Khai mạc Diễn đàn các chuyên gia NATO tại Ba Lan
Diễn đàn các chuyên gia Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan sáng 8-7, với sự tham gia của các quan chức và chuyên gia cao cấp đến từ NATO và các nước thành viên.
Trong 2 ngày diễn đàn, các đại biểu thảo luận chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh và tranh luận về tương lai của Liên minh như là một trụ cột của an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng, khu vực và thế giới đang phải trải qua nhiều thách thức, trong đó có xung đột tại miền đông Ukraine, nội chiến ở Syria, các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, và làn sóng người di cư vào châu Âu, tạo ra sự bất ổn và lo sợ cho người dân. Tổng thống Ba Lan nhấn mạnh, nhiệm vụ chính của NATO là bảo vệ hòa bình, và các nhà lãnh đạo thế giới phải làm tất cả những gì có thể để bảo đảm mọi người dân đạt được mong ước cơ bản – đó là được sống trong môi trường hòa bình, không có bất ổn và nỗi sợ hãi.
Các đại biểu thảo luận chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh. (Ảnh: euronews) |
Tại Warsaw lần này, NATO cần phải chứng minh được một điều tổ chức này luôn là một liên minh sống động, vững chắc và đáng tin cậy, vì hòa bình, tự do và dân chủ. Để làm điều đó tổ chức này cần phải tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ và răn đe của mình, không quan trọng mối đe dọa là gì và đến từ đâu.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Gien Jens Stoltenberg chia sẻ với mối quan ngại của Tổng thống nước chủ nhà và cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử của Liên minh. Theo ông Jens Stoltenberg, NATO đã phải có kế hoạch đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường địa chính trị khu vực và thế giới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales cách đây 2 năm.
Theo đó, Liên minh thực hiện kế hoạch tăng cường phòng vệ tập thể và răn đe lớn nhất kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc thông qua việc tăng cường lực lượng phản ứng lớn gấp 3 lần, thiết lập các sở chỉ huy vệ tinh tại một số nước thành viên phía đông, bao gồm cả Ba Lan, đồng thời tăng cường các cuộc tập trận và đưa ra các chiến lược nhằm đối phó với các mối đe dọa hốn hợp.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ quyết định quan trọng mà Hội nghị thượng đỉnh của liên minh lần này dự kiến sẽ thông qua để tiếp tục thực hiện kế hoạch phòng vệ và răn đe của mình. “Chúng tôi sẽ có những quyết định nhằm tăng cường khả năng phòng vệ tập thể và răn đe của mình, cũng như duy trì sự ổn định bên ngoài biên giới của Liên minh. Hôm nay chúng tôi sẽ nhất trí tăng cường sự hiện diện của mình tại sườn phía đông của Liên minh, cụ thể là tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Tại mỗi nước chúng tôi sẽ triển khai luân phiên một tiểu đoàn đa quốc gia. Tôi muốn nhấn mạnh Liên minh sẽ đáp trả ngay tức khắc nếu bất kỳ một nước thành viên nào bị tấn công”, ông Jens Stoltenberg khẳng định.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng khẳng định, NATO không muốn đối đầu hay xảy ra chiến tranh lạnh với bất kỳ bên nào. Ông đề nghị có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và ý nghĩa với Nga nhằm thu hẹp bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự. Ông cũng khẳng định Nga là nước láng giếng lớn nhất và một phần không thể thiếu của an ninh châu Âu. Ông hy vọng Hội đồng Nga-NATO sẽ là công cụ giúp hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên một cách có hiệu quả.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: Reuters) |
Tại diễn đàn, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu tham dự về chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này, trong đó có kế hoạch triển khai lực lượng của NATO tại sườn phía Đông và Nam của Liên minh, quan hệ Nga-NATO, tương lai của NATO khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Trước đó, ngay trước thềm khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO, lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đã ký một “thỏa thuận lịch sử”, theo đó đẩy mạnh sự hợp tác về phòng thủ trước những thách thức mới.
Thỏa thuận trên do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ký. Ông Stoltenberg nhận định đây là một “thỏa thuận lịch sử”, tạo ra “sự thúc đẩy mới” cho mối quan hệ đối tác EU-NATO trong nỗ lực chống "chiến tranh lai", các cuộc tấn công mạng và hạn chế làn sóng người di cư trái phép. Chiến tranh lai là cuộc chiến trong đó một nước sẽ tập trung lực lượng để tấn công khu vực mục tiêu và tiến hành tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc