Multimedia Đọc Báo in

Dự luật trừng phạt mới của Mỹ: Hệ lụy từ bất hòa nội bộ

12:32, 29/07/2017

Ngày 28-7, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu phía Mỹ đến ngày 1-9 tới phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga. Phía Nga cũng cho biết đang thu giữ một số cơ sở hạ tầng mà các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga đang sử dụng. Đây được xem là biện pháp trả đũa mới nhất của Mỹ nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ vừa áp đặt với Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo, nếu phía Mỹ tiếp tục trục xuất thêm bất cứ nhà ngoại giao nào của Nga, Nga sẽ có phản ứng đáp trả tương thích.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Hạ viện Mỹ nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, khai khoáng, đóng tàu, năng lượng, công nghiệp đường sắt, tình báo cũng như hạn chế các vụ giao dịch với các ngân hàng Nga.

Trước đó, vào ngày 27-7, với số phiếu ủng hộ áp đảo, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump. 

Ảnh minh họa. (Ảnh: Shutterstock)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Shutterstock)

Với 98 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trên với sự ủng hộ từ cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Hiện dự luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Trump phê duyệt. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27-7 đã lên án ý định của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, coi đây là âm mưu sử dụng những hành động "đặc biệt trắng trợn" để bảo đảm lợi ích kinh tế của mình và sẽ càng làm trầm trọng tình hình.

Tuyên bố sau cuộc gặp với người đồng cấp Phần Lan, Tổng thống Putin nhấn mạnh sẽ rất đáng tiếc nếu Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga. Người đứng đầu nước Nga cáo buộc Mỹ rõ ràng đang lợi dụng những ưu thế địa chính trị trong cuộc chiến cạnh tranh nhằm bảo đảm những lợi ích kinh tế của mình bằng cách gây phương hại cho các đồng minh. Tổng thống Putin khẳng định thực tế này là không thể chấp nhận được vì đây là hành động vi phạm luật quan hệ quốc tế và luật quốc tế. Theo ông, Nga chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ đồng ý với việc này. Ông Putin cũng lưu ý Nga sẽ phản ứng tương tự như các nước khác trước lệnh trừng phạt của Mỹ, liên quan tới vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng tình hình căng thẳng hiện nay sẽ kết thúc để quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển vì lợi ích của người dân hai nước.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nhân châu Âu (AEB) cùng ngày ra tuyên bố chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống Nga, cho rằng hành động này có thể khiến sản xuất sụt giảm và nhiều việc làm bị mất. Trong một tuyên bố, AEB một lần nữa khẳng định lập trường của mình chống lại bất cứ các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế tự do thương mại, đầu tư nào, cũng như ủng hộ giảm cẳng thẳng giữa các nước hữu quan. AEB không ủng hộ việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga và kêu gọi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga nhanh chóng tìm kiếm được giải pháp chính trị ngăn chặn mối quan hệ tiếp tục xấu hơn.

AEB bày tỏ lo ngại rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cản trở hoạt động kinh doanh bình thường, cũng như dẫn đến tình trạng sản xuất và việc làm trong những lĩnh vực liên quan sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, các biệt pháp trừng phạt mới của Mỹ chống Nga ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty châu Âu và các nước EU trong ngành năng lượng và một số lĩnh vực khác. Các công ty có thành viên trong AEB gồm Alstom, BP, Cargill, DHL, E.ON, Enel, Eni, ING, Mercedes-Benz, Metro, Procter & Gamble, Shell, Statoil, Telenor, Total, Volkswagen, Volvo, Valio, Auchan và một số công ty khác.

Ngày 28-7, Đức cũng cảnh báo sẽ không chấp nhận bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Nga đồng thời nhằm vào các công ty châu Âu. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gây sức ép kinh tế lên Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết "dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận việc Mỹ áp đặt trừng phạt theo đặc quyền ngoại giao đối với các công ty châu Âu". Ông nói: "Chính sách trừng phạt là công cụ vừa không phù hợp vừa không xứng đáng để phát triển các lợi ích xuất khẩu quốc gia và lĩnh vực năng lượng trong nước".

 Các quốc gia châu Âu đã chỉ trích Washington về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mới này, cho rằng có thể phương hại các công ty châu Âu tham gia hoạt động xây dựng một đường ống mới dẫn khí đốt của Nga dưới Biển Baltic trực tiếp tới Đức. Họ lo ngại rằng Mỹ có thể lợi dụng các biện pháp trừng phạt này để ép các nguồn cung khí đốt của Nga ra khỏi châu Âu để có lợi cho các nhà xuất khẩu năng lượng của Mỹ. 

Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo sẽ nhanh chóng đáp trả nếu Mỹ thúc đẩy trừng phạt mà không tính tới những quan ngại của khối này.

Có thể nói, việc Thượng và Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật tăng cường trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên được đánh giá là bước đi làm trầm trọng thêm các mối quan hệ song phương của Mỹ với các nước liên quan, đồng thời tác động trên diện rộng tới các vấn đề nóng khác của thế giới hiện nay và được coi là những hệ lụy của những rạn nứt trong nội bộ chính giới Mỹ. 

Trước tiên là những tác động đối với quan hệ của Mỹ với các nước bị trừng phạt. Chắc chắn lệnh trừng phạt khi có hiệu lực sẽ tiếp tục là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cải thiện quan hệ vốn giá lạnh với Điện Kremlin dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. 

Các dự báo diễn biến tình hình cũng không khả quan hơn với Iran và Triều Tiên. Trong một phản ứng mới nhất, Iran tuyên bố dự luật là "một biện pháp thù địch" chống lại nước này, đi ngược lại những nghĩa vụ mà Mỹ phải thực hiện được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời khẳng định Tehran sẽ có biện pháp đáp trả. 

Trong khi đó, dự luật trừng phạt của Mỹ cũng gây tổn hại tới Triều Tiên, quốc gia vẫn luôn coi các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa là một công cụ đắc lực nhằm kiềm chế cái mà Bình Nhưỡng gọi là chính sách thù địch của Mỹ. Điều này cũng được hiểu dự luật có thể trở thành chất xúc tác để Triều Tiên trở nên mạnh mẽ hơn trong các dự định của mình, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng trong thời gian vừa qua liên tiếp thực hiện nhiều vụ thử tên lửa.

ổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phải miễn cưỡng ký thông qua dự luật này vì không muốn bị cáo buộc là quá mềm mỏng với Nga. (Ảnh:Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) có thể sẽ phải miễn cưỡng ký thông qua dự luật này vì không muốn bị cáo buộc là quá mềm mỏng với Nga. (Ảnh:Getty Images)

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua một hậu quả xấu của dự luật này đối với quan hệ ngoại giao của Mỹ với các đồng minh châu Âu. Từ góc nhìn của châu Âu, với quyết định trừng phạt, Washington theo đuổi không chỉ các mục tiêu chính trị mà cả các mục tiêu kinh tế, cụ thể là Nhà Trắng đang vận động hành lang cho các lợi ích của các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty năng lượng ở Lục địa Già. 

Vì vậy, không loại trừ khả năng dự luật trừng phạt mới chống Nga sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong EU. 

Dường như EU đã sẵn sàng các phương án đáp trả. Các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm yêu cầu Tổng thống Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU. Bên cạnh đó, nếu các con đường ngoại giao không hiệu quả, EU có thể sử dụng luật pháp châu Âu để các lệnh trừng phạt của Mỹ “không được chấp nhận hoặc thực thi” trong EU. Tiếp nữa là EU có thể chuẩn bị một số biện pháp đáp trả phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Bên cạnh đó, tác động của dự luật trừng phạt cũng cần được xem xét ở diện rộng hơn. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt tại Trung Đông, căng thẳng ngoại giao mới tại vùng Vịnh giữa các nước Arab và Qatar, thị trường dầu mỏ tiếp tục rớt giá đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu….đòi hỏi sự hợp tác đa phương, đặc biệt là của Mỹ và Nga, quyết định của Mỹ chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ trên phạm vi quốc tế. 

Một tác động tiêu cực của văn kiện này phải tính tới, đó là nó làm sâu sắc hơn sự rạn nứt trong nội bộ chính giới Mỹ giữa một bên là Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga với một bên là các chính trị gia bảo thủ. Hiện Tổng thống Trump đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" và phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn. 

Nếu ông Trump phủ quyết dự thảo luật trên sẽ kéo theo một làn sóng mới những lời buộc tội sự hợp tác của ông với Nga. Còn nếu ông Trump chấp thuận ký thông qua dự luật này, ông lại càng khó theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập mà vốn ông Trump đang nỗ lực duy trì quyền tự do cơ động của mình. 

Mọi sự chú ý giờ đây dồn vào Tổng thống Trump với câu hỏi liệu ông có đặt bút ký vào văn kiện này hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp phủ quyết, khả năng lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng tâm hợp sức để bác quyền này của tổng thống là rất cao. Rõ ràng, với chuyển động này, các nghị sĩ Mỹ đang đặt thêm bài toán khó cho chính quyền mới 6 tháng tuổi của Tổng thống tỷ phú Donald Trump.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc