Những bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống IS tại Syria và Iraq
Cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq gần đây đạt được nhiều chiến thắng với việc giành lại nhiều lãnh thổ đã mất.
Ngày 10-6, các lực lượng quân đội chính phủ Syria và đồng minh đã giành quyền kiểm soát một giao lộ chiến lược tại tỉnh Raqqa, trong bước tiến mới nhất của chính quyền Damascus hướng tới các thành trì của IS tại khu vực này.
Giao lộ trên dẫn tới thành phố Raqqa - thủ đô trên thực tế của IS - và cả thành phố Tabqa cũng do nhóm khủng bố này kiểm soát.
Động thái trên nằm trong khuôn khổ chiến dịch tấn công IS của quân chính phủ Syria đã kéo dài được 1 tuần, dưới sự yểm trợ của không lực Nga.
Quân đội Iraq đang giành nhiều thắng lợi trong cuộc chiến chống IS (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, gồm các nhóm vũ trang người Kurd và Arab, đã cắt đứt tuyến đường vận chuyển quan trọng của IS từ thành phố Manbij (Man-bi) của Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ trong liên quân chống IS, ông Brett McGurk xác nhận các tay súng IS đang bị bao vây tại thành phố trên.
Trước đó, SDF đã giành quyền kiểm soát tuyến đường phía Bắc thành phố Manbij dẫn đến thị trấn biên giới Jarabulus do IS kiểm soát, là tuyến đường IS thường vận chuyển tiền bạc và vũ khí. Lực lượng này cũng phong tỏa tuyến đường phía Nam của Manbij dẫn Raqqa.
Trong khi đó, chiến dịch tiến đánh vào thành phố Aleppo cũng đã giải phóng được nhiều làng mạc, thị trấn khỏi lực lượng Hồi giáo cực đoan IS và phiến quân khủng bố Mặt trận Nursa.
Liên tiếp chịu tổn thất nặng nề, lực lượng IS đã phải rút về thế phòng thủ và ra sức chống trả ác liệt. Trên chiến trường Iraq, được sự yểm trợ từ các máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu, lực lượng an ninh nước này đã giải phóng thêm được nhiều khu vực ở tỉnh Anbar ở miền Tây từ tay IS và đang siết chặt vòng vây IS ở thành phố Fallujah.
Như vậy, tổ chức khủng bố IS đang phải đối mặt với các cuộc tấn công lớn trên cả hai mặt trận lớn tại Iraq và Syria. Thực tế, trong một năm qua, tổ chức khủng bố này đã mất tới gần 50% diện tích ở Iraq, Syria và bị sụt giảm tới 70% nguồn thu quan trọng từ dầu mỏ.
Bên cạnh đó, nỗ lực ngăn chặn các nguồn tài chính của IS đã khiến nhóm cực đoan này cạn tiền và không thể trả lương cho các tay súng thành viên, đồng thời làm gia tăng tình trạng tham nhũng trong nội bộ IS.
Đây là nhận định của Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề liên quan khủng bố Daniel Glaser đưa ra ngày 9-6 khi đánh giá về nỗ lực của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Glaser nhấn mạnh các cuộc không kích do liên quân tiến hành nhằm vào các kho chứa tiền và các chuyến buôn bán dầu mỏ của IS, biện pháp ngăn chặn không để nhóm này tiếp cận với hệ thống ngân hàng cũng như cắt đứt nguồn tiền chuyển tới các khu vực do IS kiểm soát ở vùng phía Bắc Iraq đã phần nào khiến nguồn tài chính của IS cạn kiệt. Đây là nguyên nhân khiến tổ chức cực đoan này gặp khó khăn, thậm chí trì hoãn và cắt tiền lương và các khoản bổng lộc cho các thành viên, dẫn tới nhiều tay súng IS rời bỏ hàng ngũ.
Theo ông Glaser, tương tự như các nhóm khủng bố khác, tiền là yếu tố giúp IS duy trì hoạt động và nuôi sống các thành viên, và đây chính là điểm yếu mà liên minh quốc tế chống IS tận dụng nhằm làm suy yếu IS. Quan chức Mỹ còn nhấn mạnh đến vai trò của các nước vùng Vịnh trong cuộc chiến chống IS, cho rằng các quốc gia trong khu vực nhiều dầu mỏ này cần siết chặt các quy định để phát hiện và đóng băng các quỹ cũng như tài khoản của các nhóm và cá nhân bị tình nghi là khủng bố.
Tận dụng những lợi thế trên thực địa, hôm 10-6 trong cuộc gặp ở thủ đô Tehran, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Nga, Iran và Syria đã nhất trí sẽ tiến hành cuộc chiến “quyết định theo một kế hoạch chung và các ưu tiên rõ ràng” tiêu diệt tất cả nhóm khủng bố trong khu vực với mục đích là gây trở ngại hoặc ngăn chặn các nguồn hậu thuẫn về chính trị, vũ khí giúp các nhóm khủng bố mở rộng phạm vi hoạt động. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu, hợp tác quân sự chống khủng bố cũng cần phải được phối hợp với những nỗ lực trên mặt trận ngoại giao nhằm thiết lập tiến trình chuyển tiếp để người dân Syria được quyết định tương lai của đất nước mình.
Lực lượng quân đội Syria. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, những thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố IS đang cho thấy sự cạnh tranh về vai trò giữa hai cường quốc liên quan là Nga và Mỹ. Trong khi Nga muốn chứng tỏ sự hiệu quả và vị thế dẫn đầu thì mục tiêu của Mỹ cuối cùng vẫn là buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Sự bất đồng về lợi ích của các bên liên quan đã khiến nỗ lực ngoại giao về đàm phán hòa bình do Mỹ, Nga hậu thuẫn cho Syria đến nay vẫn bế tắc. Liên hiệp quốc thậm chí tuyên bố sẽ không tổ chức thêm vòng đối thoại hòa bình Syria cho đến khi các bên nhất trí được các điều kiện cơ bản cho một thỏa thuận chuyển giao chính trị tại Syria.
Ông Mohammed Al-Ghwainem, nhà phân tích chính trị Iraq nhận định, IS trên thực tế vẫn là một mối đe dọa lớn và phức tạp đối với thế giới. Mặc dù đang bị thất thế tại Syria và Iraq song IS vẫn có nhiều khả năng trỗi dậy: "Điều quan trọng đối với Iraq là nước này cần phải thiết lập một chính quyền trung ương trong đó bảo đảm lợi ích cho tất cả các đảng phải tham gia. Sự đoàn kết dân tộc sẽ giúp ổn định kinh tế và chính trị đồng thời là nền tảng tận diệt chủ nghĩa khủng bố cực đoan... Còn đối với tình hình ở Syria, chỉ khi nào các cuộc hòa giữa phe đối lập và chính phủ đạt được kết quả thì cuộc chiến chống khủng bố mới thực sự thành công. Một đất nước Syria ổn định sẽ khiến các nhóm cực đoan mất sự hỗ trợ và dẫn tới sụp đổ”.
Ông Mohammed cho rằng, để giành thắng lợi trọn vẹn trước IS và quan trọng hơn là không để cho những nhóm khủng bố tương tự có thể hình thành sẽ vẫn còn là chặng đường dài phía trước đối với cộng đồng quốc tế.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc