Multimedia Đọc Báo in

Công nghệ và những con số

17:39, 15/05/2011
 
Chương trình KC.02/06-10: 55 loại sản phẩm đã được thương mại hoá. Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vật liệu (KC.02/06-10) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm Chương trình, với 26 đề tài, 5 dự án sản xuất thử nghiệm (tổng kinh phí thực hiện là 115.477 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 69.309 triệu đồng và 46.168 triệu đồng là từ các nguồn khác), Chương trình đã nghiên cứu, chế tạo thành công 274 sản phẩm, trong đó có 112 loại vật liệu, 23 loại máy móc thiết bị; hoàn chỉnh 5 dây chuyền công nghệ, 134 quy trình công nghệ. Các kết quả nghiên cứu của Chương trình có rất nhiều tiến bộ, một số sản phẩm đã đạt trình độ của khu vực.
 
300 lãnh đạo công nghệ thông tin sẽ họp tại Hà Nội từ ngày 9 – 10-6 tới. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) tổ chức và dự kiến sẽ diễn ra thường niên. Theo VINASA, sẽ có khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông hàng đầu của Việt Nam tham dự hội nghị. Cùng đó là sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp thế giới. Năm nay, với chủ đề “Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước,” Hội nghị sẽ trao đổi về tầm nhìn, xu hướng, chiến lược và cơ hội phát triển nền công nghệ thông tin truyền thông cho Việt Nam và các doanh nghiệp.
 
4,2 độ richter là cường độ trận động đất đã xảy ra trên khu vực biên giới Việt - Lào, địa phận huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vào lúc 20 giờ ngày 7-5. Trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 12km. Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại. Hiện tại, Viện Vật lý địa cầu, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo của trận động đất này.
 
Từ 7 tới 8,5 tỷ USD
sẽ là số tiền mà “gã khổng lồ” phần mềm Microsoft của Mỹ thỏa thuận để mua lại Công ty điện thoại Internet Skype. Với mức giá này, vụ thâu tóm Skype sẽ vượt thương vụ mua lại aQuantive được cho là lớn nhất trước đó của Microsoft, với giá 6 tỷ USD năm 2007. Việc mua lại Skype có thể là một cách để Microsoft giành được vị trí lớn hơn trên thị trường điện thoại thông minh nóng bỏng, nơi các đối phủ Apple và Google tỏa sáng nhờ những chiếc iPhone và điện thoại di động sử dụng ứng dụng Androi
 
5 triệu USD là số tiền để Kính thiên văn (Search for Extra-terrestial Intelligence) – công cụ chủ yếu của Chương trình Tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái đất, hoạt động trở lại sau khi bị “đóng băng” một trong thời gian  vì không tìm được các nguồn tài trợ. Đây là một thiết bị gồm 42 ăngten, đặt tại Bắc California, được xây dựng bởi Viện SETI trong số đó một phần lớn (25 triệu đôla) từ lòng hảo tâm của nhà tỷ phú đồng sáng lập Microsoft là Paul Allen. Viện SETI thiếu nguồn tài trợ vì hiện nay, bang California đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng ngân sách và Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (National Science Fund, viết tắt NSF) đang bị cắt giảm nghiêm trọng. Những chiếc ăngten đã bị phủ vải bạt. Ở trạng thái này chúng đang “ngủ yên” và chưa biết bao giờ mới được đánh thức dậy.
 
425 triệu USD là số tiền mà NASA sẽ chi cho chương trình vũ trụ mới của mình trong tương lai. Dự kiến 3 chương trình sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài chính trên là: Trạm quan trắc địa vật lý (The Geophysical Monitoring Station, viết tắt là GEMS), chương trình này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu về kết cấu bên trong của sao Hỏa. Chương trình thứ hai có tên gọi là “Bọ chét sao chổi” (Comet Hopper). Giống như tên gọi của nó, dự án này sẽ giúp NASA có thể dễ dàng tiến hành tiếp cận với các sao chổi đồng thời quan sát sự thay đổi của sao chổi dưới tác động qua lại với Mặt trời. Chương trình thứ ba có tên gọi “Thiết bị thám hiểm đại dương của mặt trăng Titan” (The Titan Mare Explorer, viết tắt là TiME). Thiết bị này sẽ nổi trên bề mặt “đại dương” của Mặt trăng Titan, mặt trăng lớn của sao Thổ.
G.T ( Tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc