Quan hệ Nga, Mỹ chuyển từ đối đầu sang đối thoại
16:02, 02/04/2017
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khẳng định Nga mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ. Lời khẳng định trên được Tổng thống Putin đưa ra tại Diễn đàn Bắc cực diễn ra ở thành phố Arkhangelsk miền Bắc nước Nga ngày 30-3.
Phát biểu tại Diễn đàn Bắc Cực quốc tế lần thứ 4 tại thành phố Arkhangelsk, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với Mỹ.
Tổng thống Putin cho rằng Nga và Mỹ có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như vấn đề Bắc Cực hay thiết lập và tăng cường sự hợp tác về Syria.
Ông Trump (trái) và ông Putin. (Ảnh: Slate) |
Cũng trong tuyên bố tại Diễn đàn Bắc Cực, Tổng thống Putin khẳng định việc Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga đều gây tổn hại kinh tế cho cả Mỹ và châu Âu. Từ tháng 7-2014, phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan và có những biện pháp đáp trả về kinh tế tương xứng. Hiện Liên minh châu Âu đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga do vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên.
Đáp lại tuyên bố trên của Tổng thống Nga, Hãng tin TASS của Nga hôm 30-3 dẫn phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong các lĩnh vực có lợi cho người dân Mỹ. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại phát biểu của Ngoại trưởng nước này Rex Tillerson trong cuộc gặp mới đây tại Đức với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong các lĩnh vực có lợi cho người dân Mỹ. Trong các lĩnh vực mà hai bên còn bất đồng, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ bảo vệ các lợi ích và giá trị của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác của nước này. Bên cạnh đó, phía Mỹ nhấn mạnh sẽ tiếp tục gây sức ép cho tới khi Nga thực hiện các nghĩa vụ theo Thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Có thể thấy, kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, Tổng thống Mỹ đã không ít lần dành những từ ngữ thiện cảm cho Tổng thống Putin và nước Nga. Trong khi Tổng thống Nga Putin cùng các cố vấn của ông cũng đã không ít lần nhắc tới mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức.
Theo giới chuyên gia, quan hệ Mỹ - Nga sẽ khó có thể “nồng thắm ngay lập tức”, song với những tuyên bố trên của giới chức Nga – Mỹ, cuộc đối đầu hiện nay giữa hai bên có thể hạ nhiệt, đem lại lợi ích cho cả hai bên, cũng như góp phần giải quyết nhiều vấn đề lớn của thế giới.
Trong khi đó, vẫn tồn tại nhiều bất đồng giữa Nga và NATO về vấn đề Ukraine
Ngày 30-3, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo NATO và Nga đã đạt được bước tiến mới trong đối thoại thông qua việc trao đổi thông tin về tình hình lực lượng quân sự được triển khai ở Đông Âu. Phát biểu này được đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ Hội đồng Nga-NATO tại trụ sở tổ chức này ở Brussels.
Ông Jens Stoltenberg cho biết đại sứ các nước đồng minh và người đồng cấp Nga đã đề cập chủ yếu đến các hoạt động quân sự tại Đông Âu với mong muốn tạo sự minh bạch và giảm thiểu các nguy cơ xảy ra xung đột. Phía NATO đã trình bày báo cáo về bốn tiểu đoàn chiến đấu được triển khai tại các nước vùng Baltic và Ba Lan, còn Nga cũng đưa ra một báo cáo về ba sư đoàn mới được triển khai tại Quân khu miền Tây nước này.
Ảnh minh họa (Ảnh: nineoclock.ro) |
Tổng thư ký NATO mong muốn hai bên tiếp tục có những báo cáo tương tự trong tương lai và khẳng định ủng hộ việc tăng cường các cuộc gặp trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký NATO thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai bên trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông Stoltenberg đánh giá tình trạng an ninh tại đây vẫn rất đáng lo ngại và các bên vẫn chưa tuân thủ lệnh ngừng bắn. NATO cũng yêu cầu được cung cấp một đường tiếp cận toàn diện cho các quan sát viên quốc tế và nhấn mạnh phải rút các vũ khí hạng nặng khỏi nước này.
Cuộc tham vấn trên diễn ra một ngày trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng 28 nước NATO tại Brussels. Hội nghị này trước đó dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 4 song đã được đẩy sớm lên vào ngày 31-3 để Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có thể tham dự.
Hội đồng Nga-NATO là cơ chế đối thoại được thành lập từ năm 2002, nhóm họp thường xuyên đến năm 2014, thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và sau đó là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Từ tháng 4-2014, NATO đã ngừng mọi hợp tác dân sự cũng như quân sự với Nga.
Hội đồng Nga-NATO cuối cùng cũng được tái khởi động cách đây một năm, từ đó đến nay đã diễn ra bốn lần họp chung giữa hai bên.
Dương Hà (
Theo
VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc