Hội nghị Thượng đỉnh EU - Mỹ: Thống nhất về hàng loạt vấn đề quan trọng
Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15-6, với đại diện của EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong khi đại diện phía Mỹ là Tổng thống Joe Biden.
Được xem là cơ hội để làm mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU và Mỹ nhất trí tăng cường hợp tác trong thương mại, đầu tư và chuẩn bị cho những thách thức y tế toàn cầu trong tương lai.
EU và Mỹ đã đồng ý “đình chiến” trong cuộc xung đột kéo dài về vấn đề trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Tranh chấp này đã dẫn đến các vụ kiện đồng thời được hai bên đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể từ năm 2004.
Trước đó vào tháng 3-2021, cả Mỹ và EU đã đồng ý đình chỉ thuế quan trong 4 tháng đối với 11,5 tỷ USD hàng hóa song phương đã bị áp đặt trong giai đoạn tranh chấp. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, cả hai bên đã đồng ý xóa bỏ thuế quan trong 5 năm cho đến khi tiếp tục thảo luận về một thỏa thuận tổng thể cho vấn đề trợ cấp.
Cũng trong ngày 15-6, Mỹ và EU đã chính thức thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) nhằm điều phối các vấn đề công nghệ quan trọng như phát triển chất bán dẫn, nghiên cứu các lĩnh vực mới nổi và đảm bảo chuỗi cung ứng. Các bên đã cam kết trong tuyên bố chính thức của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU về việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để tăng cường thương mại và đầu tư, củng cố vai trò lãnh đạo công nghệ và công nghiệp, đẩy mạnh đổi mới, bảo vệ các công nghệ, cơ sở hạ tầng quan trọng và mới nổi.
Mỹ và EU lưu ý rằng TTC có nhiệm vụ “khởi động” chương trình nghị sự về các vấn đề thương mại và công nghệ, với các mục tiêu của nhóm bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế về chuỗi cung ứng công nghệ, tăng cường quan hệ đối tác nghiên cứu và phối hợp xây dựng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, TTC sẽ giải quyết sự thiếu hụt chất bán dẫn vốn đã có tác động tiêu cực lớn đến các ngành công nghiệp bao gồm cả lĩnh vực ô tô. TTC cũng sẽ giải quyết các vấn đề như thiết lập tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ kết nối Internet, thúc đẩy công nghệ xanh, bảo mật các hệ thống viễn thông quan trọng và về điều mà Mỹ và EU cho là “lạm dụng công nghệ đe dọa an ninh và nhân quyền”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) tại cuộc gặp ở Brussels - Bỉ ngày 15-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Mỹ và EU coi việc chấm dứt đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác toàn cầu là ưu tiên hàng đầu. Mỹ - EU đồng thời cam kết thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng và giá cả phù hợp cũng như phân phối các loại vắc xin ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả... thông qua chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19. Mỹ - EU cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ cơ chế COVAX và khuyến khích thêm nhiều nhà tài trợ sản xuất 2 tỷ liều vắc xin cho toàn thế giới vào cuối năm 2021.
Trong Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị, Mỹ - EU cam kết hợp tác cùng nhau nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu bền vững.
|
Một nhóm đặc nhiệm chung Mỹ - EU phụ trách chuỗi cung ứng và sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 đã được thành lập nhằm tăng cường hợp tác, xác định và giải quyết các vấn đề liên quan tới mở rộng năng lực sản xuất vắc xin và thuốc điều trị bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, Mỹ và EU còn quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tuyên bố chung Mỹ - EU còn nhấn mạnh cam kết bảo vệ hành tinh và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hai bên khẳng định kế hoạch tiếp tục và củng cố hợp tác nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học. Mỹ - EU cam kết thành lập Nhóm hành động khí hậu cấp cao Mỹ - EU nhằm thực hiện hiệu quả nỗ lực trên.
Hai bên cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định với Liên hiệp quốc giữ vai trò cốt lõi, phục hồi và cải cách các thể chế đa phương nếu cần, đồng thời hợp tác với tất cả các nước có chung những mục tiêu này. Bên cạnh đó, Mỹ và EU còn cam kết xây dựng một thế giới dân chủ, hòa bình và an ninh hơn; thể hiện quyết tâm phối hợp nhằm chống lại tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và đổi mới các nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Có thể nói, việc Mỹ - EU thống nhất về hàng loạt vấn đề quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh lần này đã được dư luận quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, việc EU và Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh và tăng cường hợp tác nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 nói riêng và xử lý các vấn đề toàn cầu khác được kỳ vọng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Trong chuyến công du tới châu Âu lần này, Tổng thống Mỹ Biden đặt mục tiêu khôi phục quan hệ với các nhà lãnh đạo EU sau bốn năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Những đánh giá tích cực của các lãnh đạo EU về Tổng thống Mỹ sau hội nghị cho thấy ông Biden đã thành công với mục tiêu này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gọi Tổng thống Biden là “đối tác mà EU có thể tin cậy", bày tỏ rất hài lòng với cam kết của Mỹ cũng như coi đây là bước khởi đầu, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy các giá trị chung.
Nhìn chung, cuộc gặp giữa lãnh đạo EU và Tổng thống Biden lần này đã góp phần xóa bỏ những hoài nghi của châu Âu về cam kết của chính quyền Mỹ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đợi ông Biden sẽ cụ thể hóa các cam kết thành hành động cụ thể.
Hồng Hà (Tổng hợp)