Multimedia Đọc Báo in

Anh - EU: Khởi đầu mới của mối quan hệ hậu Brexit

08:43, 01/01/2021

Chiều 30-12-2020 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký chính thức "Hiệp định Thương mại và Hợp tác" - một thỏa thuận hậu Brexit mà hai bên đạt được đúng vào dịp Giáng sinh vừa qua.

Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh Hiệp định mà hai bên ký kết là kết quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng, trong đó Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sự thống nhất chưa từng có. Đó là một thỏa thuận cân bằng và công bằng, bảo vệ đầy đủ các lợi ích cơ bản của EU và tạo ra sự ổn định cho các công dân và doanh nghiệp. Ông Michel khẳng định EU sẵn sàng sát cánh cùng Vương quốc Anh trong các vấn đề lớn, như lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, và hành động ứng phó với đại dịch trên cấp độ toàn cầu. Về đối ngoại, EU sẽ tìm kiếm sự hợp tác trong các vấn đề cụ thể dựa trên các giá trị và lợi ích chung.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (bên phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp  tại Brussels, Bỉ, ngày 9-12-2020.   Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (bên phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, ngày 9-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng vào chiều 30-12, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Với 521 phiếu thuận và 73 phiếu chống, Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua “Hiệp định Thương mại và Hợp tác” với EU. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ mở ra một chương mới trong câu chuyện quốc gia của mình” và “giờ đây, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tận dụng tốt nhất những sức mạnh mà chúng ta đã lấy lại được”.

Sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hạ viện Anh, thỏa thuận sẽ tiếp tục được Thượng viện nước này xem xét và bỏ phiếu thông qua để chính thức trở thành luật.

Vào nửa đêm 31-12 theo giờ Brussels (Bỉ), Vương quốc Anh đã hoàn toàn tách ra khỏi EU, sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng kể từ khi Thỏa thuận rút lui có hiệu lực pháp lý và hơn 4 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ đất nước, kèm theo đó là các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ mở ra một chương mới trong câu chuyện quốc gia của mình” và “giờ đây, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm tận dụng tốt nhất những sức mạnh mà chúng ta đã lấy lại được”.

Khó khăn, bế tắc lớn nhất khiến 10 tháng đàm phán vừa qua trở nên vô cùng mệt mỏi với các nhà đàm phán EU và Anh là quan điểm không khoan nhượng trong 3 chủ đề. Với EU, đó là điều kiện cạnh tranh thương mại công bằng, tức buộc nước Anh phải tuân theo các tiêu chuẩn tương tự EU về môi trường, lao động, trợ cấp nhà nước… nếu nước Anh muốn giữ nguyên quyền tiếp cận vào thị trường chung 450 triệu dân của EU. EU cũng muốn các ngư dân của mình tiếp tục giữ được quyền đánh bắt cá như trước kia trong vùng biển giàu hải sản của Anh, và chỉ chấp nhận nhượng lại nhiều nhất là 15% sản lượng. Đổi lại các yêu cầu từ phía EU, chính phủ Anh đưa ra lá bài duy nhất là chủ quyền. Mọi quan chức Anh đều tuyên bố, nước Anh đã rời khỏi EU để lấy lại toàn bộ chủ quyền và sẽ không có chuyện EU tiếp tục áp đặt các quy định của mình cho nước Anh.

Quan điểm không nhượng bộ này từ cả hai phía, đặc biệt là cách tiếp cận mang nặng biểu tượng chính trị từ Anh khiến các đàm phán bế tắc trong suốt thời gian qua. Các bế tắc kéo dài bất chấp mọi nỗ lực thúc đẩy cấp cao từ cả hai phía khiến hơn 10 hạn chót được hai phía đưa ra nhưng đều bị lỡ. Phải đến giữa tháng 11-2020, các tiến triển quan trọng mới xuất hiện, với sự nhượng bộ từ phía Anh trong việc hạ thấp yêu cầu về lấy lại sản lượng nghề cá, và từ phía EU khi yêu cầu Anh tuân thủ các tiêu chuẩn cạnh tranh công bằng nhưng không đi kèm một cơ chế ràng buộc pháp lý cứng rắn.

Bước vào những tuần cuối cùng của tháng 12-2020, động lực lớn nhất thúc đẩy đàm phán hoàn tất là sự mệt mỏi và kiệt quệ năng lượng từ cả hai phía, cùng hình ảnh thực tế của hàng nghìn xe tải mắc kẹt ở cảng Dover nước Anh khi không thể qua biên giới châu Âu, khiến hai bên ý thức rõ hơn bao giờ hết hậu quả của một “Brexit không thỏa thuận”.

Sau quá nhiều căng thẳng và mệt mỏi, EU và Anh giờ đã có một thỏa thuận lịch sử trên nhiều khía cạnh, một thỏa thuận được đánh giá là ít tồi tệ nhất mà hai bên có thể đạt được vào lúc này. Thỏa thuận thương mại Anh và EU vừa đạt được sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan.

Từ trái sang: Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Từ trái sang: Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Về mua bán hàng hóa giữa hai bên, vốn chiếm một nửa trong số 900 tỷ USD kim ngạch thương mại hằng năm của EU-Anh, với thỏa thuận này Anh là nền kinh tế ngoài EU duy nhất trên thế giới được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở như vậy. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng những quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu. Kể từ ngày 1-1-2021, hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.

Về cạnh tranh bình đẳng, EU chấp nhận thương mại phi thuế quan để đổi lấy việc Anh chấp nhận duy trì các tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước, môi trường và các quyền của người lao động nhằm đảm bảo một "sân chơi bình đẳng" cho các doanh nghiệp EU. Tuy nhiên, Anh sẽ không bị bắt buộc phải tuân theo các quy định của EU hoặc chịu sự tài phán của Tòa án Công lý châu Âu một cách trực tiếp.

Theo thỏa thuận, các ngư dân EU được bảo đảm quyền tiếp cận các vùng biển của Anh trong khoảng thời gian quá độ kéo dài hơn 5 năm kể từ ngày 1-1-2021, nhưng với hạn ngạch bị cắt giảm 25% so với hiện nay. Khi thời gian quá độ trên kết thúc, quyền tiếp cận các vùng biển Anh sẽ phụ thuộc vào những cuộc đàm phán hằng năm giữa hai bên.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.