Việt Nam - điểm sáng kinh tế thế giới 2017
Tờ Thời báo Nhật Bản (Japan Times) số ra đầu tháng 11-2017 đã cập nhật thành tựu chặng đường 30 năm đổi mới và vai trò của Việt Nam trong việc bảo đảm thành công cho APEC 2017. Theo bài viết, sau 30 năm kiên định thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo tiền đề cho việc hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Nếu năm 2003, sau 17 năm đổi mới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Năm 2017, dự kiến thu nhập bình quân đầu người có thể đạt trên 2.400 USD. Gia nhập APEC từ tháng 11-1998, sau 19 năm, Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ cho APEC, cho sự phát triển của Diễn đàn thông qua việc chủ động đăng cai APEC hai lần trong vòng 11 năm (2006 và 2017).
Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao khi tổ chức thành công APEC 2017. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các nước dự APEC 2017. Ảnh: TTXVN |
"Việt Nam là đối tác xuất sắc trong khu vực" là tuyên bố của một quan chức cấp cao Mỹ đưa ra ít ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Việt Nam và tham dự APEC 2017. Đánh giá này được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 5-11 dẫn lại và nhấn mạnh, Việt Nam là một đối tác xuất sắc trong khu vực, thể hiện nhiều tiềm năng và cơ hội mà Mỹ muốn trao đổi, và cho sự phục hưng, tăng trưởng của khu vực.
Ngoài việc ca ngợi sự chu đáo, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của nước chủ nhà Việt Nam trong sự kiện APEC 2017, các báo lớn trên thế giới còn nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực. Tờ Theindependent.sg của Singapore ngày 8-11 đã đăng tải trang trọng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với tiêu đề "APEC Việt Nam 2017, thúc đẩy tương lai chia sẻ trong một thế giới đầy biến động". Tờ The Economic Times của Ấn Độ cũng đăng tải bài viết khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong APEC, nước chủ nhà Việt Nam đã cố gắng hài hòa lợi ích, tìm kiếm điểm chung để thu hẹp sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Tờ The Malaymail lại đăng tải bài viết tiêu đề “APEC giúp Việt Nam thúc đẩy đổi mới và phát triển bao trùm”, trong đó giới thiệu về sự kiện APEC 2017 tại Việt Nam, cũng như đưa ra đánh giá rất tích cực đối với các thành tựu mà Việt Nam đạt được trên nhiều lĩnh vực sau 30 năm đổi mới.
Nhân sự kiện APEC 2017, nhiều tờ báo, tạp chí lớn khu vực đã đề cập đến thành tựu kinh tế to lớn mà Việt Nam đã và đang đạt được. “Việt Nam - Điểm sáng kinh tế thế giới 2017” hay “Việt Nam - Ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế thế giới”... là cách gọi của tờ Inquirer.net của Philipines số đầu tháng 11-2017 để ca ngợi thành tựu công cuộc đổi mới của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua. Tờ Inquirer.net nhấn mạnh tới những thành tựu về hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế trong 30 năm qua khiến Việt Nam là ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế thế giới.
Thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong phát triển kinh tế và là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trước thời hạn Liên hiệp quốc đề ra. |
Tạp chí The Economist của Anh dự báo kinh tế Việt Nam ổn định giai đoạn 2017-2021. Theo The Economist, kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng nhằm bảo đảm mức tăng trưởng 6,3% trong cả năm nay nhờ chính sách quyết liệt của Chính phủ. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên mức 6,5% trong năm 2018. Tổng thể, trong cả giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo ở mức 6,2-6,3%, duy trì được vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Tờ Equilibrium Global của Argentina mới đây đã đăng bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Julio Sevares ở Đại học Buenos Aires, đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài viết dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay 94,3% người dân Việt Nam biết đọc, biết viết; tuổi thọ trung bình là 72 tuổi; tỷ lệ người thất nghiệp chỉ ở mức 3,7%. Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam đã giảm tỷ lệ người nghèo từ mức 58% vào năm 2003 xuống chỉ còn 12% trong năm ngoái và trong vòng 2 thập kỷ, 25 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Việt Nam còn nhiều “điểm nhấn” trong các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam được bạn bè thế giới đánh giá cao. Tạp chí Trip Advisor (Mỹ) mới đây đã công bố những thành tựu về du lịch của Việt Nam, kèm theo danh sách 71 địa điểm hấp dẫn ở Việt Nam được du khách quốc tế bình chọn là hấp dẫn. Riêng Hội An được xếp trong danh sách địa danh có di tích đẹp, mến khách, khí hậu ôn hòa và nằm trong Top 10 điểm đến du lịch rẻ nhất thế giới hiện nay.
Nguyễn Duy Hùng
(Dịch từ Net/BCNN- 2017)
Ý kiến bạn đọc