Nước Mỹ đối mặt với biểu tình và Covid-19
Bất chấp hàng trăm cuộc bắt bớ của cảnh sát, lệnh giới nghiêm được ban bố ở nhiều nơi, bao gồm cả thủ đô Washington D.C và thành phố New York, và cả lời kêu gọi của chính Terrence Floyd, em trai của người đã khuất George Floyd xin mọi người hãy ngừng đập phá, tình trạng người biểu tình phẫn nộ và hỗn loạn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Làn sóng biểu tình phản đối bạo lực sắc tộc còn lan sang tận bên kia bờ Đại Tây Dương và khu vực Nam bán cầu, với nhiều cuộc xuống đường ở Anh, Đức, Thụy Sĩ, New Zealand, Australia...
Người biểu tình tuần hành tại Santa Monica, Los Angeles. Ảnh: Getty Images |
Người dân ở Minneapolis nói rằng mọi sự bất mãn, biểu tình sau cái chết của George Floyd là hệ quả của một cộng đồng liên tục chịu đựng những thử thách trong những tuần gần đây cả bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như tình trạng bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng sắc tộc sâu sắc. Dịch bệnh Covid-19 vốn đã gây ra sự mất cân xứng về kinh tế và chăm sóc sức khỏe đối với các cộng đồng sắc tộc thiểu số và những người nhập cư ở Minneapolis. Cộng đồng người da đen ở Minneapolis, cũng như những người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, khi họ là những người có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với các nhóm khác. Theo ước tính, người da đen chiếm ít nhất 29% các trường hợp mắc Covid-19 được xác định ở Minnesota dù họ chỉ chiếm 6% dân số của bang. Người Mỹ gốc Phi chiếm 35% số ca mắc Covid-19 ở Minneapolis, dù họ chỉ chiếm chưa đến 20% dân số của thành phố. Các công nhân da đen, gốc Latin cũng là những người dễ bị mất việc làm hơn cả so với những nhóm khác. Nhiều người trong số họ là lao động làm việc theo giờ và chỉ được trả lương thấp. Họ bất chấp những rủi ro sức khỏe để làm việc ở các cửa hàng rau quả, các viện dưỡng lão, các nhà máy, lò mổ và các công việc không thể làm từ xa.
Vụ George Floyd đúng hơn là “giọt nước tràn ly” bởi tình trạng người gốc Phi bị kỳ thị, nhất là bị cảnh sát kỳ thị, không phải là điều hi hữu ở Mỹ. Có thể nói, dù phong trào dân quyền đã chấm dứt được luật phân biệt chủng tộc tồn tại trong suốt một thế kỷ tại Mỹ song tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người da màu thực ra chưa bao giờ biến mất. Kết quả nghiên cứu mới đây của 3 trường đại học tại Mỹ là Rutgers, Michigan và Washington cho thấy người da màu là nhóm chủng tộc có nguy cơ bị đụng độ với cảnh sát nhiều nhất ở Mỹ: họ dễ bị cảnh sát tuýt còi, ít khi được xét xử công bằng tại tòa và thậm chí có thể nhận án lâu hơn người da trắng nếu cùng mắc một tội danh. Có lẽ chính vì những bất công, bất bình đẳng vẫn hiện hữu như vậy cộng với tư tưởng phân biệt chủng tộc ăn sâu cắm rễ trong xã hội Mỹ đã khiến một bộ phận người dân Mỹ tích tụ ngày một nhiều thêm nỗi giận dữ, sự thất vọng và bế tắc để cuối cùng bùng nổ thành hàng loạt các cuộc biểu tình bạo loạn như cả thế giới đã chứng kiến suốt tuần vừa qua.
Người biểu tình tuần hành tại Washington D.C., Mỹ ngày 29-5 bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, những hành vi lợi dụng biểu tình để phá phách, cướp bóc, phá hoại tài sản, kích động bạo lực đường phố hay tấn công lực lượng thực thi pháp luật cũng đang làm tình hình thêm rối loạn. Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, các nhóm có tổ chức đang tìm cách phá hoại tài sản và gây ra bạo lực với vỏ bọc là các cuộc biểu tình hợp pháp về phân biệt chủng tộc. Trong thông điệp trên mạng xã hội mới đây, Tổng thống Donald Trump khẳng định mình ủng hộ công lý cho người đàn ông da màu George Floyd, nhưng hành động đập phá, cướp bóc là hoàn toàn sai trái. Bên cạnh đó, dòng người đông đúc tụ tập biểu tình trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khiến nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ bùng phát, cuốn trôi mọi nỗ lực dập dịch trong thời gian qua.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và hoạch định chính sách đều cho rằng đây phải là lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần khôi phục lòng tin của người dân đối với lực lượng cảnh sát, những người mà nhiệm vụ chính là phục vụ và bảo vệ người dân. Ông Trump phải đưa ra những chính sách và luật pháp sửa đổi để làm sao cảnh sát chỉ có thể dùng vũ lực và vũ khí sát thương trong những trường hợp bất khả kháng; rằng trong trường hợp một cảnh sát lạm dụng quyền, sử dụng vũ lực quá mức được phép thì các cảnh sát có mặt tại hiện trường có nghĩa vụ phải tham gia ngăn cản. Quan trọng hơn, điều Tổng thống Trump cần làm lúc này là kêu gọi đoàn kết dân tộc và cải tổ bộ máy thực thi luật pháp, nếu không muốn chứng kiến rất nhiều George Floyd và rất nhiều cuộc biểu tình như hiện nay tiếp tục diễn ra trên đất Mỹ.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV, HNM)
Ý kiến bạn đọc