Nước Pháp có Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử
Bộ Nội vụ Pháp ngày 8-5 đã công bố kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 của nước này, theo đó ứng cử viên Emmanuel Macron đã giành được 66,1% số phiếu bầu, trong khi đối thủ Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Quốc gia (FN) được 33,9% số phiếu.
“Nước Pháp đã chiến thắng”
Kết quả này đưa ông Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế 39 tuổi, trở thành Tổng thống thứ 8 của Pháp và sẽ là Tổng thống trẻ nhất từ trước đến nay.
Tỷ lệ phiếu trắng là 25,44%, cao hơn so với mức 22,23% trong vòng 1 cuộc bầu cử diễn ra hôm 23-4 vừa qua và là mức cao nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 1969.
Lễ ăn mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron đã được tổ chức tối 7-5 bên ngoài khuôn viên Bảo tàng nghệ thuật Louvre, ở trung tâm Paris.
Phát biểu trước đám đông hàng chục nghìn người, ông Macron đã cảm ơn những người ủng hộ đã đi cùng ông trong chặng đường gian khó vừa qua. Ông xúc động nói: “Chúng ta đã làm được điều chưa từng có tiền lệ, với một mức độ chưa từng có. Tất cả mọi người đều nói rằng điều đó là không thể. Nhưng họ chưa biết thế nào là nước Pháp. Cảm ơn các bạn vì sự quyết tâm và cả những khó khăn mà các bạn đã vượt qua. Các bạn đã chiến thắng. Nước Pháp đã chiến thắng”.
Tổng thống đắc cử Pháp Macron. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Tổng thống đắc cử Macron cũng bày tỏ lời cảm ơn tới những người đã bỏ phiếu cho ông mà chưa hẳn đã chia sẻ các quan điểm của ông và cho rằng đó là hành động “bảo vệ nền cộng hòa Pháp chống sự cực đoan”. Ông cũng thể hiện sự tôn trọng đối với những cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Marine Le Pen “vì niềm tin” và cam kết rằng sẽ làm hết sức để người dân Pháp “không còn lý do để bỏ phiếu cho những tư tưởng cực đoan” trong 5 năm tới.
Ông Macron cũng đề cao sự đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc Pháp, cam kết bảo vệ nước Pháp và hành động xứng đáng với niềm tin của người dân. Theo ông, châu Âu và thế giới đang mong đợi nước Pháp có những việc làm nhằm bảo vệ những “tư tưởng Ánh sáng” vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi, bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ những người bị áp bức. Ông Macron nói: “Thế giới đang nhìn chúng ta. Họ chờ đợi chúng ta mang đến một niềm hy vọng mới, một chủ nghĩa nhân bản mới, một thế giới an toàn hơn, một thế giới nơi tự do được bênh vực, một thế giới tăng trưởng cao hơn, công bằng hơn, bảo vệ sinh thái tốt hơn”.
Tổng thống đắc cử Pháp cũng cho rằng nhiều trách nhiệm nặng nề đang chờ đón ở phía trước và các trách nhiệm đó sẽ bắt đầu ngay ngày hôm sau. Đó là phải hình thành được một đa số thực sự và mạnh mẽ trong trong Quốc hội, thiết lập được yêu cầu đạo đức trong đời sống công, bảo vệ sức sống của nền dân chủ, chấn hưng kinh tế, sao cho mỗi người dân, thông qua giáo dục và việc làm, có một chỗ đứng trong xã hội. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần phải đổi mới châu Âu. Cuối cùng, ông Macron cam kết sẽ chiến đấu với tất cả sức lực của mình để chống lại sự chia rẽ đã làm nước Pháp suy yếu, sẽ phục vụ nước Pháp với tất cả sự tận tụy, lòng quyết tâm và sự khiêm nhường vì các giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái”.
Châu Âu “thở phào”
Ý thức rằng tương lai của Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc phần lớn vào kết quả vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp, nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu gần như “thở phào nhẹ nhõm” và gửi lời chúc mừng khi ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron – một người có lập trường hợp nhất châu Âu đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử này.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hoan nghênh chiến thắng của ông Macron và khẳng định điều này đã giữ cho Pháp nằm ở “trái tim của châu Âu”.
Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã gửi lời chúc mừng đến tân lãnh đạo Pháp.
Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng ông Macron đắc cử Tổng thống, đồng thời khẳng định Pháp luôn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Anh.
Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Facebook, Thủ tướng Áo Christian Kern cũng bày tỏ hoan nghênh, nhấn mạnh đây là một chiến thắng lịch sử của lực lượng đại diện cho một châu Âu cởi mở và mạnh mẽ.
Truyền thông thế giới ngày 8-5 đã đồng loạt ca ngợi chiến thắng thuyết phục của ông Emmanuel Macron, đồng thời cũng đưa ra những bình luận thận trọng về sứ mệnh phía trước của vị tổng thống trẻ nhất của đất nước hình lục lăng.
Trang nhất báo Liberation (Giải phóng) của Pháp cũng như trên trang web của báo thiên tả này đã ca ngợi chiến thắng của ông Macron, đồng thời đăng tải nhiều bức ảnh chính trị gia 39 tuổi này. Trong khi trang chủ báo Le Monde (Thế giới) đăng hình ảnh ông Macron phía trước và mờ sau là hình ảnh ứng cử viên thất cử Marine Le Pen.
Ông Emmanuel Macron bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1. (Ảnh: Getty) |
Tại Đức, báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) thiên hướng bảo thủ bình luận "châu Âu đã tránh được cơn ác mộng", cho rằng nước Pháp sẽ không bị dẫn dắt bởi một phụ nữ có tư tưởng cực hữu. Theo FAZ, chiến thắng rõ ràng của ông Macron là một sự bảo đảm, song châu Âu không nên có bất cứ sự ảo tưởng nào. Tờ Nhật báo (Tageszeitung) thuộc cánh tả nhận xét rằng chiến thắng trọn vẹn của ông Macron là sự giải tỏa to lớn đối với nước Pháp.
Từ Anh, tờ Thời báo tài chính (FT) cũng hoan nghênh kết quả mà ông Macron đạt được, song lưu ý rằng chiến thắng của nhà lãnh đạo này là "chưa tròn", cảnh báo rằng tiến trình tranh cử đã vô hình trung "hợp lý hóa" phong trào cực hữu ở Pháp.
Theo tờ báo có ảnh hưởng này, nếu ông Macron sảy chân trong cuộc bầu cử vừa qua, chưa rõ giải pháp sẽ như thế nào để bà Le Pen có thể cầm quyền cho tới năm 2022.
Tương tự, báo The Guardian (Người Bảo vệ) một mặt ca ngợi sự sáng suốt của cử tri Pháp giúp châu Âu an toàn hơn, song cũng cảnh báo con đường khó khăn phía trước của ông Macron. Tại Mỹ, tờ New York Times ban đầu chỉ viết: "Ông Macron đã giành thắng lợi mang tính quyết định ở Pháp". Sau đó, báo này viết thêm rằng đây là chiến thắng của sự hy vọng và lạc quan trước những sợ hãi và phản ứng.
Tờ báo cũng nhận định ông Macron sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn khi lãnh đạo một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, với nhiều người cảm thấy bị đẩy ra ngoài lề trong quá trình toàn cầu hóa, suy thoái kinh tế, thất nghiệp, khủng bố, làn sóng di cư...
Các báo lớn của Nga, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thụy Sĩ,... cũng có các bài báo ca ngợi chiến thắng của ông Macron, nhận định nước Pháp đã lựa chọn ông Macron và kiềm chế chủ nghĩa dân túy, đồng thời cho rằng vị Tổng thống đắc cử này sẽ phải có câu trả lời cho những đòi hỏi về sự thay đổi trong thời gian tới.
“Tấm thảm gai” nào đang chờ đợi tân Tổng thống Pháp?
Chiến thắng dễ dàng trước bà Marine Le Pen không đồng nghĩa với việc tương lai đang “trải hoa hồng” với tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống đắc cử Pháp kế thừa một đất nước bị chia rẽ khi có tới gần 50% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các phe phái chính trị cực đoan-chống châu Âu, chống toàn cầu hóa và giới tinh hoa trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống ngày 23-4. Ngoài ra, việc phân tích kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ, các vùng đô thị, sung túc, thuận lợi, có tư tưởng cải cách hơn trong khi các vùng nghèo khó lại ủng hộ phe cực hữu.
Phát biểu sau khi trúng cử Tổng thống, ông Macron đã nhắc lại cam kết trong quá trình vận động tranh cử của mình rằng, ông sẽ “bảo vệ nước Pháp” và “sẽ không dừng bước trước bất kỳ trở ngại nào” trong việc cải cách nước Pháp. Dù vậy, đây vẫn được coi là thách thức lớn nhất của chính trị gia trẻ tuổi này trong bối cảnh những vấn đề kinh tế và công nghiệp đang trở nên hết sức nghiêm trọng tại Pháp và khiến nước Pháp chia rẽ sâu sắc trong việc đi hay ở lại châu Âu.
Để trấn an người dân Pháp, ông Macron từng tuyên bố, có một sự khác biệt rất lớn giữa những người coi việc “cởi trói” nền kinh tế Pháp là một cơ hội và những người như bà Le Pen, tỏ ra sợ hãi trước những thách thức liên quan đến vấn đề này.
Ngoài ra, ông Macron là người duy nhất trong số các ứng viên Tổng thống Pháp lên tiếng ủng hộ việc ở lại với châu Âu và khẳng định ở lại châu Âu chính là “một giải pháp” cho rất nhiều vấn đề của nước Pháp.
Dù quan điểm ủng hộ việc ở lại châu Âu của ông Macron giúp ông giành được sự ủng hộ của lãnh đạo châu Âu, cần nhớ rằng, ông vẫn là Tổng thống Pháp và sẽ phải bảo vệ quyền lợi của nước Pháp. Chính ông Macron từng tuyên bố rằng, châu Âu cần bảo hộ người dân của mình một cách tốt hơn nữa. Ngoài ra, việc ông Macron ưu tiên thúc đẩy hợp tác Pháp-Đức để biến liên minh này thành “đầu tàu” của châu Âu khiến nhiều quốc gia thành viên khác “đứng ngồi không yên”. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện quan hệ với Đức cũng không hề dễ dàng bởi điều kiện duy nhất để Đức “mở lòng ra với Pháp” chính là việc Pháp chấp thuận cải cách kinh tế. Điều này vô hình trung khiến ông Macron bị đẩy “vào vòng luẩn quẩn”.
Ông Macron là người có quan điểm cực kỳ cứng rắn đối với Nga và vụ rò rỉ một loạt email trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống của ông được cho là “có bàn tay của Nga” càng khiến ông quyết tâm xích lại gần hơn nữa với Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh Mỹ từng “phát tín hiệu” về việc châu Âu cần đóng góp nhiều hơn cho NATO trong khi ông Macron lại muốn “bảo vệ tối đa các lợi ích của Pháp trong NATO mà không muốn trả thêm tiền cho Mỹ”. Ngoài ra, quan điểm ủng hộ NATO và chống Nga mạnh mẽ của ông Macron được cho là có thể giúp ông “ghi điểm” với Mỹ trong thời điểm này nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “rất khó dự đoán” và “trong một hoàn cảnh khác”, quan điểm này của ông Macron có thể đẩy quan hệ Pháp-Mỹ vào vòng căng thẳng.
Không những thế, trong quá trình tranh cử, ông Macron cũng công khai gọi ông Trump là “nguồn gốc của mọi bất an” tại châu Âu, trong khi đó, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, ông Trump lại ủng hộ đối thủ của ông Macron là bà Le Pen và chỉ “chúc mừng theo nghi thức ngoại giao” khi ông Macron thắng cử.
Dù thất bại của bà Le Pen trước ông Macron “đã được báo trước” nhưng có thể thấy rằng, Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen đã “tiến một bước rất dài” so với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 khi bà Le Pen chỉ nhận được 18% phiếu bầu trong vòng bầu cử Tổng thống đầu tiên (vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp 2017, bà Le Pen giành hơn 21% số phiếu bầu, vòng 2 là 33,9%). Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại đối với Phong trào Tiến bước của Macron. Tuy nhiên, bà Le Pen không phải là “mối lo duy nhất” đối với ông Macron. “Sự trỗi dậy” của ứng viên cánh tả Mélenchon trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 cho thấy không phải cử tri nào cũng đồng tình với quan điểm của ông Macron. Chính vì thế, việc ông Macron đối mặt thế nào với những thất vọng và sự giận dữ của những cử tri nói trên khi họ cáo buộc ông Macron rằng, ông đã “buộc phải trả giá quá đắt” cho quá trình toàn cầu hóa sẽ quyết định năng lực điều hành và khả năng cải cách kinh tế Pháp của ông Macron.
Ngay sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, ông Macron sẽ phải “dồn hết sức lực” vào việc làm thế nào để Phong trào Tiến bước của ông giành đa số áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 11 và 18-6.
Đây được coi là một thách thức “khó hơn lên trời” bởi Phong trào Tiến bước mới chỉ tồn tại chưa đầy một năm và đang gặp vô số khó khăn về tài chính. Dù hy vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 sẽ “tiếp sức” cho họ tiếp tục tiếng bước, nhưng ông Macron sẽ cần phải có “phép lạ” mới có thể đạt được mục tiêu của mình. Ngoài ra, dù mạnh miệng tuyên bố hơn một nửa số nghị sĩ của ông sẽ là những “khuôn mặt mới” trong chính trường Pháp, ông Macron hiểu rằng, ông rất cần sự ủng hộ của các chính trị gia lão làng từ Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa.
Ông Macron và vợ vui mừng sau chiến thắng. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đang nỗ lực để giành được quyền kiểm soát Quốc hội Pháp để có thể lựa chọn ra một Thủ tướng đủ khả năng làm đối trọng với ông Macron.
Trong khi đó, thất bại nặng nề của Đảng Xã hội cũng được coi là một trở ngại lớn đối với ông Macron bởi điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều nghị sĩ của Đảng Xã hội chưa biết sẽ phải bỏ phiếu cho ai và khả năng họ “dồn phiếu” cho Đảng Cộng hòa là rất có thể sẽ xảy ra.
Chiến thắng vang dội của ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 vô hình trung lại đẩy ông vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Lợi thế của một ứng viên độc lập giúp ông dễ dàng trở thành ông chủ Điện Elysee trong bối cảnh các đảng phái khác của Pháp đang chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, giờ là lúc ông không thể duy trì thế trung dung mà phải lựa chọn “thiên tả” hay “thiên hữu” tùy theo tình thế.
Một vấn đề nữa đang chờ đợi ông Macron là liệu ông có thể thực thi các chính sách kinh tế và an sinh xã hội dài hạn theo đúng cam kết của ông rằng “sẽ diễn ra ngay lập tức, không chờ đợi và không e dè”? Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Macron sẽ phải thể hiện được rằng, mình là một nhà thương thuyết đại tài và có đủ khả năng để đối đầu với các cuộc biểu tình lan tràn trên khắp nước Pháp khiến mọi nỗ lực cải cách nước Pháp đều rơi vào thất bại. Bản thân ông Macron cũng thừa nhận, những người đã bỏ phiếu cho ông “chủ yếu là những người muốn thay đổi” nhưng việc thay đổi “là không hề dễ dàng” và ngay cả cụm từ “không hề dễ dàng” cũng được cho là đã nói giảm đi rất nhiều sự nghiêm trọng của vấn đề.
Theo các chuyên gia, cách duy nhất để ông có thể thuyết phục được những người còn hoài nghi và các đối thủ của mình là phải đạt được những kết quả tích cực.
Ông Macron có thể “câu giờ” bằng cam kết sẽ thay đổi hệ thống chính trị “lỗi thời” của nước Pháp, đưa vào Quốc hội và Chính phủ những gương mặt mới trước khi bắt tay vào hành động thực sự.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc