Thông qua Tuyên bố New York về người di cư và người tị nạn
08:03, 21/09/2016
Sáng 19-9 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), tại Hội nghị cấp cao về người di cư và người tị nạn ở trụ sở của Liên hiệp quốc, thành phố New York (Mỹ), các nguyên thủ quốc gia, các ngoại trưởng của 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã thông qua Tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.
Phát biểu trước hội nghị, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh Tuyên bố New York thể hiện quyết tâm của Liên hiệp quốc hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung bao gồm: Bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; đảm bảo trẻ em di cư tị nạn được đi học; cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.
Nhân viên Cơ quan Chữ thập đỏ Italy tham gia giải cứu người di cư trên biển ngoài khơi Libya ngày 18-8 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Tuyên bố New York nếu được thực thi nghiêm túc sẽ tạo ra được một cơ chế ổn định, có trách nhiệm hơn để các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc chung tay góp sức giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới.
Theo Văn phòng của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015 thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa, tăng mạnh so với con số 5 triệu người hồi năm trước đó và là con số cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II. Trong số này có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn và 40,8 triệu người di cư.
Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng khi trên đường tháo chạy: bị chết đuối trên biển, chết dần chết mòn hay bị bóc lột tàn bạo. Trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi nào đó để trú ngụ, nhiều người thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị bài ngoại, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Theo số liệu của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), 3,7 triệu trong khoảng 6 triệu trẻ em tị nạn đang ở độ tuổi đi học mà không được đến trường. Báo cáo của UNHCR cũng cho thấy chỉ 50% số trẻ em tị nạn trên thế giới được đi học từ cấp tiểu học, trong khi tính trung bình toàn cầu, số trẻ em được đi học từ tiểu học là hơn 90%. Nếu tính lên cấp trung học, chỉ có 22% số trẻ em tị nạn học cấp này, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tính trên toàn cầu là 84%. Tính đến cấp đại học, chỉ 1% số trẻ em tị nạn tiếp tục theo học, trong khi tính trung bình trên thế giới, tỷ lệ này là 34%.
Cũng theo báo cáo trên, hơn một nửa số trẻ em tị nạn trên thế giới không được đến trường sinh sống tại 7 quốc gia, gồm Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya, Liban, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tại Syria, trước khi cuộc nội chiến nổ ra ở quốc gia Trung Đông này cách đây hơn 5 năm, có đến 94% trẻ em được đi học từ cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, tính đến tháng 6 vừa qua, chỉ có 60% trẻ em ở Syria được đến trường, 2,1 triệu trẻ em không được tiếp cận giáo dục. Ngoài ra, gần 5 triệu trẻ em Syria đã chạy sang các quốc gia láng giềng, những nơi mà việc tiếp cận giáo dục cũng rất khó khăn. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, gần 900.000 trẻ em tị nạn Syria không được đến trường
Với việc thông qua Tuyên bố New York, Liên hiệp quốc đã chính thức phát động một chiến dịch mới có tên “Cùng nhau - Tôn trọng, An toàn và Phẩm giá cho tất cả mọi người”.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc tham gia chiến dịch này và cam kết cùng nhau bảo vệ quyền và phẩm giá của tất cả những con người vì hoàn cảnh phải rời bỏ quê hương đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của Liên hiệp quốc và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) về việc chính thức tiếp nhận IOM làm một cơ quan trực thuộc hệ thống Liên hiệp quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn nhấn mạnh: “Tuyên bố New York đánh dấu một cam kết chính trị của nỗ lực lớn lao chưa từng có. Tuyên bố này đã lấp đầy khoảng trống kéo dài nhiều năm qua trong hệ thống bảo vệ quốc tế, đó là sự chia sẻ trách nhiệm thực sự đối với người di cư theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên hiệp quốc”.
Trẻ em Syria tại trại tị nạn ở thị trấn Bar Elias, Liban ngày 13-5. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngay sau khi Tuyên bố New York về người di cư được thông qua, lãnh đạo nhiều nước đã hoan nghênh bản tuyên bố này, đồng thời cam kết hỗ trợ cho những quốc gia bị ảnh hưởng bởi làn sóng di cư và tị nạn.
Phát biểu tại hội nghị của Liên hiệp quốc về người tị nạn và người di cư, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết viện trợ nhân đạo 2,8 tỷ USD cho người tị nạn, người di cư và các quốc gia tiếp nhận các đối tượng này trong 3 năm tới. Hỗ trợ của Nhật Bản bao gồm viện trợ nhân đạo khẩn cấp, song song với đó là hỗ trợ phát triển lâu dài cho người tị nạn cũng như các nước sở tại tiếp nhận các đối tượng này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 19-9 cũng thông báo sẽ cung cấp 100 triệu USD cho viện trợ nhân đạo để giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới người tị nạn và người di cư.
Tại cuộc họp bàn tròn với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị về tị nạn và di cư tại New York, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước cam kết cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. “Cảm ơn các bạn đã tới tham dự cuộc họp này. Tôi nghĩ mọi người tham dự đều cam kết để đối phó với tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ mà chúng ta thấy trên toàn cầu và mọi người nhìn vấn đề này theo nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta cùng nhau giải quyết vấn đề này bởi những đau khổ mà chúng ta nhìn thấy đã có nhiều người phải gánh chịu”, bà May nói.
Cũng trong ngày 19-9, Bộ Nội vụ Anh cho biết sẽ chi 80 triệu bảng, tăng gấp 10 lần so với trước đây, cho công tác tuần tra, kiểm tra các phương tiện giao thông tại một số cảng và đường hầm Eurotunnel thuộc Pháp. Đây là các cửa ngõ biên giới giữa Anh và Pháp mà hai nước đang nỗ lực phối hợp cùng nhau để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cư trái phép vào Anh, cũng như làm giảm tình trạng quá tải tại các trại tị nạn nằm trên đất Pháp.
Như Hà (Theo
VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc