Multimedia Đọc Báo in

Quyết định rút khỏi Thỏa thuận COP21 của Mỹ và hệ quả

08:23, 04/06/2017

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có thể khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này. Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất mà một quan chức thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hiệp quốc dự báo và đưa ra trong ngày 2-6 trong bối cảnh cộng đồng thế giới chỉ trích việc Mỹ "quay lưng" với thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu này. 

Theo ông Deon Terblanche, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu khí quyển và môi trường thuộc WMO, con số nêu trên chỉ là ước tính bởi cho đến nay chưa có bất cứ dự báo đánh giá nào về những hậu quả đối với môi trường và khí hậu khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận nói trên. Ông Deon Terblanche nhấn mạnh "đó là viễn cảnh tồi tệ nhất và có thể nó không phải là điều sẽ xảy ra". 

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris, Liên hiệp quốc cho rằng quyết định của ông Trump mang "nỗi thất vọng lớn đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kích và thúc đẩy an ninh toàn cầu". 

uyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu bị cộng đồng quốc tế cho là một sai lầm. Ảnh minh họa: Arstechnica.
Quyết định của ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu bị cộng đồng quốc tế cho là một sai lầm. Ảnh minh họa: Arstechnica.

Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu không phải là điều bất ngờ, bởi ý định đó đã được ông Trump đưa ra ngay trong chiến dịch tranh cử song quyết định của ông Trump vẫn gây một cú sốc lớn trên bình diện quốc tế. Bởi việc đi tới Thỏa thuận COP21 và việc nhanh chóng thông qua để sớm đưa nó vào hiệu lực là một nỗ lực rất lớn của Pháp (nước chủ nhà COP21) và 195 quốc gia thành viên của Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC).

Thỏa thuận COP21 là kết quả của sự "vượt qua chính mình" của các nước, vì mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khống chế mức nóng lên của bầu khí quyển dưới 2°C, bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất.

Để đi tới Thỏa thuận COP21, không thể không nhắc tới nỗ lực của Trung Quốc và Mỹ, 2 nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất (riêng 2 nước này đã chiến 40% lượng khí thải CO2 trên thế giới với tỷ lệ Trung Quốc: 20,09%; Mỹ: 17,89%), nhưng cũng từng là những nước thể hiện thái độ tiêu cực trong vấn đề này. Những hội nghị COP trước đó luôn thất bại do bất đồng trong nghĩa vụ đóng góp, cam kết cắt giảm lượng khí thải giữa nhóm các nước phát triển và đang phát triển, trong đó điển hình là thái độ của Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng tới trước thềm COP21, những cam kết tích cực của 2 nước này đã góp phần quyết định đi đến Thỏa thuận Paris, thay thế Nghị định thư Kyoto sắp hết hạn. Ngày 3-8-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một kế hoạch táo bạo mang tên "Clean Power" từ nay đến năm 2030 giảm 32% khí thải CO2, cao hơn cam kết đưa ra trước đó là từ 26-28%. Trung Quốc cũng đưa ra hứa hẹn giảm 20%-25% năng lượng hóa thạch, giảm bớt 60%-65% nồng độ khí thải CO2 vào nội dung đóng góp cho COP21 và cam kết ủng hộ về nguyên tắc “một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý”. Và tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 9-2016 tại Hàng Châu, Mỹ và Trung Quốc cùng tuyên bố phê chuẩn Thỏa thuận COP21.

Với đầu óc thực dụng của một nhà tài phiệt, tuân theo khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết", ông Trump thấy ngay "cái thiệt" trước mắt của Mỹ khi thực thi Thỏa thuận COP21.

Tại Mỹ, hiện có đến 40% năng lượng được sản xuất từ các nhà máy điện chạy than. 14 tiểu bang như Kentucky, Colorado hay Wyoming..., lượng điện sản xuất chủ yếu từ than đá. Việc giảm thiểu lượng khí thải CO2 sẽ gắn liền với việc đóng cửa các nhà máy này, chưa kể việc sẽ phải hạn chế hàng loạt các phương tiện giao thông, máy móc chạy bằng dầu lửa, với giá thành rẻ hơn nhiều so với việc chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.

Tiếp đó, với tư cách là nước công nghiệp lớn nhất, lại có lượng khi thải CO2 hàng đầu, Mỹ phải là nước có nghĩa vụ đóng góp lớn nhất cho "Quỹ xanh", dự kiến lên tới hàng trăm tỷ USD, phục vụ các chương trình bảo vệ môi trường và hỗ trợ các nước nghèo chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Có thể nói, quyết định của ông Trump khiến những nỗ lực của người tiền nhiệm Barack Obama "đổ xuống sông xuống biển"; đồng thời đây là một tổn thất lớn trong tiến trình áp dụng Thỏa thuận COP21.

Thiếu Mỹ, đồng nghĩa với việc 17,89% lương khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không được giảm thiểu, tác động lớn đến kế hoạch khống chế mức tăng nhiệt của bầu khí quyển dưới 2%, bảo vệ Hành tinh Xanh. Thiếu Mỹ, có nghĩa là "Quỹ xanh" sẽ mất đi một nhà đóng góp lớn nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chương trình bảo vệ môi trường và hỗ trợ các nước đang phát triển chịu nhiều tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu.

Mỹ rút đi tạo một tấm gương xấu cho nhiều nước còn có thái độ đắn đo noi theo, đặt Thỏa thuận COP21 trước nguy cơ tan vỡ. Hội nghị COP22 vừa qua ở Moroco đã rung chuông cảnh báo khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến một vấn đề lớn mang tính toàn cầu khiến Mỹ mất điểm trên trường quốc tế. Hàng loạt các nước và các tổ chức quốc tế lên tiếng phê phán quyết định này, coi đó là "nỗi thất vọng lớn". Đi liền với điều đó là sự lên ngôi của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Ngay trong đêm 1-6, lãnh đạo trụ cột EU Pháp, Đức, Italy cùng lên tiếng kiên quyết thực hiện Thỏa thuận COP21.

Thỏa thuận COP21 vẫn sẽ được thực hiện với sự phối hợp giữa EU (đi đầu là nước Pháp của tân Tổng thống Emmanuel Macron) và Trung Quốc. Tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 1-6 tại Brussels, Trung Quốc và EU tiếp tục khẳng định những cam kết trong hiệp định lịch sử này, với những biện pháp cụ thể. EU đang xích gần lại với Trung Quốc trong hồ sơ khí hậu, vì sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên.

Hạn hán do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Ảnh
Hạn hán do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, các quốc gia láng giềng của Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham gia hiệp định. Mexico, quốc gia luôn đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khẳng định việc cam kết thực hiện Hiệp định Paris là việc làm cấp thiết. Mexico sẽ không ngừng nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để bảo đảm các thỏa thuận trong hiệp định được thực hiện đầy đủ.

Canada cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các thỏa thuận nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu. “Canada bày tỏ sự thất vọng với quan điểm của Mỹ”, Bộ trưởng Môi trường Canada Chatherine McKenna cho biết. “Đây là một hiệp định tốt cho Canada cũng như cả thế giới. Nó sẽ tạo ra nhiều việc làm. Nền kinh tế tăng trưởng sạch là mục tiêu mà cả thế giới hướng tới, trong đó có cả Canada. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta cần phải để lại một tương lai bền vững hơn cho các thế hệ sau. Canada sẽ cùng Liên minh châu Âu và Trung Quốc tổ chức một hội nghị nhằm thức đẩy hành động về Hiệp định Paris.”

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng Fiji Vorege Bainimarama, người sẽ giữ cương vị chủ tịch Hội nghị lần thứ 23 của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu COP-23 tổ chức tại Bonn (Đức) vào cuối năm nay, cũng cảm thấy "thật không may" khi Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia thỏa thuận Paris, song cuộc chiến sẽ chỉ mất thêm nhiều thời gian hơn chứ sẽ không chấm dứt. Thủ tướng Fiji Vorege Bainimarama khẳng định sẽ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực để bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Ông cũng cho rằng Mỹ sẽ dần dần thay đổi quyết định và quay trở lại sát cùng thế giới.

Cũng cần thấy, quyết định của Tổng thống Donald Trump chưa hẳn được dân chúng Mỹ ủng hộ. Nhiều tiểu bang của nước này đã rất dứt khoát đi theo con đường chuyển đổi sang năng lượng Xanh, đi đầu là California, với cam kết 50% năng lượng Xanh vào năm 2030. Nhiều hiệp hội tại Mỹ, như 350.org, tuyên bố sẽ "cương quyết hành động để bảo vệ các thành tựu và sẽ tiếp tục có các biện pháp táo bạo khác". Theo điều tra, có tới 70% dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ Thỏa thuận COP21.

Theo đúng quy trình, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đợi đến tháng 11-2019 mới có thể chính thức nộp đơn xin rút. Nước Mỹ sẽ chính thức rời khỏi Hiệp định này 1 năm sau đó, tức sớm nhất là tháng 11-2020. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần tới tại Mỹ. Do đó quyết định rút khỏi Hiệp định Paris có thể bị đảo ngược bởi Tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc