Multimedia Đọc Báo in

Anh sẽ có nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử

18:11, 10/07/2016

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Andrea Leadsom sẽ tham gia cuộc đua vào chức Thủ tướng Anh. Đây là kết quả vừa được công bố sau cuộc bỏ phiếu vòng hai trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh.

Theo đó, Bộ trưởng Nội vụ May giành được sự ủng hộ cao nhất với 199 phiếu bầu trong khi nữ Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Leadsom đứng thứ hai với 84 phiếu và Bộ trưởng Tư pháp Gove chỉ nhận được 46 phiếu. Như vậy, ông Gove đã bị loại khỏi danh sách cuộc đua. Theo quy định, bà May và bà Leadsom sẽ đi tiếp vào vòng bỏ phiếu cuối cùng để giành sự ủng hộ từ 150.000 thành viên Đảng Bảo thủ trên toàn nước Anh. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 9-9 tới. Người chiến thắng sẽ trở thành thủ lĩnh Đảng Bảo thủ đồng nghĩa với việc giữ chức Thủ tướng Anh. Vị tân Thủ tướng sau đó sẽ chịu trách nhiệm đàm phán với 27 quốc gia còn lại trong EU để đạt các điều kiện thuận lợi nhất cho nước Anh sau khi ra khỏi mái nhà chung châu Âu.

Bỏ xa đối thủ đứng thứ hai là Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom tới gần 100 phiếu, với những diễn biến hiện nay, nhiều khả năng bà Theresa May sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Anh trong lịch sử sau “Bà đầm thép” Margaret Thatcher.

Ngay sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 với chiến thắng bất ngờ của đảng Bảo thủ, bà May đã được xem như một trong những ứng cử viên có khả năng sẽ thay thế Thủ tướng Cameron vào nửa cuối nhiệm kỳ. Cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 23-6 vừa qua - trong đó việc có tới 51,9% người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến Thủ tướng Cameron quyết định từ chức - đã khiến viễn cảnh này đến sớm hơn. Tiếp đó, việc Bộ trưởng Tài chính George Osborne và bất ngờ hơn cả là cựu Thị trưởng London Boris Johnson đều không tham gia tranh cử đã mở rộng thêm cánh cửa cơ hội của bà Theresa May.

Là người lãnh đạo lâu năm của một trong những bộ quan trọng nhất phụ trách vấn đề biên giới và an ninh quốc gia, bà Theresa May có nhiều kinh nghiệm hơn tất cả những ứng viên còn lại. Bà Theresa May mặc dù đứng ở phe vận động ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua cùng với Thủ tướng Cameron, nhưng sự điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường của bà lại gây được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối Brexit.

Trong bối cảnh chính trường Anh đang lâm vào khủng hoảng cùng với những chia rẽ xã hội sâu sắc “hậu” trưng cầu ý dân, có thể nói bà Theresa May đã thực hiện chiến lược tranh cử khôn ngoan khi nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức trước mắt.

Bà Teresa May (trái) và bà Leadsom. Ảnh BBC
Bà Teresa May (trái) và bà Leadsom. Ảnh BBC

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà từng nói rằng: "Tôi nghĩ điều tối quan trọng của đảng lúc này là đoàn kết. Chúng ta không phải là người rời đi hay người ở lại, chúng ta là những thành viên đảng Bảo thủ trong chính phủ với công việc phải làm". Bà cũng bày tỏ ý định sẽ tìm đến các nhân vật cấp cao như ông Boris Johnson, thậm chí cả đối thủ Michael Gove, khi xây dựng một nội các đoàn kết nếu thắng cử.

Kinh nghiệm nhiều năm đứng đầu Bộ Nội vụ cũng là lợi thế để bà Theresa May tạo lòng tin với các nghị sĩ về khả năng đối phó với các thách thức an ninh quốc gia. Trong một bài viết đăng trên tờ Mail đầu tuần này, bà Theresa May tuyên bố sẽ bảo vệ nước Anh an toàn trước mối đe dọa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phát biểu tại Quốc hội, bà cũng khẩn thiết đề nghị nâng cấp hệ thống tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Trident của Anh càng sớm càng tốt để đối phó với những hiểm họa ngày càng gia tăng.

Với việc Anh chọn rời khỏi EU và Thủ tướng mới sẽ là người đảm nhận trọng trách khởi động tiến trình đàm phán chưa từng có tiền lệ để giải quyết vụ chia ly này cũng như xây dựng mối quan hệ mới với liên minh mà Anh từng có hơn 40 năm gắn bó, dư luận hiện rất quan tâm đến đường hướng của các ứng cử viên thủ tướng liên quan vấn đề Brexit. Bà Theresa May khẳng định sẽ bảo vệ các lợi ích của Anh trong các cuộc đàm phán với EU. Bà đã phản bác quan điểm của các đối tác châu Âu cho rằng các cuộc thương lượng sẽ không thể diễn ra trước khi Thủ tướng Anh "kích hoạt" Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon - cơ chế chính thức cho Brexit. Theo bà, các cuộc đàm phán sơ bộ trước khi thực sự đạt được một lập trường chính thức là "quy tắc chung" trong mọi cuộc thương lượng ở châu Âu và đây sẽ là một luận điểm để thảo luận khi Anh có Thủ tướng mới.

Quan điểm của bà Theresa May về tương lai các công dân EU đã và đang sinh sống tại Anh cũng khác với ứng cử viên nữ còn lại trong cuộc đua, khi bà cho rằng cần có sự cân bằng giữa việc bảo đảm vị thế của các công dân EU tại Anh với vị thế của các công dân Anh đang sinh sống tại các nước EU khác.

Nếu giành chiến thắng, nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức để điều hành đất nước thời “hậu” Brexit với một vị thế đã khác xa so với trước.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc