Iran khiếu nại lên Hội đồng Bảo an về những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
Reuters đưa tin, ngày 1-8, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết nước này đã khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran trong tháng 7 vừa qua, cho rằng Washington đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Tehran và Nhóm P5+1.
Thỏa thuận hạt nhân nói trên, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran và 6 cường quốc trong đó có Mỹ ký kết năm 2015, đã dẫn tới việc dỡ bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy những hạn chế về chương trình hạt nhân của Tehran.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani. (Ảnh: NPR) |
Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Ali Larijani nêu rõ: "Cơ quan giám sát JCPOA của Iran đã đánh giá về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran và kết luận rằng Washington đã làm trái với nhiều phần trong thỏa thuận hạt nhân này. Iran đã khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về sự vi phạm của Mỹ đối với JCPOA".
Trước đó, với số phiếu ủng hộ áp đảo, Thượng viện Mỹ hôm 27-7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những trừng phạt mới đưa ra sau khi Iran tuyên bố thử thành công tên lửa mới có thể mang theo vệ tinh vào vũ trụ. Chính quyền Mỹ đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng vụ phóng thử tên lửa này của Iran có thể dẫn tới việc sản xuất tên lửa chiến lược liên lục địa. Đi kèm với chỉ trích nhằm vào Iran sau vụ phóng thử tên lửa, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trừng phạt mới với 18 cá nhân và các công ty tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang không ngừng sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Nhà lãnh đạo Mỹ chưa bao giờ đồng tình với thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 của Iran, đồng thời luôn cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo ủng hộ các nhóm phiến quân trong khu vực. Sau tuyên bố thử tên lửa thành công của Iran, Tổng thống Trump đã khẳng định những mối đe dọa mới bắt nguồn từ Iran, Triều Tiên, Syria và những nước đứng sau ủng hộ tài chính cho các quốc gia này. Hiện dự luật trừng phạt mới với Nga, Iran và Triều Tiên được Quốc hội Mỹ thông qua đã được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký thành luật. Trong khi đó, cuối tuần qua, các nghị sĩ Iran đã nhất trí thông qua một đề cương chung của 1 dự luật đáp trả “các biện pháp thù địch của Mỹ chống Iran”. Dự kiến, Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại Quốc hội Iran sẽ tiếp tục thảo luận các chi tiết của hành động trả đũa này.
Không chỉ là những màn khẩu chiến và đe dọa trừng phạt trả đũa lẫn nhau, lực lượng hải quân Mỹ và Iran trong liên tiếp những ngày qua xảy ra chạm trán trên Vùng Vịnh. Đầu tuần trước, Mỹ cáo buộc tàu thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tiến sát tàu USS Thunderbolt ở khoảng cách 137 m và phớt lờ mọi liên lạc bằng radio, buộc tàu Mỹ phải bắn cảnh cáo. Vài ngày sau đó, đến lượt Iran cáo buộc các tàu của hải quân Mỹ đã có hành động khiêu khích khi tiến về phía những tàu tuần tra của Iran trên Vùng Vịnh và bắn nhiều loạt pháo sáng. Theo phía Iran, tàu sân bay USS Nimitz cùng tàu chiến của hải quân Mỹ đã tiến về phía các tàu tuần tra của Iran.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Busher ở miền nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Một máy bay trực thăng của Mỹ cũng bay gần dàn khoan dầu khí Resalat. Tuyên bố của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran khẳng định, các tàu Mỹ đã có hành động khiêu khích và thiếu chuyên nghiệp khi gửi thông điệp cảnh báo và bắn pháo sáng về phía các tàu Iran. Trong khi đó, các tàu Iran đã bỏ qua những hành động khiêu khích này để tiếp tục nhiệm vụ của mình, sau đó các tàu của Mỹ đã rời đi.
Đây là những diễn biến mới nhất giữa tàu Mỹ và Iran trên Vùng Vịnh, nơi thường xuyên chứng kiến hành động khiêu kích mà 2 bên cáo buộc lẫn nhau.
Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên xây dựng lòng tin lẫn nhau và tôn trọng thỏa thuận hạt nhân 2015.
Sau khi Mỹ tuyên bố các trừng phạt mới với Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng kêu gọi: “Thỏa thuận hạt nhân Iran là kết quả đa phương quan trọng và là mô hình giải quyết các vấn đề quốc tế nóng thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. Các nước liên quan phải có trách nhiệm giám sát và thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiệu quả của sự hợp tác quốc tế dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa tất cả các bên”.
Hiện Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức kể từ tháng 4-1980 sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran. Bất chấp giai đoạn nồng ấm ngắn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran. Thậm chí Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.
Như Hồng (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc