4 quốc gia Arab sẵn sàng đối thoại với Qatar
Sau khi nhóm họp tại thủ đô Bahrain sáng 30-7, Ngoại trưởng bốn nước Arab gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã khẳng định sẵn sàng đối thoại với Qatar để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, tránh tổn hại tới người dân.
Tuyên bố khẳng định sẵn sàng đối thoại với Qatar có điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng nếu nước này thực hiện các yêu cầu của 4 nước Arab và đưa ra tiến trình thực hiện các yêu cầu này.
Tuyến bố nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để đàm phán là Qatar phải ngừng hỗ trợ cho khủng bố cũng như nhắc lại tuyên bố 6 điểm tại Cairo hôm 5-7 vừa qua.
Ngoại trưởng 4 nước cho rằng Qatar đã cung cấp chỗ trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố và kêu gọi Qatar thực hiện các yêu cầu của bốn quốc gia Arab. Tuyên bố chung cũng lên án Qatar cản trở người hành hương tới Mecca (Saudi Arabia); nhấn mạnh mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng càng sớm càng tốt, tránh làm tổn hại tới công dân Qatar, cũng như chấp thuận Thái tử Kuwait làm trung gian hòa giải.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Chính phủ Qatar Sheikh Saif bin Ahmed Al-Thani cáo buộc Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã can thiệp sâu vào các công việc nội bội của Qatar. Ông Sheikh Saif cũng nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Qatar được lập từ bên ngoài là điều "không thể chấp nhận được".
Cũng theo ông Sheikh Saif, việc 4 quốc gia Arab nói trên hôm 25-7 vừa qua đưa ra "tối hậu thư" mới khi công bố "danh sách đen" gồm các tổ chức và cá nhân có mối liên hệ với Qatar và liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố" do có các quan hệ mờ ám với Hồi giáo cực đoan, sẽ gây cản trở cho tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Doha luôn đối thoại cởi mở và sẵn sàng đàm phán khi 4 nước Arab dỡ bỏ "danh sách đen" nói trên, cũng như khi chủ quyền và nền độc lập của quốc gia này không bị xâm phạm.
Người dân Qatar mua sắm tại một khu chợ nổi tiếng Souq Waqif ở Doha ngày 7-6. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 27-7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã cáo buộc các nước láng giềng vùng Vịnh và Ai Cập có thái độ "cố chấp" trong khủng hoảng ngoại giao hiện nay, đồng thời kêu gọi Liên hiệp quốc can thiệp nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Doha với các quốc gia Arab và vùng Vịnh.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại New York (Mỹ), ông Al-Thani nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nhận thấy ở phía bên kia trong cuộc xung đột một sự cố chấp mà không có bất kỳ bước đi nào nhằm giải quyết mối bất hòa. Việc giải quyết xung đột hiện nay cần có vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Đại hội đồng Liên hiệp quốc và tất cả các cơ chế Liên hiệp quốc, vì các vi phạm vẫn tiếp diễn".
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Qatar đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhằm thảo luận những căng thẳng ngoại giao, sau khi Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập hôm 5-6 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Ông Al-Thani cho rằng hành động cô lập Qatar của bốn nước Arab nói trên là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Tháng trước, ông Al-Thani đã gặp gỡ và vận động một số nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ủng hộ Doha, tuy nhiên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Tổng thư ký Guterres nhiều lần nhấn mạnh rằng nên tìm kiếm một giải pháp giữa các đối tác khu vực.
Kuwait đang thúc đẩy các nỗ lực hòa giải và một số nhà ngoại giao hàng đầu của phương Tây cũng đã công du tới khu vực để tìm cách tháo ngòi nổ cho mối bất hòa giữa Qatar và các nước Arab, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua tại vùng Vịnh tiếp tục rơi vào bế tắc, trong bối cảnh các nước vẫn không chịu thỏa hiệp đồng thời không ngừng cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau. Mới đây ngày 25-7, Saudi Arabia cùng UAE, Bahrain và Ai Cập đã công bố "danh sách đen" gồm 18 tổ chức và cá nhân có mối liên hệ với Yemen, Qatar và Libya, liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố" do có các quan hệ mờ ám với Hồi giáo cực đoan.
Trong số này, 3 tổ chức ở Yemen và 6 tổ chức có trụ sở tại Libya bị cáo buộc có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Nhóm bốn nước Arab cũng yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, chấm dứt hỗ trợ với tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn bị liệt vào danh sách khủng bố, và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Trong khi đó, Qatar tuyên bố rằng các yêu cầu này là vi phạm chủ quyền của Doha.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc