Biển Đông. Các chuyên gia đồng thời khẳng định phán quyết của tòa cũng sẽ là “phép thử” đối với cam kết của Mỹ ở khu vực này. Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ vì đây không chỉ là tuyến hàng hải chiến lược đối với hoạt động thương mại-đầu tư của thế giới, mà còn là khu vực giúp Washington duy trì vị thế quân sự của nước này châu Á-Thái Bình Dương, thực thi luật pháp và các quy tắc quốc tế, trong đó có tự do và an toàn hàng hải, cũng như bảo vệ các đồng minh châu Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhất trí cho rằng việc Mỹ tới nay vẫn từ chối tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là một rào cản lớn làm giảm tiếng nói của nước này trong vấn đề Biển Đông.

Cuộc thảo luận của CSIS diễn ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin cho rằng Toà án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) ngày 7-7 tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines đệ đơn lên PCA vào ngày ngày 22-1-2013, trong đó phản đối cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). PCA sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" có phù hợp hay không phù hợp UNCLOS.
Trong khi đó, Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin ngoại giao ngày 20-6 cho biết, Trung Quốc dọa sẽ rút khỏi UNCLOS 1982 và coi đây là biện pháp đối phó nếu phải chịu một phán quyết bất lợi trong vụ kiện của Philippines về yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo các nguồn tin ngoại giao, điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan là quyết định về việc áp dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương vẽ ra. Trung Quốc cho rằng, trong kịch bản xấu nhất, PCA sẽ bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông khi cho rằng chúng không dựa theo luật pháp quốc tế đồng thời vô hiệu hóa yêu sách “đường 9 đoạn”của nước này.

Nguồn tin của Kyodo cho biết, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về khả năng rút khỏi UNCLOS 1982 – bản Công ước vốn được coi như bản Hiến pháp của các đại dương nếu kết quả như trên trở thành hiện thực. Nhiều chuyên gia tin rằng, phán quyết của PCA sẽ tạo bất lợi cho phía Trung Quốc. Bất chấp việc Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS từ năm 1996 nhưng nước này lại luôn khăng khăng không chấp nhận, không tôn trọng phán quyết của PCA và ngang ngược cho rằng, PCA không có thẩm quyền đối với hồ sơ vụ kiện này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chỉ trích việc đệ đơn lên PCA của Philippines là hành động “đơn phương”, phá vỡ thỏa thuận trước đây giữa hai nước để cố gắng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Tuy nhiên, hành động của Philippines lại nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản. Các nước đều cho rằng, đây là bước đi tiến tới giải quyết các bất đồng và giảm bớt căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế.

Đá Subi bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. (Ảnh: CSIS)
Đá Subi bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. (Ảnh: CSIS)

Trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngừng can thiệp vào tình hình khu vực, những nước mà Bắc Kinh mô tả họ là “người ngoài” đã lên tiếng khẳng định họ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng có trách nhiệm phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm suy yếu trật tự khu vực. Nhiều nước đã và đang tiếp tục gây áp lực, buộc Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết sắp tới của PCA nếu như Trung Quốc muốn trở thành một nước lớn và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Không những tuyên bố không công nhận phán quyết của PCA, Trung Quốc thậm chí còn tố Mỹ “không có quyền nói về vụ kiện ở Tòa Trọng tài” vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đang tìm cách “kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của họ” trong “vòng kim cô” mang danh luật pháp quốc tế.

Song song với những tuyên bố thể hiện thái độ “bất cần”, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược tuyên truyền rầm rộ cho cái mà nước này cho là “lẽ phải” bằng việc rêu rao có tới 60 nước ủng hộ họ trong vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, sự thật về bản danh sách này đã bị phanh phui khi nhiều nước “bỗng dưng” có tên trong danh sách lên tiếng phản đối. Thực tế chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và tẩy chay các thủ tục tố tụng của Tòa tại La Hay, Hà Lan. Theo nghiên cứu riêng của The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington, 8 nước nói trên bao gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc