Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa Qatar và các quốc gia khu vực

09:36, 07/06/2017

Theo Sputniknews.com/AP/Reuters, ngày 5-6, thêm một quốc gia nữa là Libya đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sau các động thái tương tự của Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sau khi có cáo buộc Qatar “gây ra sự bất ổn cho an ninh của khu vực”. Cụ thể, chính quyền UAE cho rằng, Qatar đã hỗ trợ, tài trợ và “bắt tay” với các tổ chức khủng bố, các tổ chức Hồi giáo cực đoan. UAE gia hạn cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để thu dọn hành lý rời khỏi đất nước. Hãng hàng không Emirates có trụ sở ở Dubai (UAE) thông báo sẽ đình chỉ các chuyến bay tới Qatar. Hãng hàng không Etihad Airways của UAE cũng đã quyết định ngừng các chuyến bay tới Qatar kể từ ngày 6-6, và sẽ áp dụng biện pháp này tới khi có thông báo tiếp theo.

Saudi Arabia cho biết nước này đã cắt toàn bộ sự kết nối với Qatar qua đường hàng không và đường biển. Ngoài ra, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu hoạt động ở Yemen cũng đã loại bỏ Qatar ra khỏi “đội hình” với lý do Qatar hỗ trợ tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Hàng loạt quốc gia Trung Đông cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh minh họa: Sputnik)
Hàng loạt quốc gia Trung Đông cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. (Ảnh minh họa: Sputnik)

Trong khi đó, Bahrain đã yêu cầu công dân của nước này đang sinh sống, làm ăn và học tập ở Qatar rời khỏi nước này trong vòng 14 ngày sau tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, cắt đứt liên lạc qua đường hàng không và đường biển với Qatar.

Ai Cập ngày 5-6 cũng đã ra tối hậu thư yêu cầu Đại sứ Qatar tại Cairo phải rời nước này trong 48 giờ. Ngoài ra, Ai Cập cũng đồng thời cho triệu đại diện cấp cao Ai Cập tại Doha, Qatar về nước. 

Maldives chiều 5-6 (theo giờ Việt Nam) cũng đã quyết định cắt đứt ngoại giao với Qatar.

Reuters đưa tin, ngày 5-6, Qatar tỏ ý lấy làm tiếc trước quyết định phối hợp của các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao tới cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố.

Kênh truyền hình al-Jazeera TV có trụ sở ở Qatar dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: "Các biện pháp (cắt đứt quan hệ nói trên) là không công bằng và dựa trên những tuyên bố cũng như cáo buộc vô căn cứ". Qatar còn tuyên bố rằng quyết định của bốn nước Arab nói trên là một sự "vi phạm chủ quyền", đồng thời cam kết với người dân nước này rằng động thái trên sẽ "không ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người dân".

Mâu thuẫn giữa Qatar và các nước láng giềng phát sinh chỉ một tuần sau Hội nghị thượng đỉnh Arab - Hồi giáo - Mỹ diễn ra ở Riyadh, Saudi Arabia. Trong thời gian diễn ra hội nghị, hãng thông tấn Qatar cho đăng tải bài phát biểu của Quốc vương nước này ủng hộ xây dựng quan hệ với Iran. Tại Hội nghị, Saudi Arabia đã thay mặt cho tất cả các đại diện tham dự lên án Iran, cho rằng Tehran theo đuổi chính sách thù địch và cảnh báo sẽ có phản ứng thích hợp. Sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Qatar nói rằng, trang web của cơ quan này đã bị tấn công và bài phát biểu gây tranh cãi bị các tin tặc xuất bản không hề có liên quan tới lãnh đạo nước này.

Tuy nhiên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain cho rằng lời biện minh của Qatar là thiếu thuyết phục và khẳng định rằng quan điểm về việc bình thường hóa quan hệ với Iran thực sự là mục tiêu mà Qatar hướng đến.

Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh có thể khiến cả hai bên mất hàng tỷ USD do hoạt động thương mại và đầu tư bị kìm hãm, đồng thời đẩy khu vực vào tình cảnh phải đi vay mượn trong khi giá dầu xuống thấp nếu khủng hoảng không được giải quyết sớm.

Nhưng với khoảng 335 tỷ USD tài sản trong quỹ đầu tư của mình, Qatar có vẻ như có thể tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế sau quyết định của các nước láng giềng Arab cắt đứt liên kết hàng không, đường biển và đường bộ với Qatar.

Các cảng biển vừa mới được mở rộng của Qatar có thể giúp quốc gia Trung Đông nhỏ bé về mặt địa lý này tiếp tục xuất khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng, vốn mang lại thặng dư thương mại 2,7 tỷ USD vào tháng 4 vừa qua, đồng thời giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua đường biển nhằm thay thế tuyến đường bộ với Saudi Arabia bị phong tỏa do cấm vận.

Tuy nhiên, một phần nền kinh tế của Qatar có thể bị ảnh hưởng xấu nếu căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng đứng đầu là Saudi Arabia kéo dài nhiều tháng. Ngay sau khi có thông tin các nước Arab cắt đứt quan hệ với Qatar, thị trường chứng khoán nước này đã bị tụt dốc hơn 7% trong ngày 5-6.

Hãng hàng không Qatar Airways cũng sẽ phải đối mặt với tổn thất từ một số cấm lệnh cấm bay của các nước láng giềng Trung Đông.

Chính phủ của Qatar đã vay vốn trong và ngoài nước để tài trợ cho khoản chi phí khoảng 200 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị tổ chức đăng cai giải bóng đá World Cup vào năm 2022. Giá trái phiếu Qatar giảm vào ngày 5-6 cho thấy khoản vay này sẽ trở nên đắt hơn, có thể làm chậm lại một số dự án.

Trái phiếu của các nước khác trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hầu như không thay đổi vào ngày 5-6, tuy nhiên một số ngân hàng nước ngoài nói rằng toàn bộ khu vực có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay nếu căng thẳng ngoại giao kéo dài. Một ngân hàng quốc tế có trụ sở tại Vùng Vịnh cho biết: "Nếu cuộc tranh chấp diễn ra một thời gian dài, thì tổn thất của hai bên có thể là rất lớn. Các nhà quản lý tài sản sẽ không phân biệt giữa Qatar và phần còn lại của GCC và họ sẽ không còn dám đầu tư tài chính vào GCC. Nếu Qatar bị xem là nhà tài trợ tài chính hoặc bảo trợ cho khủng bố thì các nhà quản lý tài sản sẽ thận trọng và chắc chắn sẽ rút vốn ra khỏi thị trường này”.

Do tất cả các nước GCC đều phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, nên mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nước không lớn, điều này sẽ hạn chế những tác động tiêu cực đối với kinh tế do căng thẳng ngoại giao gây ra. UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Qatar trong GCC tuy nhiên chỉ đứng thứ 5 nếu xét trên phạm vi các đối tác toàn cầu của Doha. Ngoài ra, Saudi Arabia và các nước GCC khác theo truyền thống chỉ nắm giữ từ 5 đến 10% giao dịch trên thị trường chứng khoán Qatar. Điều này cho thấy ngay cả khi các đối tác trong GCC của Qatar rút khỏi thị trường thì cũng không gây ra tác động mạnh khiến nó bị chao đảo.

Qatar cho rằng biện pháp cắt đứt quan hệ ngoại giao là không công bằng và dựa trên những cáo buộc vô căn cứ. (Ảnh minh họa: AFP)
Qatar cho rằng biện pháp cắt đứt quan hệ ngoại giao là không công bằng và dựa trên những cáo buộc vô căn cứ. (Ảnh minh họa: AFP)

Tuy nhiên, Qatar sẽ phải đối mặt với việc chi phí tăng cao hơn ở một số lĩnh vực, như thực phẩm, xây dựng. Trong năm 2015, Saudi Arabia và UAE đã ứng 309 triệu USD trong tổng số 1,05 tỷ USD tiền nhập khẩu lương thực của Qatar. Hầu hết các mặt hàng này là các sản phẩm sữa được chuyên chở sang Qatar qua tuyến đường bộ nối với Saudi Arabia. Chi phí xây dựng ở Qatar cũng có thể tăng lên, đẩy lạm phát trong nền kinh tế gia tăng, bởi vì nhôm và các vật liệu xây dựng khác không còn có thể được nhập khẩu bằng đường bộ.

Một chuyên gia kinh tế GCC nhận định rằng: "Rút kinh nghiệm từ lần cắt đứt quan hệ ngoại giao trước đó vào năm 2014 gây tác động không lớn đối với nền kinh tế và thị trường của Qatar do không quy định lệnh cấm các liên kết vận tải với Doha, các nước Arab vùng Vịnh dẫn đầu bởi Saudi Arabia lần này đã tuyên bố sẽ bắt đầu các thủ tục pháp lý để có được sự đồng thuận ngay lập tức với các quốc gia anh em và các công ty quốc tế để áp dụng các biện pháp trừng phạt càng sớm càng tốt".

Rõ ràng là Saudi Arabia sẽ không thuyết phục được nhiều nước cắt đứt liên kết với Doha, nhưng Riyadh có thể cố buộc các công ty nước ngoài lựa chọn giữa việc kinh doanh với Qatar hay tiếp cận thị trường rộng lớn hơn của mình - nơi có nhiều cơ hội hợp tác trong khuôn khổ của chương trình cải cách kinh tế "Tầm nhìn 2030".

Các ngân hàng tại Cairo cho biết một số ngân hàng Ai Cập đã ngừng các giao dịch với các ngân hàng của Qatar. Hiện vẫn chưa rõ các ngân hàng GCC có làm tương tự như vậy hay không. Các ngân hàng thương mại UAE nói rằng họ đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng trung ương trước khi có quyết định chính thức.

Các thị trường chứng khoán tại Dubai và một số trung tâm khác ở Vùng Vịnh đã giảm vào ngày 5-6 - mặc dù không nhiều bằng thị trường chứng khoán Qatar. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đang tỏ ra lo lắng trước những diễn biến mới trong tình hình khu vực.

Việc một loạt nước Arab tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đang gây ra những tác động tiêu cực đối với thương mại, tài chính, đầu tư tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu khi mà đà tăng trưởng mong manh do những chính sách bảo hộ của các quốc gia. Các nhà phân tích khu vực Trung Đông cho rằng các nước cần phải kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, "tôn trọng tiếng nói của nhau" mới có thể giúp giải quyết được các vấn đề khu vực.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc