Bầu cử Tổng thống Pháp: Gay cấn chủ đề chống khủng bố
Theo AFP và Reuters, ngày 20-4, hãng tin Amaq có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết nhóm này đã thừa nhận thực hiện vụ nổ súng trên Đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris của Pháp, khiến ít nhất một cảnh sát thiệt mạng và hai người khác thương nặng.
IS tuyên bố kẻ tấn công là một chiến binh người Bỉ đứng trong hàng ngũ của tổ chức này, có tên Abu Yousif.
Một mẩu giấy viết tay có nội dung cổ súy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã được tìm thấy ở gần nơi cảnh sát tiêu diệt đối tượng tình nghi trong vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris. Theo hãng tin Pháp AFP, ngoài mẩu giấy, các nhân viên điều tra còn tìm thấy một quyển kinh Koran trong xe của hung thủ đỗ ở hiện trường vụ nổ súng. Cảnh sát đã tiêu diệt tên này khi y tìm cách chạy trốn sau khi gây tội ác.
Cảnh sát Pháp phong tỏa hiện trường vụ nổ súng trên Đại lộ Champs Elysees ở Paris ngày 20-4. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Cảnh sát Pháp cũng đã ra lệnh bắt giữ đối với nghi can thứ hai trong vụ nổ súng nói trên. Theo lệnh bắt, nghi can này đã đi tàu hỏa từ Bỉ tới Pháp. Theo hãng tin AFP, đối tượng trên được xác định là một công dân Pháp, 39 tuổi, từng bị bắt vào tháng 2 do tình nghi âm mưu giết người. Tên này sau đó được thả do không đủ chứng cứ. Năm 2005, y cũng từng bị buộc tội âm mưu giết người, trong đó có mục tiêu là cảnh sát.
Vụ tấn công nói trên xảy ra chỉ ít ngày trước cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 tại Pháp và 2 ngày sau khi 2 đối tượng bị bắt giữ ở thành phố Marseille với âm mưu tấn công khủng bố. Hiện 3/4 ứng cử viên Tổng thống Pháp tiềm năng nhất đã tuyên bố tạm dừng các cuộc mít tinh vận động tranh cử do vụ tấn công này.
Pháp vẫn duy trì trình trạng khẩn cấp và mức cảnh báo nguy cơ khủng bố cao nhất sau hàng loạt vụ tấn công kể từ năm 2015, khiến hơn 230 người thiệt mạng.
Vụ xả súng tối 20-4 trên Đại lộ Champs Elysees khiến chủ đề “chống khủng bố” vốn đã là ưu tiên số 1 càng được đẩy lên cao trào.
Trong bối cảnh nước Pháp đang phải đối diện với nguy cơ khủng bố, các ứng cử viên thậm chí còn đang được cho là đích ngắm tấn công. Thế nhưng, đây lại có thể là yếu tố có thể lấy điểm của cử tri nếu các ứng viên có một chiến lược phù hợp.
Người được chờ đợi nhất trong chủ đề này có lẽ là cựu Thủ tướng Francois Fillon. ứng cử viên cánh hữu đã đề xuất củng cố liên minh quốc tế mạnh để loại trừ các mối đe dọa khủng bố từ ngoài và trong; thúc đẩy hợp tác tình báo đặc biệt trong nội khối EU. Ở trong nước, ông Fillon đề xuất nhiều biện pháp “rắn” là ngăn chặn không cho các phần tử cực đoan thánh chiến từng đi Syria quay trở lại Pháp, tước quốc tịch đối với những thành phần giương vũ khí nhằm vào dân tộc mình; trục xuất những phần tử nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia của Pháp; giải tán các tổ chức có mục tiêu phá hủy xã hội và các giá trị của nước Pháp…
Về phần mình, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đề xuất đóng cửa biên giới, vì theo bà không thể chống khủng bố khi không biết những kẻ đi qua lại biên giới với Pháp và mang vũ khí vào. Tăng thêm các phương tiện cho cảnh sát và quân đội, tăng ngân sách quân đội, cụ thể là tăng thêm 15.000 vị trí trong lực lượng an ninh; phá hủy các mạng lưới Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo… là những đề xuất đáng chú ý của bà Le Pen.
Ứng cử viên Emmanuel Macron thì kêu gọi xây dựng một nền quốc phòng trên mạng, tăng thêm lực lượng cảnh sát và hiến binh. Tuy nhiên, đề xuất này được xem là không có gì mới mẻ do đang nằm trong ưu tiên thực hiện của chính phủ hiện tại. Ông Macron cũng đề xuất tiếp tục các chiến dịch can thiệp tại vùng Sahel, bắc Mali để ngăn chặn tận gốc nguồn gốc khủng bố.
Còn ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon thì tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp; phát triển mạng lưới tình báo con người chứ không phụ thuộc quá vào hệ thống kỹ thuật.
Ngoài ra, một số ứng cử viên khác nêu đề xuất ký thỏa thuận với các nhà thờ Hồi giáo tại Pháp; cải thiện tình hình đời sống tại các khu ngoại ô nghèo; hay chấm dứt các hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài; hoặc thậm chí ra khỏi EU và NATO để nước Pháp tự lo an ninh của mình.
Sự chần chừ nguy hiểm có đi bỏ phiếu hay không và nếu đi thì sẽ bỏ phiếu cho ai trong cử tri Pháp xuất phát từ quá nhiều diễn biến khó lường trên chính trường Pháp thời gian qua, kéo dài suốt từ nhiều tháng vận động tranh cử, cho tới các đấu đá nội bộ cả tả và hữu trong các bầu cử sơ bộ; khiến cử tri thực sự chán nản.
Nhìn lại, có thể nói cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dù chưa bắt đầu cũng đã ghi danh vào lịch sử nền cộng hòa với nhiều điểm bất ngờ nhất, dù không mấy tích cực.
Các ứng cử viên Tổng thống Pháp 2017. (Ảnh: Reuters). |
Đó là lần đầu tiên một cựu Tổng thống ông Sarkozy thất bại ngay từ vòng sơ bộ cánh hữu; lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm là ông Hollande tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ hai; lần đầu tiên một lãnh đạo phe “nổi loạn” trong nội bộ đảng Xã hội cầm quyền vượt lên thành ứng cử viên chính thức của cánh tả. Cũng lần đầu tiên nước Pháp chứng kiến một ứng cử viên tự do không thuộc đảng phái nào là cựu Bộ trưởng kinh tế Emmanuelle Macron-xuất phát từ việc chán chường bộ máy và bỏ ra tìm con đường riêng.
Bóng ma bê bối đè nặng và phổ biến khiến lần đầu tiên một ứng cử viên Tổng thống tại Pháp – ban đầu được xem là sáng giá số 1 – ông Francois Fillon – bị truy tố ngay khi đang tranh cử.
Tất cả những bê bối và đấu đá nội bộ khiến chưa thực sự cho một nhân vật nào vượt trội trong số các ứng cử viên Tổng thống. Thêm vào đó, tình hình kinh tế u ám, an ninh bị đe dọa chưa từng có, cuộc khủng hoảng nhập cư làm rối loạn xã hội… tất cả khiến cử tri Pháp hoang mang và chán nản; đặc biệt có một số không nhỏ quyết định “trả thù” bằng cách tuyên bố sẽ bầu cho ứng cử viên cực hữu.
Theo kế hoạch vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 23-4 tới với sự tham gia tranh cử của 11 ứng cử viên. Vòng 2 của cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau đó hai tuần, vào ngày 7-5.
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố Pháp đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ, để bảo đảm an toàn cho các công dân nước này trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới. Các đơn vị tinh nhuệ này sẽ hỗ trợ 50.000 cảnh sát để bảo đảm công tác an ninh cho cuộc bầu cử.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc