Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp mới cho vấn đề di cư

20:54, 02/04/2017
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại châu Âu thời gian qua là di cư. Rất nhiều biện pháp ngăn cản dòng người di cư đến lục địa già đã được các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhưng ai cũng biết đó chỉ là những giải pháp tạm thời, giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cái gốc của tình trạng di cư ồ ạt là người dân không thể sống tại chính mảnh đất nơi họ đã sinh ra do xung đột, bạo lực và nghèo đói.
 
Thấy rõ được điều này, Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của cơ quan này, đưa ra sáng kiến để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mang tên FARMS (viết tắt của cơ sở dành cho người tị nạn, di cư, ép buộc rời bỏ nhà cửa và vùng nông thôn). Khu vực mà FARMS nhắm đến là vùng cận Đông và Bắc Phi (NENA), nơi có các quốc gia như Iraq, Syria, Yemen... chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột và bạo lực. Trong tổng số hơn 65 triệu người phải tha hương, ước tính có 22 triệu người đến từ NENA.  
Người di cư từ châu Phi vẫn tìm mọi cách trốn sang châu Âu - See more at: http://www.sggp.org.vn/thegioi/cuasothegioi/2017/4/453945/#sthash.P35IU9if.dpuf
Người di cư từ châu Phi vẫn tìm mọi cách trốn sang châu Âu.

Có 3 mục tiêu chính mà FARMS hướng tới để cải thiện cuộc sống người dân tại NENA. Thứ nhất, tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ với “1 triệu ngày làm việc”. Các dự án được triển khai sẽ tạo cơ hội việc làm trong vòng 5 - 6 năm tới cho người dân, trong đó ít nhất 20.000 việc làm cho thanh niên. Những người dân tại NENA sẽ được tạo điều kiện để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, giúp họ có thể tự sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, FARMS sẽ thực hiện ít nhất 500 dự án về cơ sở hạ tầng cho các cộng đồng dân cư tại NENA. Các dự án này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi xã hội, tăng cường năng lực của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc quản lý sự phát triển, giải quyết xung đột và đáp ứng nhu cầu của người tị nạn. Cuối cùng, FARMS hướng tới cải thiện quản trị và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất và nước, cũng như cải thiện chính sách và khung pháp lý để đáp ứng được nhu cầu của những người dân ở nông thôn và những người đã từng phải rời bỏ nhà cửa đang mong muốn được trở lại quê nhà.

Hiện nay số tiền quyên góp cho FARMS vào khoảng 20 triệu USD và mục tiêu LHQ mong muốn đạt được là 100 triệu USD. Ngoài ra, “nguồn sữa” của FARMS còn đến từ hình thức hỗ trợ tài chính cho danh mục đầu tư mà IFAD đang tiến hành, khoảng 1,2 tỷ USD và các khoản tài trợ độc lập khác. 
Người di cư được lực lượng cứu hộ cứu sau khi tàu của họ bị đắm tại Biển Địa Trung Hải. (Nguồn: AP/TTXVN
Người di cư được lực lượng cứu hộ cứu sau khi tàu của họ bị đắm tại Biển Địa Trung Hải. (Ảnh: AP/TTXVN)

Khalida Bouzar, Giám đốc IFAD đặc trách cận Đông, Bắc Phi, tin rằng, chỉ có hồi phục xã hội tại những khu vực là khởi nguồn của dòng người di cư, tạo ra sinh kế bền vững ở những khu vực này mới có thể phá vỡ được vòng luẩn quẩn của di cư cũng như khuyến khích người di cư trở lại quê nhà. “Với FARMS, chúng tôi cố gắng mang đến sự phát triển và hòa bình lâu dài. Điều quan trọng nhất là tạo ra một khu vực với nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế và giúp những người bị ép buộc phải rời bỏ nhà cửa được quay về với cộng đồng của họ”, bà Bouzar nói. Chỉ khi người dân sống tốt tại quê hương mình, cái gốc của vấn đề di cư mới được giải quyết.

Theo thống kế, số người vượt biển tới châu Âu đã giảm mạnh trong ba tháng đầu năm. Gần 28.000 người di cư đã đến châu Âu trong ba tháng đầu năm nay, ít hơn hẳn con số hơn 165.000 người tị nạn đổ về lục địa già cùng kỳ năm ngoái.
 
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 31-3, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Djoel Millman cho biết hơn 80% trong số gần 28.000 người kể trên đã qua ngả Địa Trung Hải đến Italy. Những người còn lại đến Hy Lạp và Tây Ban Nha. IOM cũng cho biết những người bỏ mạng hoặc mất tích trên hành trình tìm vượt đại dương tìm đến "miền đất hứa" châu Âu trong ba tháng đầu năm nay là 655 người.
 
Hồng Hải ( Theo SGGP, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc