17:06, 07/05/2010
Chỉ còn vài ngày nữa Vòng chung kết cuộc thi Robocon toàn quốc năm 2010 sẽ chính thức khai mạc tại TP. Buôn Ma Thuột. Đây là lần đầu tiên Trường Trung cấp Nghề Dak Lak tham gia một “cuộc chơi công nghệ” lớn đến như vậy. Thế nhưng, bỏ xa các “đàn anh” khác, đội Robocon của trường đã có những cú bứt phá ngoạn mục để trở thành trường trung cấp nghề duy nhất của cả nước lọt vào Vòng chung kết Robocon 2010.
|
Một số thành viên đội Robocon Trường Trung cấp Nghề Dak Lak đang tích cực tập luyện chuẩn bị tham dự Vòng chung kết Robocon toàn quốc 2010. |
Để có được thành tích đáng nể ấy là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của tập thể thầy và trò trong trường. Kể về quá trình thành lập đội Robocon, thầy Hoàng Đức Phùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ý tưởng tham gia cuộc thi này đã được nhà trường ấp ủ từ khá lâu nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay đội Robocon của trường mới ra đời. Sự non trẻ ấy đã bộc lộ nhiều điểm yếu ngay từ vòng đấu loại. Thi đấu với những đội có truyền thống, kinh nghiệm, sức mạnh về công nghệ và khả năng linh hoạt, thay đổi chiến thuật đã làm nhiều thành viên trong đội bị “ngợp”. Trần Thế Hải, học viên lớp điện tử công nghiệp K34A2, một thành viên trong đội cho hay, khi nhìn robot của đối thủ thao tác Hải chỉ biết đứng trân người mà không thể làm gì được, mãi một lúc sau mới bình tĩnh trở lại để thao tác cho robot của đội mình. Trong các cuộc thi robocon, chiến thắng sẽ thuộc về đội nào có những robot hoạt động ổn định, chính xác, tốc độ cao, khả năng lập trình thông minh và cả những chiến thuật tối ưu hóa thời gian thi đấu. Đó là sự kết hợp nhiều môn khoa học khác nhau (cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin,…) khi chế tạo một con robot. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là phải có những con người nắm được những môn khoa học ấy. Mặc dù đã có định hướng và chuẩn bị nhân lực từ 2 – 3 năm trước nhưng để tiếp cận sâu công nghệ mới mẻ này, nhà trường đã cử cán bộ chuyên môn “tầm sư học đạo” tại Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng. Chỉ một tuần được các chuyên gia tại đây hướng dẫn nhưng thầy và trò nhà trường đã chủ động tìm tòi qua tài liệu và bắt tay ngay vào việc chế tạo các con robot của mình. Để chạy đua với thời gian, chế tạo được con robot nào, đội tiến hành tập luyện ngay lúc ấy. Hồi hộp theo dõi các thao tác của robot, thầy trò trong trường vô cùng mừng rỡ trước thành quả đạt được bởi với quãng thời gian và kinh nghiệm ít ỏi nhưng những gì làm được quả là một kỳ tích. Đáng tự hào hơn, với kinh phí hạn hẹp nhưng thầy và trò trong đội Robocon Trường Trung cấp Nghề Dak Lak đã chủ động sáng tạo, tận dụng tất cả những gì có sẵn tại trường từ con người đến cơ sở vật chất để hoàn thiện những con robot của mình. Tất cả các khoa liên quan cùng bắt tay thực hiện, tạo nên những chi tiết của con robot. Thầy Trần Đình Tân, Phó hiệu trưởng, phụ trách đội, tự hào, hơn 70% chi tiết của các robot là do thầy trò trong trường làm ra.
Trên địa bàn tỉnh ta, chưa có cơ sở giáo dục đào tạo nào có chuyên ngành tự động hóa (còn gọi là cơ - tin) mà chỉ mới dừng lại ở mức đào tạo cơ bản tin học (đối với chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tin) hoặc tự động (chuyên ngành cơ khí). Chính vì thế, việc tiếp cận công nghệ tự động hóa gặp nhiều khó khăn. Ngay như Trường Trung cấp Nghề Dak Lak, một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này cũng mới chỉ lồng ghép trong chương trình đào tạo ngành điện tử và mới chỉ được đẩy mạnh trong ba năm gần đây. Thế nhưng, với những gì đã làm được, đặc biệt là tỷ lệ “nội địa hóa” lên đến 70% đã chứng tỏ khả năng tiếp cận, nắm bắt công nghệ của thầy trò của trường. Thầy Hoàng Đức Phùng tự tin rằng, đây là một khởi đầu quan trọng để nhà trường có những bước đi vững chắc về sau. Cuộc thi như một cú hích cần thiết để nhà trường mạnh dạn mở ra một môn học mới đầy thú vị. Nhưng trước mắt, vượt qua mọi khó khăn, đội Robocon Trường Trung Cấp Nghề Dak Lak đã sẵn sàng nhập cuộc với một quyết tâm cao nhất.
Lê Giang
Ý kiến bạn đọc